.
LÀNG NGA Ở VŨNG TÀU

Kỳ 1: "Nước Nga" trong lòng thành phố biển

Cập nhật: 17:05, 25/10/2020 (GMT+7)
 
Được xem như một nước Nga thu nhỏ với đầy đủ những sắc thái văn hóa đặc trưng, làng Nga khiến cho bất cứ ai từng gắn bó với xứ sở Bạch Dương đều cảm thấy thật gần gũi, quen thuộc.
 
Những chuyên gia người Nga xem lại hình ảnh trưng bày tại khu vực  “Tôn vinh những người đầu tiên khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam” trong khuôn viên “làng Nga”.
Những chuyên gia người Nga xem lại hình ảnh trưng bày tại khu vực “Tôn vinh những người đầu tiên khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam” trong khuôn viên “làng Nga”.

Làng Nga nằm ngay trung tâm TP. Vũng Tàu, nơi luôn nhộn nhịp các hoạt động thương mại, giao thông... Nhưng dường như bước qua cánh cửa của làng Nga, không gian sống nơi này trở nên bình yên lạ thường và không khác nào một nước Nga thu nhỏ tại Vũng Tàu. Khuôn viên làng Nga rộng hơn 100.000m2, nhưng cư dân sinh sống trong “làng Nga” chủ yếu đi bộ hoặc đi xe đạp.

Buổi sáng đầu tuần, khi chúng tôi đến, hầu hết những chuyên gia người Nga đã lên xe đưa đón đến nơi làm việc. Những tuyến đường rợp cây xanh bóng mát thi thoảng có một vài chị người Nga dẫn con trên xe đẩy đi tắm nắng; một vài cô nhanh nhẹn bước vào trung tâm mua sắm lựa chọn đồ ăn thức uống chuẩn bị buổi trưa… Nhộn nhịp nhất là khu vực trường học Nga. Vào giờ ra chơi, các em HS trong trường với vóc dáng cao to, nhanh nhẹn tiến bước vào các khu vực căn tin của trường để nghỉ ngơi uống nước; một số bạn khác tranh thủ vui chơi sau giờ học…

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Chủ tịch Công đoàn Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro cho biết, vào đầu năm 1980, các chuyên gia Liên Xô cũ đầu tiên đến Vũng Tàu làm việc trong XNLD Vietsovpetro (nay là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro), họ được bố trí chỗ ở là các căn hộ của Khu dịch vụ dầu khí Lam Sơn (TP. Vũng Tàu). Giai đoạn đầu, hầu hết các vị trí chủ chốt tại Vietsovpetro đều do các chuyên gia người Nga đảm trách như tìm kiếm, thăm dò, khoan, khai thác dầu khí, xây lắp các công trình biển, vận tải biển… Vì vậy, phía Nga cử rất nhiều chuyên gia Nga sang Việt Nam làm việc. Thời điểm năm đầu 1990, có khoảng 2.000 người Nga sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu.

Khung cảnh thanh bình tại
Khung cảnh thanh bình tại "làng Nga".

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những cán bộ, chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam công tác, Ðặc khu Vũng Tàu-Côn Ðảo và Tổng cục Dầu khí trước đây có chủ trương xây dựng một khu tập thể dành riêng cho các chuyên gia. Năm 1985, Vietsovptro xây dựng Khu A thuộc chung cư 5 tầng-Tiểu khu 1, với diện tích hơn 10ha. Các chuyên gia người Nga bắt đầu chuyển về sống tập trung tại đây. Ngoài các căn hộ, trong khuôn viên làng Nga còn có nhiều công trình kiên cố như trường học, khu trung tâm thương mại, khu y tế, vườn trẻ em, sân bóng chuyền, bóng đá, sân tennis, cầu lông, nhà thi đấu thể dục thể thao, nhà trưng bày, lưu niệm, trạm điện, trạm nước… Cái tên “làng Nga” cũng bắt đầu từ đó. Theo ông Antonov Sergey, Phó Ban đời sống nhà ở phía Nga cho biết, hiện làng Nga có 11 tòa nhà với 520 căn hộ với hơn 1.000 người Nga đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây. Hiện người Nga sống tại đây rất thoải mái, có hệ thống an ninh bảo đảm. “Phía Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro luôn tạo thuận lợi cho những gia đình người Nga sinh sống, làm việc và học tập tại đây nên chúng tôi rất yên tâm công tác”, ông Antonov Sergey.

“Làng Nga” chỉ cách khu tập thể dành cho người Việt làm việc cùng Vietsovpetro một con đường nội bộ. Trong suốt 35 năm qua, người Nga đã hòa vào cộng đồng dân cư ở Vũng Tàu, như một minh chứng cho sự đoàn kết hữu nghị của hai đất nước Việt-Nga. Chị Dokuchaeva Alla đã có hơn 10 năm sống tại “làng Nga”. Với chị Dokuchaeva Alla “làng Nga” có đầy đủ điều kiện sống tốt như chính tại đất nước Nga mà chị đã sinh ra. Trong quá trình làm việc và sinh sống tại Vũng Tàu, chị cũng được bạn bè, đồng nghiệp nước sở tại tạo điều kiện giúp đỡ nên chị luôn xem Vũng Tàu chính là quê hương thứ 2 của mình. “Tôi yêu làng Nga, yêu khí hậu Vũng Tàu và công việc mà tôi đang làm tại trung tâm thương nghiệp của làng Nga. Và trong mắt người tôi, những người Việt Nam luôn là những cộng sự đầy trách nhiệm, thông minh; những người bạn chân tình, tốt bụng. Tôi nghĩ, nếu được chọn lại vợ chồng tôi vẫn chọn Việt Nam để đến định cư, lập nghiệp và sinh sống”, chị Dokuchaeva Alla nói.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: LINH ĐAN

 
.
.
.