Không ngừng sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy
Ngành GD-ĐT đã phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong toàn ngành. Qua đó, các cơ sở giáo dục nói chung và các thầy cô giáo nói riêng đã có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy để bứt phá về chất lượng giáo dục.
Cô và trò Trường Mầm non Ánh Dương (TP. Vũng Tàu) chăm sóc cây xanh. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
Không phải trường quốc tế nhưng lại dạy học bằng tiếng Anh, điều tưởng chừng lạ lùng ấy lại là chuyện rất đỗi quen thuộc tại Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa). Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành chia sẻ, việc thực hiện dạy một số chuyên đề, chủ đề các môn học như Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý… bằng tiếng Anh đã được nhà trường triển khai khoảng 5 năm trở lại đây. Ý tưởng táo bạo này ra đời từ yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy trên cơ sở dạy học tích hợp, liên môn.
Theo cô Võ Như Ý, GV bộ môn Toán, việc dạy học bằng tiếng Anh đã mang lại lợi ích “kép”. Nó giúp cho giờ học trở nên thú vị hơn khi các em HS được học và thực hành 2 môn trong 1 tiết học. Qua quá trình giảng dạy, năng lực ngoại ngữ của thầy cô cũng được nâng lên rõ rệt. “Trong tiết học, HS được phân theo nhóm, tham gia các trò chơi ô chữ hay thuyết trình nội dung bài học bằng tiếng Anh. Từ đó, các em được củng cố kiến thức Toán, tăng khả năng ghi nhớ các thuật ngữ Toán bằng tiếng Anh cũng như nâng cao tất cả các kỹ năng ngoại ngữ”, cô Như Ý cho biết thêm.
Không chỉ giảng dạy tích hợp liên môn, nhiều trường, nhiều GV còn đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá và cách truyền tải kiến thức nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của HS. Có dịp được dự một tiết học tại Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), chúng tôi chứng kiến buổi học diễn ra khá nhẹ nhàng, vui vẻ như một buổi sinh hoạt ngoại khóa. Cô Nguyễn Thị Phương Dung khởi động tiết Sinh học với các trò chơi, tiết mục hát, múa vừa để kiểm tra bài cũ, vừa giới thiệu nội dung của bài học mới. Việc đánh giá, cho điểm HS được cô Phương Dung thực hiện trong suốt quá trình giảng dạy với các câu hỏi tình huống, hoạt động nhóm. Cô Dung cho biết: “Tôi mong muốn mang đến cho các em sự thoải mái, vui vẻ trong suốt tiết học. Tôi thường chia lớp thành các nhóm để các thành viên phân công nhau tìm kiếm thông tin, lập sơ đồ tư duy, thuyết trình nội dung bài học. Như vậy, bên cạnh việc hiểu và khắc sâu kiến thức, các em còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện…”.
Không chỉ ở các trường phổ thông, ngay ở bậc học MN, các nhà trường cũng tích cực đổi mới giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin, giáo dục truyền thống đang dần thay thế bằng giáo dục thông minh và giáo dục MN cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tại Trường MN Châu Thành, với 2 máy vi tính và 4 màn hình cảm ứng được tỉnh trang bị, nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho GV ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Trong các hoạt động giáo dục phát triển nhận thức, trẻ không chỉ được nghe và quan sát GV hướng dẫn trực tiếp, mà còn được xem video và thực hành trên màn hình cảm ứng để tiết học trở nên sinh động, lý thú hơn. Bên cạnh đó, GV của trường còn vận dụng kiến thức công nghệ thông tin để ghi hình video bài giảng đưa lên website, kênh Youtube của trường để phụ huynh, HS theo dõi.
Học sinh trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ), trong giờ thực hành môn Vật lí. Ảnh: VÂN ANH |
Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho hay, Ban Giám hiệu nhà trường luôn khích lệ, tạo mọi điều kiện để đội ngũ GV thực hiện các ý tưởng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Ban Giám hiệu và đội ngũ GV của trường ý thức được rằng chỉ có đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy mới có thể tạo ra sự khác biệt để bứt phá về chất lượng giáo dục. Để có được những tiết dạy mới mẻ, hiệu quả, các thầy cô đã mạnh dạn thay đổi, không ngại khó, ngại khổ. Các tổ bộ môn cũng luôn hỗ trợ lẫn nhau để có thể đem đến cho HS những tiết học thú vị, bổ ích.
“Đơn cử như để có thể giảng dạy bằng tiếng Anh, ngoài giờ lên lớp, nhiều thầy cô lại miệt mài theo học tại các trung tâm để nâng cao năng lực ngoại ngữ. Không chỉ vậy, các thầy cô cũng phải đầu tư khá nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng, từ việc đọc SGK song ngữ, các giáo trình bộ môn bằng tiếng Anh đến học cách phát âm chuẩn, soạn giáo án”, thầy Lâm cho biết thêm. Trong những năm qua, việc đổi mới giảng dạy đã góp phần giúp Trường THPT Châu Thành có được những dấu ấn nổi bật như có thủ khoa, á khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm, có thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lọt vào top 200 trường có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước, được ưu tiên xét tuyển vào một số trường ĐH…
Từ năm 2015 đến nay, ngành GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện tốt việc nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thực hiện đổi mới giáo dục nhà trường phổ thông nhằm chuẩn bị phục vụ cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Có thể khẳng định, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thầy cô giáo trong giảng dạy góp phần quan trọng tạo nên thành tựu của ngành trong thời gian qua.
(Đồng chí Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc dạy và học thuận lợi, hiệu quả hơn, không gian học tập được mở rộng, vượt qua giới hạn của một tiết học thông thường. Điều đó giúp cho HS có cơ hội phát huy phẩm chất, năng lực của mình một cách rõ nét hơn.
Đồng chí Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong toàn ngành thông qua Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, GV có cơ hội tìm tòi, thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Các thầy cô đã chú trọng áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực mới, chuyển đổi quan điểm giáo dục từ chú trọng truyền thụ, cung cấp kiến thức sang rèn luyện và phát triển năng lực người học. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của HS, tăng cường các hoạt động chuyên đề tích hợp, liên môn; dạy học theo định hướng kết hợp dạy người, dạy chữ, dạy nghề và kỹ năng làm việc.
HOÀNG DƯƠNG