Để mỗi ngày đều bình yên
Để mỗi ngày đều bình yên, người lao động được an toàn trở về nhà, nhiều DN đã quan tâm, đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác an toàn vệ sinh lao động.
Đoàn Thanh tra kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSL Đ tại Công ty CP Cảng tổng hợp Thị Vải. |
An toàn cho chính mình
Để mỗi ngày làm việc của người lao động (NLĐ) an toàn, Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ Container Quốc tế cảng Sài Gòn (SSA), (phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) luôn đặt công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lên hàng đầu. Tại khu vực sản xuất, các bảng chỉ dẫn, cảnh báo về ATVSLĐ đều được đặt ngay ngắn để nhắc nhở NLĐ. Hàng ngày, 5 cán bộ phụ trách ATVSLĐ có trách nhiệm kiểm tra phát hiện, loại bỏ những nguy cơ mất an toàn, bệnh nghề nghiệp.
NLĐ trước khi vào nhà máy phải có bảo hộ lao động đầy đủ, đúng quy định và được đơn vị kiểm tra đạt chuẩn. Định kỳ hàng năm, Công ty thực hiện 2 đợt khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ để kịp thời điều chỉnh vị trí công việc phù hợp.
Ông Lê Quyết Thắng, Trưởng Phòng an toàn-an ninh-sức khỏe- môi trường SSA cho biết, công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cung cấp kỹ năng về an toàn ATVSLĐ theo chủ đề cho NLĐ. Hàng ngày, công ty bố trí người kiểm tra thiết bị, máy móc nhằm phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn để có biện pháp khắc phục ngay...
Không chỉ ở Công ty SSA , nhiều DN khác trong tỉnh cũng đã tập trung cho công tác huấn luyện, cung cấp kỹ năng an toàn trong sản xuất cho NLĐ. Điển hình như tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Sài Gòn Việt Nam (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ), tất cả NLĐ khi làm việc đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATVSLĐ. Mỗi NLĐ đều tự giác chấp hành, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân khi bước vào ca làm việc. Sự quan tâm, đầu tư về công tác ATVSLĐ đã giúp DN này xây dựng được ý thức tự bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác cho NLĐ trong suốt quá trình làm việc.
Cùng với việc đầu tư, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, nhiều DN thường xuyên kiểm định các thiết bị, xây dựng yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ bài bản cho NLĐ. Đồng thời, có kế hoạch ứng phó khi xảy ra sự cố khẩn cấp; thường xuyên tổ chức huấn luyện ATLĐ cho NLĐ. Các chế độ, chính sách đối với NLĐ như: Xây dựng thang bảng lượng, khám sức khoẻ định kỳ, bồi dưỡng độc hại... đã được quan tâm đúng mức.
Cần quan tâm hơn đến bệnh nghề nghiệp
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, nhìn chung các DN đã có sự quan tâm tới sức khỏe NLĐ. Song DN chủ yếu tập trung nhiều cho công tác khám sức khỏe định kỳ mà chưa thật sự chú trọng tới khám phát hiện BNN cho NLĐ. “Thực tế, có rất nhiều yếu tố môi trường có thể dẫn đến bệnh nghề nghiệp của NLĐ, nhưng các yếu tố này thường bị xem nhẹ, như: khu vực sản xuất phát ra tiếng ồn lớn, nhiệt độ lớn, nhiều bụi... Một số DN cũng tổ chức lấy mẫu không khí nhưng khi phát hiện mẫu chưa đạt chuẩn lại không có giải pháp phù hợp để cải thiện”, bà Xuân Hoa cho biết.
“Tôi là thành viên của Đoàn Thanh tra về ATVSLĐ do Sở LĐTBXH tổ chức, kiểm tra 11 DN sản xuất thép và cảng biển, trong 2 ngày 24 và 25/5. Điều đáng mừng là khi được nhắc nhở về vấn đề này, hầu hết các DN rất cầu thị, lắng nghe. Nhiều DN mong muốn được hướng dẫn về các quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Tôi tin rằng nhận thức về bệnh nghề nghiệp sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới”, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
Trong đợt kiểm tra 11 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép và dịch vụ cảng biển, Đoàn thanh tra do Sở LĐTBXH tổ chức ghi nhận, hầu hết DN đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, cải thiện hệ thống vận hành máy móc, thiết bị theo hướng tự động hóa để từng bước hạn chế việc tiếp xúc với các yếu tố độc hại, nguy hiểm, cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ. “Dù trải qua khó khăn của dịch bệnh nhưng nhiều DN vẫn tổ chức chăm lo tốt cho NLĐ, tổ chức cho NLĐ đi tham quan nghỉ dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn ca”, bà Đỗ Hồng Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh, Trưởng Đoàn Thanh tra đánh giá. |