.
BẢO ĐẢM AN SINH LÀ GIỮ ĐƯỢC DÂN Ở NHÀ, CÙNG CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH

Kỳ 2: Chăm lo đời sống người lao động

Cập nhật: 00:00, 09/09/2021 (GMT+7)
 
Bên cạnh chăm lo cho người nghèo khó, các hoàn cảnh khó khăn, BR-VT còn hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Công đoàn (CĐ) cùng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo, hỗ trợ công nhân, NLĐ.
 
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà cho NLĐ khó khăn đang làm việc tại DN trong KCN trên địa bàn TX.Phú Mỹ.
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà cho NLĐ khó khăn đang làm việc tại DN trong KCN trên địa bàn TX.Phú Mỹ.
Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống của NLĐ, nhất là lao động tự do, thời vụ và NLĐ bị tạm ngưng việc. Hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, suốt những tháng qua, các hoạt động của tổ chức CĐ đều hướng đến công nhân, NLĐ khó khăn, NLĐ trong khu vực phong tỏa, cách ly; NLĐ tạm ngừng việc, bị mất việc làm, ở các khu nhà trọ... Với mục tiêu chăm lo tốt nhất cho công nhân, các cấp CĐ sẽ tiếp tục vận động cá nhân, tập thể, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ cho đoàn viên, công nhân, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường khảo sát, nắm tình hình công nhân, NLĐ khó khăn, nhất là các trường hợp ở trọ để hỗ trợ kịp thời.
(Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

Sát cánh cùng người lao động

Việc nhiều DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch đã kéo theo hàng chục ngàn công nhân, NLĐ mất việc, dừng việc. Mất việc, không có tiền nhưng công nhân vẫn phải bám trụ lại nhà trọ để chờ ngày đi làm. Trước tình cảnh này, các cấp CĐ đã tích cực vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà cho công nhân, NLĐ. Ông Thành Ngọc Quân, thuê trọ tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ cho biết, dịch COVID-19 khiến cuộc sống của ông và nhiều gia đình ở dãy trọ lâm cảnh khó khăn. Chấp hành quy định chống dịch, hơn 2 tháng nay vợ chồng ông ở yên tại nhà. “Thu nhập không có, tiền dành dụm chỉ tạm đủ để vợ chồng tôi cầm cự qua ngày. Vì vậy, khi được chủ nhà trọ miễn toàn bộ tiền thuê nhà 2 tháng liền, tôi mừng lắm”, ông Quân xúc động nói.
Là lao động tự do, chuyên phụ việc cho quán ăn, từ đầu tháng 5 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng quán đóng cửa, chị Phan Vũ Kiều Trinh (tổ 22, KP. Mỹ Thạnh, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) bị thất nghiệp. Khoản tiền dành dụm ít ỏi cũng đã chi dùng hết. “Đầu tháng 7, tôi gần như không thể xoay xở được nữa. Vay mượn cũng không được vì những người quen biết đều trong hoàn cảnh tương tự. Trong hoàn cảnh đó, tôi được chủ nhà miễn tiền thuê trọ, còn lương thực, thực phẩm thì được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Cứ 1 tuần đến nửa tháng, tôi lại nhận được gạo, dầu ăn, mắm, muối, rau xanh, mì gói… Nhờ vậy mà không lo thiếu đói”, chị Trinh cho biết.
Từ khi toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 để phòng dịch, chính quyền và các hội đoàn thể phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của từng người dân. Với những gia đình khó khăn đột xuất, ngay lập tức những bao gạo, chai nước mắm, ký đường, lốc sữa được gửi tới. Mỗi phần quà dù giá trị không lớn nhưng đã kịp thời giúp lao động mất việc làm vì dịch COVID-19 vượt qua thời điểm ngặt nghèo. Đó còn là tấm lòng, sự chia sẻ, tương thân tương ái, quan tâm của chính quyền địa phương, là nguồn động viên tinh thần to lớn để người dân thêm vững tin cùng vượt qua đại dịch.
Bà Dương Thị Chờ, ở khu phố 1, phường Hắc Dịch chia sẻ: “Từ khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh, vợ chồng tôi đều thất nghiệp. Chi phí sinh hoạt thiếu thốn, song được sự quan tâm kịp thời từ các tổ chức, đoàn thể địa phương nên cả nhà không thiếu ăn. Chúng tôi rất cảm kích sự quan tâm, chăm lo của địa phương và các nhà hảo tâm”, bà Chờ nói.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, LĐLĐ tỉnh cùng các cấp CĐ phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội đã kết nối cùng các tổ chức, cá nhân tiếp sức cho công nhân, NLĐ mất việc… Một trong những hoạt động nổi bật là công tác vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân, NLĐ, đồng thời tặng quà, nhu yếu phẩm hỗ trợ NLĐ khó khăn.
 
Đại diện CĐ Các KCN tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho DN tổ chức “3 tại chỗ” tại các KCN.
Đại diện CĐ Các KCN tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho DN tổ chức “3 tại chỗ” tại các KCN.

Bà Nguyễn Thị Tùng, Chủ tịch LĐLĐ TX. Phú Mỹ cho biết, TX. Phú Mỹ có 9 KCN với hơn 54 ngàn công nhân, lao động, trong đó có hơn 24 ngàn lao động thuê trọ. Thấu hiểu được khó khăn của người thuê trọ, LĐLĐ TX. Phú Mỹ đã phối hợp với chính quyền các phường, xã trên địa bàn vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân, NLĐ. Đến nay có 1.378 NLĐ được hỗ trợ với tổng số tiền miễn, giảm hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, có những chủ nhà trọ miễn 100% tiền trọ trong 3 tháng. Bên cạnh đó, chủ nhà trọ còn tặng gạo, thực phẩm giúp người thuê trọ ấm lòng giữa đại dịch.

Bà Châu Kim Hà, ở khu phố 5, phường Hắc Dịch là một tấm gương điển hình. Khu trọ của gia đình có 39 phòng. Từ tháng 7 đến nay, bà Hà đã miễn hoàn toàn tiền nhà cho người thuê trọ. Mỗi ngày, bà đều xuống khu phòng trọ tìm hiểu khó khăn của từng người, ai thiếu gạo, thiếu dầu ăn, mắm muối… đều được bà tặng ngay.

 
Hưởng ứng lời kêu gọi của LĐLĐ tỉnh và các đoàn thể đến ngày 7/9, có 3.838 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho 19.134/39.623 người lao động với tổng số tiền 4,945 tỷ đồng. Công đoàn các cấp đã vận động ủng hộ tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch với tổng số tiền 13,416 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 92 đơn vị tuyến đầu tham gia phòng chống dịch hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ cho 15.214 lượt đoàn viên, CNLĐ hơn 12,1 tỷ đồng.

Cùng với vận động hỗ trợ miễn giảm tiền nhà trọ, chương trình “chuyến xe công đoàn” hỗ trợ công nhân lao động, NLĐ tại khu vực phong tỏa, tạm ngừng việc… cũng là một trong những hoạt động chăm lo cho NLĐ. Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ 11, khu phố Tân Hạnh, phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ cho biết, các hoạt động chăm lo của tổ chức CĐ đã kịp thời giải tỏa lo lắng cho công nhân, NLĐ nghèo, nhất là người ở trọ. Nhận phần quà hỗ trợ từ “Chuyến xe Công đoàn” của LĐLĐ tỉnh với 20 kg gạo, thùng mì, dầu ăn, nước tương, chị Hoa rơm rớm nước mắt nói: “Vợ chồng tôi đều làm phụ hồ. Hơn 2 tháng nay thất nghiệp, thu nhập không có, 2 con còn nhỏ, muốn về quê cũng khó. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thì vợ chồng tôi không biết xoay xở thế nào”.

Bài, ảnh: TUYẾT MAI - MỸ LƯƠNG
(Còn tiếp)
.
.
.