.

Nữ sinh trường chuyên và hành trình vượt qua "cái bóng của chính mình"

Cập nhật: 21:00, 27/05/2022 (GMT+7)

Nguyễn Hà My là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi HS giỏi. Cô gái nhỏ từng theo học một trường THCS ở ngoại thành, nuôi ước mơ vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đã không chỉ hiện thực hóa được ước mơ của mình, mà mới đây, còn chinh phục thành công học bổng toàn phần trị giá hơn 1 tỷ đồng của Trường ĐH Quốc tế Tokyo (TIU).

Với kỹ năng thuyết trình tốt, năm lớp 11, Hà My được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB Diễn thuyết của trường.
Với kỹ năng thuyết trình tốt, năm lớp 11, Hà My được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB Diễn thuyết của trường.

Chạm tay tới học bổng toàn phần

Ngày 23/5, Nguyễn Hà My (HS lớp 12 Anh 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) vừa chính thức nhận được thông báo giành học bổng toàn phần của Trường ĐH Quốc tế Tokyo cho suốt 4 năm học tại trường trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký”, Hà My là thí sinh duy nhất của tỉnh BR-VT và là 1 trong 3 HS trên cả nước giành được học bổng quý giá này.

Hà My cho hay: “Em rất thích văn hóa Nhật và con người nơi đây. Sau khi tìm hiểu các trường ĐH ở đất nước này, không chần chừ, em đã nộp hồ sơ vào ĐH Quốc tế Tokyo”. Theo Hà My, phương châm “Nuôi dưỡng những con người thực sự có tinh thần quốc tế” của TIU đã khiến em cảm nhận được đây chính xác là điều mà em đang tìm kiếm. “Tại đây, em sẽ có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành, cơ sở vật chất tiêu chuẩn và hệ thống giáo dục tiên tiến với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau”, Hà My nói.

Điểm nổi bật trong công tác tuyển sinh tại Trường ĐH Quốc tế Tokyo là trường không phỏng vấn đầu vào mà chỉ xét tuyển trên hồ sơ. Bà Phạm Tân Hòa, Phụ trách tuyển sinh Văn phòng Trường TIU tại Việt Nam cho biết, Hội đồng thẩm định nhà trường xét duyệt dựa trên 4 tiêu chí: điểm học bạ THPT, điểm chứng chỉ tiếng Anh (tối thiếu IELTS 5.5 hoặc tương đương), bài luận và thư giới thiệu của GV để đưa ra mức học bổng cho ứng viên. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như giấy chứng nhận HS giỏi các cấp, chứng chỉ tham gia hoạt động từ thiện xã hội hoặc đạt giải tại các cuộc thi thể thao… được coi là “điểm cộng” khi xem xét để đưa ra mức học bổng cho ứng viên.

Dù không đưa ra quá nhiều tiêu chí nhưng quy trình đánh giá, lựa chọn của Hội đồng thẩm định tương đối khắt khe. Tuy nhiên, hồ sơ “săn” học bổng của Hà My được Hội đồng thẩm định đánh giá là gần như đáp ứng trọn vẹn các tiêu chí đặt ra. Riêng về thành tích học tập, điểm trung bình các năm của em đều đạt trên 9.0; IELTS đạt 8.0. Cùng với đó, Hà Mỹ từng đạt giải Ba kỳ thi HS giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 11 và 12; giải Nhất bóng rổ cấp trường và giải Đồng đồng đội môn bóng rổ tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, giải Ba văn nghệ cấp trường. Ngoài ra, em còn tham gia nhiều hoạt động như thi tranh biện, đại sứ ở Vietnam 3D Project, một dự án hướng đến nâng cao ý thức của HS THPT về việc phát triển du lịch bền vững tại địa phương, đồng thời phát triển kỹ năng lãnh đạo cho HS tỉnh BR-VT…

Hà My (giữa hàng sau) tinh nghịch cùng bạn bè.
Hà My (giữa hàng sau) tinh nghịch cùng bạn bè.

Vẽ chân dung bằng màu sắc cá nhân

Ngoài thành tích cá nhân, Hà My cho rằng bài luận chính là yếu tố giúp em tạo ấn tượng với Hội đồng thẩm định. Hà My đã bám sát những yêu cầu bài luận đưa ra, thẳng thắn, cởi mở chia sẻ quan điểm và những câu chuyện mang đậm dấu ấn cá nhân. “Hãy là chính mình, thể hiện màu sắc của riêng bản thân mình, chứ không phải của bất kỳ ai khác. Cùng với đó, qua bài luận, hãy cho người khác thấy được sự tự tin cũng những định hướng rõ ràng về điều mình muốn làm và quyết tâm thực hiện mong muốn ấy”, đó là “bí quyết” giúp Hà My chinh phục Hội đồng thẩm định để chạm tay tới học bổng toàn phần của ĐH Quốc tế Tokyo.

Hà My cho biết thêm, những điều em viết trong bài luận đều là tâm tư, suy nghĩ, trải nghiệm đã ấp ủ từ lâu nên em không mất quá nhiều thời gian để viết nên những chia sẻ của mình.

Trả lời câu hỏi: “Tại sao bạn là ứng cử viên xứng đáng nhận được học bổng của TIU?”, Hà My khẳng định: “Thứ nhất, ngoài vốn tiếng Anh tốt, tôi còn là một người năng động và hòa đồng. Điều này sẽ giúp cho việc giao tiếp và làm việc hiệu quả trong môi trường đa quốc gia. Tôi cũng tự nhận mình là một người cầu toàn, làm việc gì cũng tỉ mỉ và nỗ lực hết mình cho mọi công việc mà không sợ thất bại. Và cuối cùng, là một người ham học hỏi, tôi sẵn sàng nâng cao và mở rộng kiến thức của mình, tôi không nản lòng trước những thất bại và luôn tìm kiếm cơ hội để thể hiện phẩm chất và cá tính của mình. Tôi tin rằng TIU là cơ hội mà tôi đang tìm kiếm, một cơ hội có thể giúp làm nổi bật sự tồn tại của mình và đánh dấu sự khởi đầu cuộc hành trình của tôi”.

Trong bài luận, Hà My đã kể lại câu chuyện “dám đổi thay” để biến mình từ một cô bé nhút nhát, luôn cảm thấy lạc lõng trong giao tiếp trở nên tự tin, cởi mở, bước ra khỏi “bóng đen” để tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Có lẽ, ít ai biết rằng, cô bé Hà My từng cảm thấy khó khăn khi nói chuyện và tương tác với người khác. Mỗi khi cố gắng nói điều gì đó, em lại thấy mình bị ngợp trong những câu hỏi: “Mình nên mở lời như thế nào?”, “Làm sao để có thể trò chuyện một cách tự nhiên?”…  

“Bước ngoặt” đầu tiên là lúc cô bé Hà My 6 tuổi theo bố đến văn phòng làm việc. Quan sát bố và những đồng nghiệp khác thảo luận, bàn bạc công việc, nhìn cách bố tự tin nói lên quan điểm của mình, thuyết phục những người xung quanh, cô bé thầm nghĩ: “Bố thật tuyệt, con muốn trở thành một người như bố!” và cũng nhận ra rằng: “MÌNH CẦN THAY ĐỔI”.

Với khát khao thay đổi bản thân, trong những năm phổ thông, Hà My đã ứng tuyển vào vị trí cán sự lớp và Ban chỉ huy Liên đội của trường. Em bắt đầu học cách giữ bình tĩnh, tập nói chuyện trước đám đông, bắt đầu bằng việc nói chuyện với… chính mình qua tấm gương phản chiếu. Sau đó, em chịu khó tương tác với các bạn cùng lớp và tìm kiếm những đề tài thú vị để có thể bắt chuyện, giao tiếp với mọi người. Dần dần, cô bé nhút nhát Hà My đã trở nên hòa đồng với bạn bè và thậm chí còn được tín nhiệm giao tổ chức các sự kiện của trường.

Để có thể thể hiện rõ nét hơn “màu sắc” cá nhân, Hà My tiếp tục tham gia nhiều cuộc thi thuyết trình, hùng biện. Dù không đạt được vị trí cao nhất nhưng với em, điều tuyệt với nhất là có thể nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Năm lớp 11, Hà My được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diễn thuyết, phụ trách quản lý con người và đào tạo các thành viên mới. “Nhìn lại chặng đường đã qua, em rất phấn khởi với những thành tựu và thay đổi của chính mình. Em của hiện tại đã khác xa cái bóng trong quá khứ”, Hà My xúc động nói.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 
.
.
.