Tạm đóng một số cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai do tác động từ bệnh dịch Corona
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) đang theo dõi sát tình hình bệnh dịch viêm phổi do virus Corona gây ra để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia của Cục này, mặc dù trước mắt chưa nhận thấy khả năng bệnh dịch này có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc.
Mặt khác, do việc chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.
Qua trao đổi nhanh với Sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, Cục Xuất Nhập khẩu cho biết các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2 tới) với lý do đảm bảo phòng chống dịch.
Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, việc đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, các DN Việt Nam, đặc biệt là DN kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống DN Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
Hơn nữa, các DN cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.
Ngoài ra, các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.
Cục Xuất Nhập khẩu cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, DN khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
UYÊN HƯƠNG