.

Độc đáo ngôi nhà cổ hơn 120 năm tuổi

Cập nhật: 20:44, 15/08/2019 (GMT+7)

Nằm nép mình trong một con đường nhỏ ở khu phố Hải Trung, TT.Long Hải, huyện Long Điền, ngôi nhà cổ của ông Trần Đức Hoan được đánh giá có kiến trúc sang trọng bậc nhất ở thế kỷ 19. Ngôi nhà này không chỉ là nơi để gia đình ông “trốn” phố thị ở Sài Thành mà còn là nơi lưu giữ niềm đam mê cổ vật của chủ nhân.  

Ông Trần Đức Hoan chăm sóc cây cảnh trước sân ngôi nhà cổ.
Ông Trần Đức Hoan chăm sóc cây cảnh trước sân ngôi nhà cổ.

Ngay từ cổng nhìn vào, ngôi nhà cổ đã tạo nên vẻ uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ xưa là người rất giàu có. Chiếc cổng ngôi nhà gây ấn tượng với lối kiến trúc cung đình Huế với nhiều hoa văn đặc sắc, được chạm trổ rất công phu. Ngôi nhà có diện tích 182m², trước đây thuộc quyền sở hữu của vị cai tổng được xây dựng từ năm 1895. Năm 2011, ông Hoan mua lại và phục dựng rồi chuyển vào đây sinh sống. Toàn bộ căn nhà được làm bằng gỗ gõ theo kiểu nhà rường Nam Bộ: 3 gian, 2 chái, dưới cột kèo, cửa lớn và cửa nhỏ đều được chạm nổi hoa văn tinh xảo. Đây là lối kiến trúc dân gian quen thuộc, có nhiều nét tương đồng với kiến trúc của một số ngôi nhà cổ được xây dựng cùng thời ở trong và ngoài tỉnh. Gọi là rường bởi vì có nhiều rường cột, có hệ thống kết cấu cột kèo bằng gỗ, được liên kết hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể tháo lắp dễ dàng. Các hàng cột phân định số gian trong nhà, không có vách ngăn. Ngoài ra, ngôi nhà còn có hệ thống cửa lớn bao che 3 mặt tiền ngôi nhà, trên các hàng cột được chạm cách điệu các hoa văn: tứ quý, bát cửu, với mong muốn gia chủ sống lâu, làm ăn thịnh vượng. Mái nhà được lợp bằng ngói liệt với 2 lớp dày chồng lên nhau. Ngôi nhà được dựng lên không chỉ thể hiện sự đầy đủ về vật chất mà còn mang đậm dấu ấn về văn hóa đời sống tinh thần, khí phách người xưa trên mỗi nét chạm trổ với các mô típ như: tùng, trúc, cúc, mai…

Trên trần ở gian giữa treo bức hoành phi bằng gỗ nền thếp nhũ vàng chạm nổi chữ Hán. Bên gian trái, đặt bộ trường kỷ để trà nước tiếp khách hàng ngày; mặt tiền của nhà trên là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên có bày một sập gỗ. Gian phải kê một bộ trường kỷ. Chái bên phải kê một bộ ngựa dùng để làm nơi ăn cơm; chái bên trái kê một chiếc giường Ba Thành Huế cổ xưa. Giường Ba Thành hay còn được gọi là giường công chúa, với sự kết hợp tinh tế của nghệ thuật chạm khắc trên gỗ và nghệ thuật cẩn ốc xà cừ của các nghệ nhân xưa. Ông Hoan cho biết, chiếc giường này được mua từ năm 2009 từ một gia đình ở miền Tây. Người bán kể lại rằng, đây là chiếc “long sàng” có từ thời vua nhà Nguyễn. Trải qua nhiều biến cố, bị thất lạc ra ngoài dân gian, chiếc giường được mua đi, bán lại qua nhiều đời chủ. Tuy nhiên, lai lịch về chiếc giường vẫn là ẩn số đối với ông Hoan. Chiếc giường này được ông Hoan xem như bảo vật, đặt ở phòng khách, trở thành điểm nhấn cho ngôi nhà trở nên sang trọng hơn.  

Đi một vòng tham quan ngôi nhà, ai nấy đều phải trầm trồ thán phục bởi các vật dụng như bàn, sập, tủ... đến cột chống nhà đều làm bằng gõ đỏ, thứ gỗ quý, bền chắc. Trải qua nhiều bể dâu nhưng hiện ngôi nhà còn giữ được một số tranh thờ và nhiều bức thủ quyển sơn son thếp vàng rất đẹp. Liễn đối, thủ quyển và bao lam được chạm trổ tinh xảo theo phong cách chạm lộng, chạm nổi, chạm chìm khéo léo với đề tài mai, điểu, tùng, lộc, hoa cúc... biểu tượng của hạnh phúc, an khang thịnh vượng và trường thọ. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đức Hoan bộc bạch: “Dù thời gian sử dụng đã hơn 120 năm nhưng đến nay bộ khung của ngôi nhà vẫn bền, vững chãi, một phần nhờ vào kỹ thuật ráp nối của người xưa, phần nữa là nhờ vào ý thức bảo quản của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Tất cả gần như được bảo vệ nguyên vẹn, từ tán kê chân cột đến bộ khung: cột, kèo, đòn tay, rui, mè... đều được sơn, lau chùi cẩn thận. Bởi với tôi, mỗi một đồ vật hay từng nét chạm khắc trên ngôi nhà, đồ vật đều rất sống động và có hồn”.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN  

 
.
.
.