.

Vùng đất lành để phát triển

Cập nhật: 15:02, 18/12/2021 (GMT+7)

Họ có nghề nghiệp, quê hương khác nhau, là doanh nhân, là lao động từ nơi khác đến Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc, sinh sống hay là người dân địa phương. Nhưng ở họ có điểm chung là tình yêu đối với vùng đất này.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh (1991-2021), Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng giới thiệu một số ý kiến nhận xét của người dân, doanh nhân về vùng đất này.

Ông Kazama Toshio, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ
Ông Kazama Toshio, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh

Từ vùng đất đầm lầy ngập mặn, KCN Phú Mỹ 3 đã phát triển thành một KCN kiểu mẫu của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tin tưởng, đánh giá rất cao. Để Phú Mỹ 3 có được diện mạo như ngày hôm nay, tỉnh đã luôn quan tâm chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ các DN.

Lợi thế của BR-VT là sở hữu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như khí gas tự nhiên, nước sạch và nguồn điện công suất lớn, ổn định… Những lợi thế này rất thích hợp để thu hút và phát triển các ngành công nghiệp nặng, sản xuất vật liệu cơ bản cung cấp cho các nhà máy hạ nguồn tập trung tại các tỉnh thành trong khu vực phía Nam và tận dụng cảng nước sâu để xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng trong khu vực. Tôi mong muốn tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư hơn nữa cũng như sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của BR-VT.

Mong muốn của tôi sau 7 năm gắn bó với tỉnh là BR-VT sẽ phát triển tương xứng với vị thế của mình và tôi kỳ vọng điều đó sớm thành hiện thực.

 

Ông BÙI THẾ HÙNG, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VMS SOUTH
Ông BÙI THẾ HÙNG, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VMS SOUTH

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển bền vững

BR-VT là vùng đất lành, nơi Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS South) hình thành và phát triển, cũng là nơi khởi thủy của ngành bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX với sự ra đời của hải đăng Vũng Tàu năm 1862.

Trong 30 năm qua, tỉnh BR-VT có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô GRDP đứng thứ 3 cả nước và luôn là tỉnh nằm trong top đầu về đóng góp ngân sách. Thành quả chung đó có một phần đóng góp của VMS South trong việc bảo đảm an toàn hàng hải các tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, Vũng Tàu - Thị Vải, cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu, giữ gìn, bảo tồn hải đăng cổ Vũng Tàu, Bảy Cạnh - Côn Đảo như một điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn và các hoạt động khác.

Tôi hy vọng, trong thời gian tới, BR-VT tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, dịch vụ vận tải biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các DN phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, môi trường xanh và chuyển đổi số mạnh mẽ; xây dựng tỉnh với những thành phố thông minh, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao và hạnh phúc.

 

Doanh nhân NGUYỄN VĂN HÒA, nhà sáng lập cộng đồng kết nối doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nhân NGUYỄN VĂN HÒA, nhà sáng lập cộng đồng kết nối doanh nghiệp Việt Nam

Nơi đáng sống và lập nghiệp

Năm 2002, gia đình tôi từ Huế vào Bà Rịa-Vũng Tàu để lập nghiệp. Gần 20 năm sinh sống và kinh doanh tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi đã chứng kiến sự đổi thay của tỉnh về mọi mặt. Kinh tế, xã hội và hạ tầng không ngừng đổi thay, ngày càng trở nên khang trang, hiện đại hơn. Hạ tầng được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá phát triển nhanh và hướng tới sự hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Hệ thống trường học và bệnh viện liên tục được xây dựng và cải tạo, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Còn đối với tôi, một người làm kinh doanh thì việc có được môi trường kinh doanh tốt sẽ giúp DN thuận lợi để khởi nghiệp và phát triển. Trong 20 năm kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, đào tạo, kết nối DN… tôi nhận thấy môi trường kinh doanh của Bà Rịa-Vũng Tàu rất tốt, cộng đồng DN đa dạng, thân thiện. Tôi rất tự hào và hạnh phúc khi được sinh sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu và luôn giới thiệu với bạn bè về vùng đất, con người, cũng như tiềm năng phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là nơi tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, yên bình, đáng sống và lập nghiệp.

 

Ông NGUYỄN BÁ THANH, nguyên Giàn trưởng Giàn 9, Liên doanh Việt Nga-Vietsovpetro
Ông NGUYỄN BÁ THANH, nguyên Giàn trưởng Giàn 9, Liên doanh Việt Nga-Vietsovpetro

Quê hương thứ hai của người làm dầu khí

Cuối năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và tốt nghiệp chuyên ngành Khai thác dầu khí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, tôi được nhận vào làm việc tại Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro. Tôi đã chuyển gia đình từ Nghệ An vào Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống từ đó đến nay.

Suốt gần 30 năm làm việc trên các giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro, từ vị trí thợ khai thác dầu khí đến giàn trưởng, cuộc sống của tôi đã gắn bó với vùng biển, vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu này. 

Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đánh dấu sự trưởng thành của ngành dầu khí Việt Nam, là hậu phương vững chắc để ngành dầu khí phát triển, đồng thời là bến đỗ yên bình của nhiều thế hệ người làm dầu khí và gia đình họ. Đây là nơi chúng tôi phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống gia đình. Con cháu chúng tôi được lớn lên và trưởng thành trong môi trường an ninh, trong lành và đáng sống.

Với tôi, Bà Rịa - Vũng Tàu là quê hương thứ hai của mình. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi đã có duyên gắn bó với vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Bà LÊ THỊ DIỆM, 82 tuổi, vợ liệt sỹ, hiện sống tại Khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo
Bà LÊ THỊ DIỆM, 82 tuổi, vợ liệt sỹ, hiện sống tại Khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo

Trân trọng tình cảm của chính quyền dành cho người có công

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy chính quyền địa phương, năm 2005 gia đình tôi được cấp đất ở, được xây tặng căn nhà tình nghĩa có trị giá hơn 70 triệu đồng, giúp cho gia đình tôi ổn định cuộc sống. Hàng năm vào các dịp lễ Tết, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Quốc khánh (2/9), Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Côn Đảo cùng các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư đều tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình tôi. 

Ngoài ra, các đoàn khách của Trung ương, của tỉnh khi có dịp ra Côn Đảo cũng đến thăm, tôi rất xúc động, phần nào vơi đi nỗi mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra. Khi tôi ốm đau, bệnh hoạn, chính quyền địa phương, các y, bác sỹ đều quan tâm, thăm khám rất tận tình. Sự quan tâm đó khiến chúng tôi rất ấm lòng. 

 

Bà TRẦN BÍCH HƯỜNG 124/15A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam
Bà TRẦN BÍCH HƯỜNG 124/15A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam

Yêu và gắn bó sau lần đầu đến Bà Rịa-Vũng Tàu

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1992, sau khi ra trường và có một công việc tạm ổn tại Hà Nội, tôi vào Bà Rịa-Vũng Tàu thăm anh trai và chị gái đang sinh sống tại đây.

Ham tìm hiểu, khám phá, tôi một mình tham quan khắp nơi. Tôi đặc biệt ấn tượng khi người dân Bà Rịa-Vũng Tàu có giọng nói đủ các vùng miền. Con người nơi đây giản dị từ cách nói chuyện, cách xưng hô đến trang phục. Ghé mua chai nước, tôi được cô bán hàng gọi “cưng”, hỏi đường bác xe ôm, bác kêu là “nhỏ”, cậu bé bán vé số đưa xấp vé lên mời chào nhỏ nhẹ, đôi mắt trong veo, lấp lánh, miệng gọi “dì ơi...”.

Vũng Tàu còn ấn tượng ở cả những cung đường sạch sẽ, xanh mát, hoa nở bốn mùa. Ở đây một thời gian rất ngắn, tôi đã yêu mến thành phố nhỏ xinh đẹp này. Và rồi tôi quyết định chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm quê hương thứ hai, có gia đình và công việc mà tôi yêu thích (là Phó Chủ tịch Công đoàn một công ty sản xuất giày tại TP. Vũng Tàu). Gắn bó với thành phố biển gần 30 năm, tôi cảm thấy lựa chọn của trái tim mình thật đúng đắn.

Vũng Tàu trong những ngày đầu tôi mới đặt chân đến còn đơn sơ, xinh đẹp tự nhiên với những bãi cát chạy dài trắng phau, người dân gần gũi, dễ mến. Mỗi ngày trôi qua, diện mạo Vũng Tàu lại thêm chút đổi thay và ngày càng đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Ý thức người dân ngày càng cao trong việc chung tay xây dựng, phát triển thành phố. Những nét thân thiện, gần gũi của người dân nơi đây cũng vẫn được gìn giữ và phát huy, góp phần làm nên một Vũng Tàu xanh, sạch đẹp, nhân văn, một thành phố đáng đến và đáng sống. 

 

Trung sĩ VŨ LÊ HOÀNG NAM, Đại đội Thông tin (Bộ CHQS tỉnh).
Trung sĩ VŨ LÊ HOÀNG NAM, Đại đội Thông tin (Bộ CHQS tỉnh).

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng

Là người con của quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi rất vui khi tỉnh BR-VT trải qua chặng đường 30 năm phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. 

Đồng thời, tôi càng tự hào hơn khi Bà Rịa-Vũng Tàu được cả nước biết đến là vùng đất có truyền thống cách mạng, thân thiện, mến khách mà ai cũng muốn đặt chân đến. 

Hướng về kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập tỉnh, thế hệ chiến sĩ trẻ chúng tôi tự hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng bất khuất, anh hùng của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu, của các bậc cha, ông, hăng say thi đua huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo tiền đề cho tỉnh nhà phát triển bền vững.

 

Bà ĐÀO THỊ BẢY  (TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức), người dân tộc Châu Ro.
Bà ĐÀO THỊ BẢY (TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức), người dân tộc Châu Ro.

Đời sống nông thôn ngày càng khởi sắc

30 năm qua, nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm thực hiện, qua đó tác động và thay đổi đời sống bà con về mọi mặt. 

Chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở, cây, con giống được chính quyền các cấp tích cực triển khai thực hiện. Nhờ đó, đến nay xã, phường, thị trấn đều có đường ô tô vào trụ sở UBND xã, đường hẻm vào thôn, ấp được bê tông hóa, nhựa hóa khang trang, sạch đẹp. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản được đầu tư xây dựng; nước sạch được kéo về từng gia đình. Tôi rất vui khi nhận thấy những thay đổi tích cực đó và mong sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để bà con có vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

 

Chị PHAN THỊ THẢO NGÂN, thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức
Chị PHAN THỊ THẢO NGÂN, thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức

Vùng đất có điều kiện tốt để học tập, làm việc

Chồng tôi quê ở Bến Tre, nhưng hai vợ chồng quyết định chọn vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu để gắn bó và làm việc. Đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên và quan trọng hơn, đây còn là vùng đất có điều kiện tốt để phát triển tốt công việc, kinh tế. 

Tôi đã chứng kiến sự đổi thay rõ rệt trên quê hương mình. Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang. Những con đường đất đá nay đã được bê tông, trải nhựa vào từng ngõ ngách thôn xóm. Người dân đi lại, giao thương buôn bán thuận tiện. Bên cạnh đó, con em chúng tôi cũng được quan tâm từ học hành tới đời sống tinh thần, được tiếp cận với hệ thống giáo dục hoàn thiện, hiện đại, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị để học tập và phát triển.

 

 

Bà TẠ THỊ THỂ, 75 tuổi, Khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo
Bà TẠ THỊ THỂ, 75 tuổi, Khu dân cư số 2, huyện Côn Đảo

Đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc 

Là một người sống ở Côn Đảo từ trước năm 1975, tôi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên huyện đảo. Thế hệ chúng tôi trước đây không ai có thể hình dung được Côn Đảo lại khang trang, giàu đẹp như ngày hôm nay. Nếu sau ngày giải phóng Côn Đảo phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thì hiện nay, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, Côn Đảo đã có đầy đủ mọi thứ, từ điện, nước, đường giao thông, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị đến sân bay, bến cảng kết nối Côn Đảo với đất liền bằng máy bay và tàu cao tốc rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân. 

Bên cạnh đó, đời sống người dân ngày một nâng cao, nhà cao tầng, khách sạn ngày càng nhiều. Con cháu tôi hiện nay đều có đời sống ấm no, hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất mãn nguyện.

 

Ông NGUYỄN VĂN MINH, tổ 5, KP. Phước Sơn, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ
Ông NGUYỄN VĂN MINH, tổ 5, KP. Phước Sơn, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ

May mắn vì có duyên gắn bó với Bà Rịa-Vũng Táu

Sinh ra và lớn lên ở huyện Đất Đỏ nên tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ nét của quê hương. Qua 30 năm thành lập, tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, từ hạ tầng cơ sở như đường sá, điện, viễn thông.

Nếu như 15 năm trước, các con đường ở Đất Đỏ cũng như các địa phương khác trong tỉnh chủ yếu là đường mòn, đường đất thì nay các tuyến đường, ngõ hẻm đều được bê tông, nhựa hóa. Các con đường chính cũng mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.  Các điều kiện hạ tầng cơ sở đã giúp bà con trong huyện kinh doanh, buôn bán phát triển và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập, chăm sóc sức khỏe và việc làm của lao động nông thôn cũng được tỉnh, huyện quan tâm. Lao động nông thôn được học nghề, tạo điều kiện để có việc làm ổn định. Hệ thống trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại giúp việc học tập của học sinh dễ dàng, thuận tiện hơn. Các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế được đầu tư, y bác sĩ có chuyên môn, chăm sóc tận tình. 

 

Ông HOÀNG CỐ HUẾ (xã Suối Rao, huyện Châu Đức), cán bộ hưu trí.
Ông HOÀNG CỐ HUẾ (xã Suối Rao, huyện Châu Đức), cán bộ hưu trí.

Cán bộ trẻ được tạo cơ hội cống hiến

Trong 30 năm thành lập, phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tỉnh BR-VT có bước chuyển mình mạnh mẽ. Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ luôn được quan tâm. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ trẻ tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương cấp cơ sở càng nhiều. 

Kế thừa và phát huy những đức tính tốt đẹp của cha ông đi trước, cán bộ trẻ có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, gương mẫu; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập… góp công lớn vào mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của người dân các địa phương.

NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

 
 
 
 
 
 
 
 
.
.
.