Xin lỗi và cám ơn
Mình rất ngại chia sẻ chuyện cá nhân trên Facebook vì nghĩ không chia sẻ sẽ đỡ rắc rối, thị phi. Thế nhưng có những chuyện, mình không thể không nói, như chuyện xin lỗi, cám ơn chẳng hạn.
Trước tiên là những lời xin lỗi. Bản thân mình do vụng về nên nhiều khi lầm lỗi, gây phiền phức, khó chịu, thậm chí làm tổn thương người khác. Rồi nhiều khi nhận ra lỗi của mình ngay khi đó nhưng lại ngại không mở miệng hay nhắn tin xin lỗi ngay, lâu rồi thì chìm xuồng. Dù không bao giờ có ác ý nhưng đôi khi cố ý, đôi khi vô tình mình vẫn làm tổn thương, ảnh hưởng tới người khác. Chưa kể có những khi gây ra những chuyện thoạt đầu cứ nghĩ là chuyện riêng, chẳng liên quan đến ai, ngoài bản thân mình nhưng sau mới biết nó lại khiến những người thân yêu của mình lo lắng đau buồn. Thế nhưng chẳng thể nói lời xin lỗi riêng từng người thế thì mượn face để bày tỏ chẳng phải là cách tốt nhất thì cũng vẫn hơn gọi từng người mà rằng thì là em, tôi, chị xin lỗi… mất thời gian của mình thì ít, mất thời gian của người ta thì nhiều.
Lời cám ơn cũng vậy. Mình nhận sự quan tâm chăm sóc của mọi người. Mình cảm thấy biết ơn, mình nên bày tỏ, chứ giữ sự cám ơn nặng lòng lắm. Đương nhiên có nhiều người chẳng cần phải cám ơn ai. Có thể vì cả đời họ chỉ cho mà không nhận nhưng thường là vì họ chẳng thấy cần thiết phải biết ơn ai. Người khác phải có trách nhiệm lo cho họ. May mắn thay mình không phải dạng đó.
Trước tiên mình cám ơn bố mẹ đã sinh ra tới tận 6 người con. Nếu trước đây mình rất hay lên tiếng phản đối về chuyện các cụ đã sinh đông lại còn sinh dày, vất vả cả bố mẹ lẫn con cái, giờ thấy nhiều trường hợp già cả, ốm đau không có con cái, người thân chăm lo cho thì lại thấy biết ơn bố mẹ thật nhiều.
Cám ơn người chị cả mạnh mẽ, giỏi giang đã âm thầm lo cho em mọi thứ từ tinh thần tới cái khẩu trang, chai gel rửa tay. Cám ơn người chị thứ chất phác, chăm chỉ lo cho em, cho cháu hơn cả con ruột của mình. Cám ơn các anh em dâu rể, trong nhà đã luôn lo lắng cho em vợ, chị chồng như chị em ruột của mình. Cám ơn vợ chồng cô em út giỏi giang, chăm chỉ đảm đang, luôn ở tuyến đầu gánh mọi lo toan, chăm đủ họ hàng hai bên nội ngoại. Cám ơn những chị, em, bạn đã quan tâm, chăm sóc cho em cả khi em sinh nở, mua nhà hay ốm đau, bệnh tật.
Cám ơn các cô giáo của con, là những người lẽ ra mình phải quan tâm, thì bây giờ lại bắt cô phải chăm lo ngược. Rồi tụi nhóc trong gia đình nữa, đứa lầm lì, lạnh lùng, đứa tếu táo, khôn ranh nhưng chúng có điểm chung là quan tâm đến bác, đến mẹ, đến dì theo một cách rất riêng, âm thầm và cảm động. Đứa cháu lớn thì rất khuya vẫn nhắn tin “Dì có cần con đi cùng dì tới viện không?” trong khi nó bận bao việc và đương nhiên là đi đến những nơi như thế vừa nguy hiểm vừa chán ngấy. Đứa cháu gái lớn thì giặt bằng tay những đồ trắng của dì, đưa đón, chăm sóc em, dọn chỗ, thu đồ cho dì ngay cả khi đồ, chỗ của nó, nó cũng còn chả muốn và chả có thời gian để thu dọn. Mấy đứa cháu nhỏ thì sẵn sàng nhường hết những thứ tốt nhất cho bác, cho mẹ, cho dì, Còn rất, rất nhiều người mà mình phải biết ơn từ vị bác sĩ đến cô điều dưỡng không quen đã tận tình quan tâm chỉ dẫn mình dù họ thực sự đều đã rất mệt mỏi trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát ác liệt này.
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua. Bản thân mình sau đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện đã khỏe mạnh trở lại, rất ngại vì đã nhận quá nhiều sự chăm lo, hỗ trợ của mọi người. Tuy nhiên bạn bè, đồng nghiệp đều an ủi: “Lúc mình khỏe mình chăm lo cho mọi người thì lúc mình yếu, mình nhận sự giúp đỡ, chăm sóc của mọi người có sao đâu”. “Mình lo cho người này lúc này, lúc khác sẽ có người khác lo cho mình mà”.
Cuộc sống chính là như vậy; yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau có cầu gì người ta giúp lại. Cho chính là nhận và nhận cũng chính là cho. Có thế cuộc đời mới đáng sống. Cuộc sống mới tươi đẹp hơn.
AN AN