.

Học sinh thích thú với trò chơi dân gian

Cập nhật: 17:13, 20/11/2020 (GMT+7)

Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhiều trường TH trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các trò chơi dân gian cho HS. Không chỉ giúp HS tăng cường thể chất, trí tuệ, rèn luyện kỹ năng sống, trò chơi dân gian còn góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Cô trò Trường TH Võ Nguyên Giáp chơi trò “Mèo đuổi chuột”.
Cô trò Trường TH Võ Nguyên Giáp chơi trò “Mèo đuổi chuột”.

Giờ ra chơi, từng tốp HS Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP. Vũng Tàu) tràn xuống sân trường tham gia các trò chơi vận động. Nhóm này say sưa nhảy dây, nhóm kia chơi nhảy lò cò, nhóm khác được cô Dương Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng hướng dẫn chơi trò “mèo đuổi chuột”. Tiếng cười đùa, tiếng cổ vũ của các em nhỏ vang lên rộn rã.

Cô Hoa hướng dẫn các em nắm tay thành vòng tròn, một bạn nam xung phong làm “mèo”, đi bắt “chuột”. Cả hai bé đều bịt mắt, di chuyển trong tiếng hát đồng dao của các bạn: “Mèo đuổi chuột/ Mời bạn ra đây/ Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ hổng/ Mèo chạy đằng sau/ Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo/ Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột”. Khi bị bắt, “chuột” lại biến thành “mèo”. Khuôn mặt các em đỏ gay vì nắng, những giọt mồ hôi rịn trán, nhưng em nào cũng vui vẻ. Nếu như các trò lùa vịt, nhảy dây, ô ăn quan thu hút nhiều bạn nữ thì trò ném banh, nhảy lò cò lại được nhiều HS nam lựa chọn. Trần Huy Tuấn, HS lớp 4/3 kể: “Ném banh và nhảy lò cò giúp em rèn kỹ năng khéo léo hơn trong vận động. Về nhà, em cũng vẽ ô ăn quan, ô lò cò và rủ các bạn trong xóm tham gia. Chơi vận động nhiều giúp em khỏe hơn, cũng hạn chế thời gian coi ti vi hoặc dùng các thiết bị điện tử”.

Lặng lẽ quan sát các học trò hòa mình trong những trò chơi dân gian, thầy Trần Quán, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: để giúp các em có sân chơi bổ ích và lý thú, từ năm học 2017-2018, nhà trường đã vẽ các trò chơi dân gian trong khuôn viên trường. Tùy theo vị trí của sân, các thầy cô bố trí các trò chơi phù hợp: nhảy lò cò, ô ăn quan, thả vịt, nhảy dây… Theo thầy Quán, các trò chơi dân gian giúp các em nhanh nhẹn, hòa đồng hơn và biết đoàn kết, nhường nhịn, giúp đỡ nhau hơn. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh cũng sẽ giúp các em thêm hào hứng trong học tập. Điều đặc biệt là chi phí tổ chức các trò chơi này không cao, nhưng vẫn bảo đảm tính an toàn cho HS.

Tương tự, nhiều trường TH khác trên địa bàn TP.Vũng Tàu cũng tổ chức các trò chơi dân gian cho HS trong sân trường như: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Viết Xuân, Thắng Tam, Phước Thắng...

Góc chơi ô ăn quan của HS Trường TH Long Điền.
Góc chơi ô ăn quan của HS Trường TH Long Điền.

Nhiều Liên đội trường học trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tham mưu ban giám hiệu xây dựng các trò chơi mang tính trải nghiệm sáng tạo cho HS, dưới sự giám sát, hỗ trợ của GV. Tại Trường TH Long Điền (huyện Long Điền), Liên đội xây dựng mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” cho HS toàn trường. Hiện nay, khoảng 85% HS trong trường tham gia các trò chơi dân gian. Em Nguyễn Phương Tâm, lớp 5A chia sẻ: “Với em, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Đến trường, em vừa được học chữ vừa được vui chơi. Em rất thích trò chơi ô ăn quan vì người chơi phải tính toán sao cho có thể thắng “đối thủ”. Ngoài ra, những trò chơi khác cũng rất hấp dẫn và thú vị”.

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã được triển khai từ nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh BR-VT. Đây được xem là một trong những hoạt động cụ thể nhằm hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động từ năm 2008.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Sáng, GV Tổng phụ trách Đội, Trường TH Long Điền cho hay, hoạt động trải nghiệm được thay đổi liên tục nhằm tạo sự tò mò và thích thú cho HS. Ban đầu chỉ có trò ô ăn quan, sau đó Liên đội thực hiện thêm các mô hình khác. Hiện nay, trường có 6 ô ăn quan, 2 ô nhảy lò cò, 2 khu thả vịt, 2 sân cầu lông và 2 sân bóng rổ… cho các em vui chơi. Vào các dịp lễ, Liên đội tổ chức thêm nhiều trò chơi mới, như: kéo co, bịt mắt bắt dê, 3 người 4 chân.

Theo chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, toàn tỉnh có hơn 230 Liên đội trường TH và THCS. Thời gian qua, ngoài việc triển khai các hoạt động chung của Đội, hơn 50% Liên đội trong toàn tỉnh còn chủ động sáng tạo lồng ghép các trò chơi dân gian vào trường học để kích thích sự hào hứng của các đội viên, từ đó thu hút các em đến gần hơn với tổ chức Đội.

“Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học không tốn nhiều diện tích, lại tạo ra sân chơi bổ ích cho HS, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một giữa thời đại công nghệ số”, chị Ánh Tuyết nhận định.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
.
.
.