.

Phụ nữ không hề… yếu đuối

Cập nhật: 21:18, 16/07/2021 (GMT+7)

Khi nghĩ về thân phận và cá tính của người đàn bà Việt Nam, từ trong sâu thẳm lòng mình, tự dưng lại bật ra câu ca dao ngân vang và có gì đó cam chịu, chịu đựng:

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

Họ là người đi theo, theo sau, đơn giản là từ trong ý thức, với người đàn ông khi đã là chồng, nghiễm nhiên trở thành cây tùng, cây bách. Nói như câu thơ Truyện Kiều: “Nghìn tầm nương bóng tùng quân/Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”. Thậm chí, người đàn bà khi có chồng là họ đã bước qua một thế giới khác, có lúc phải thốt lên:

Lấy chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.

“Xuất giá tòng phu” rồi à? Đừng có cãi. Mọi mệnh lệnh của người chồng được các thành viên trong gia đình răm rắp chấp hành. Điều vô lý và bất công nhất, từ đây mọi trách nhiệm trong nhà đều được người chồng trút xuống đôi vai của vợ. Xem kìa, “Con hư tại mẹ”, “Phúc đức tại mẫu”, “Xem bếp biết nết đàn bà”… tất tần tật mọi việc đều dành một người được phong tặng danh hiệu cực kỳ mỹ miều “nội tướng”. Một khi người đàn bà hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho chồng con, lẽ ra họ được quyền “nói lại” nhưng rồi không thể bởi đó chính là “thiên chức”. Vậy cựa quậy vào đâu? Tức là đời sống của họ đã khác trước nhiều lắm rồi, phải chấp nhận, không còn giây phút nào dành riêng cho mình nữa.

Dù đã nhận ra nhưng do áp lực của của nền tảng phong tục, tập quán, quan niệm xưa cũ nên họ không thể “bứt phá” ra được. Lại vô lý đến độ, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Bằng chứng là Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh, để trả món nợ cho mẹ, nàng phải chấp nhận lấy Thân - một thanh niên tầm thường, con trai cưng của bà Phán Lợi. Trong khi đó, nàng yêu Dũng bởi chàng sống có lý tưởng riêng và chí lớn. Trong buổi lễ tơ hồng, “Loan đã thản nhiên ngồi ngang hàng với Thân” thì gia đình chồng đã phản ứng chí chóe! Khi xuất bản tiểu thuyết này vào năm 1935, nhà văn Nhất Linh ghi lời đề tựa đầu sách: “Tặng Khái Hưng, tác giả Nửa chừng xuân, nhà văn chung một quan niệm với tôi về xã hội hiện thời, tặng các thanh niên nam nữ đã từng chịu nỗi khắt khe về xung đột cũ mới”.

Tại sao có sự tréo ngoe này? Ở đây, tôi không bàn đến, chỉ kết luận rằng được tiếng khen là nội tướng, làm tròn thiên chức, thi sĩ Hồ Dzếnh nhận xét đúng lắm:

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa

Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha

Khi cô vui thú, là khi đã

Bồng bế con thơ, đón tuổi già

May quá, thời đại computer đã khác. Người đàn bà đã ý thức hơn về quyền lực của họ. Quyền gì? Quyền được đẻ con. Một cái quyền mà không bất kỳ đàn ông nào sánh nổi và họ trở thành người đàn bà với ý nghĩa cao đẹp và thánh thiện nhất. Họ đã nhận ra vị trí của họ. Và họ có quyền chủ động, giữ quyền chủ động tận hưởng, được sống theo ý thích của mình. Thế thì, đừng vội la toáng, chụp mũ họ ích kỷ mà nếu đã đàn ông, đã người chồng yêu thương vợ thì cần chia sẻ và đồng tình.

Tại sao khi đã lập gia đình, người đàn ông vẫn còn có “thế giới riêng” với chằng chịt các mối quan hệ, thú vui ngoài xã hội; còn người đàn bà chỉ đẹp nhất khi đứng bếp? Đôi khi người đàn bà nghĩ rằng mình chu toàn đến thế ắt chồng con đã vui vẻ, sung sướng. Chưa chắc. Có câu chuyện thật, tôi đã nghe kể lại rằng cô nọ ngày nọ do phải về quê thăm mẹ đang bệnh, trước ngày đi xa dăm bữa đã chu đáo mọi thức ăn thức uống, bỏ vào tủ lạnh và dặn dò ngày này ăn món này v.v… Có thế, cô mới yên tâm. Rồi, dăm ba ngày sau, cô về nhà thì chẳng có gì thay đổi cả. Thức ăn hầu như vẫn y nguyên. Đơn giản, chồng và con đã tếch ra ăn quán và có những sinh hoạt khác nhân dịp… cô vắng nhà.

Thế đấy. Đừng nghĩ “thiên chức” của mình phải làm thế. Ừ, cứ làm thế nhưng chắc gì chồng con đã ưng ý? Cũng như có người thở than: “Cả đời tôi hy sinh cho chồng con”, người chồng cười ruồi: “Ai bảo cô?”. Chua chát chưa?

Vậy, một khi người đàn bà nếu có cơ hội dành cho riêng mình, tận hưởng niềm vui sống trong khoảng thời gian nào đó mà không bị câu thúc với “thiên chức” thật đáng hoan nghênh. Cần cổ vũ, ủng hộ. Đàn bà sống cho mình - một bản lĩnh sống. Không khác gì đàn ông, người đàn bà cũng cần khoảng thời gian nạp lại năng lượng theo cách của mình. Có thể du lịch một mình, mua sắm một mình, thư giãn một mình, vậy, hà cớ gì chỉ đàn ông mới có “đặc quyền” đó? Còn với đàn bà lại bảo họ ích kỷ. Ai ích kỷ?

Nghĩ cho cùng, lấy chồng là khởi đầu cuộc sống mới, khác trước, thú vị hơn chứ không phải kết thúc với cái bếp mỗi ngày. Đàn bà hiện đại vẫn là mẫu người đòi hỏi ở người đàn ông hơn thế hệ đàn chị của họ gấp nhiều lần. Không chỉ tiền bạc, vị trí xã hội, công ăn việc làm ổn định có thể đùm bọc, lo toan cho con cái mà còn phải biết “ga lăng” với vợ hơn. Và họ hoàn toàn có quyền sống với “thế giới riêng” của họ, miễn sao lựa chọn ấy không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Con diều đẹp, hấp dẫn lúc nó đang bay, được bay, bản lĩnh của người cầm diều vẫn là biết điều chỉnh khoảng cách từ mặt đất đến vòm trời, chứ không chỉ trang trí nó nơi xó bếp.

Xin thưa, tôi dám quả quyết rằng, khi người đàn ông thể hiện tố chất quan tâm đến người đàn bà của mình nhiều hơn, tinh tế hơn, đồng tình với ý kiến nêu trên - dù chỉ là những chuyện hết sức “vớ vẩn” và “nhỏ nhặt”, lập tức họ trở thành mẫu người chồng/người tình lý tưởng.

LÊ MINH QUỐC

 

.
.
.