Dẻo thơm bánh tét bắp Đất Đỏ
Bánh tét bắp là món ăn dân dã, truyền thống lâu đời ở nhiều địa phương của tỉnh BR-VT. Đặc biệt, từ sau lễ hội bánh tét Tết Kỷ Sửu năm 2009, bánh tét bắp làm ra tại TT.Đất Đỏ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Từ đó, danh tiếng bánh tét bắp dẻo thơm vùng Đất Đỏ của tỉnh BR-VT vang xa khắp nơi.
Chị Nguyễn Thị Tình vớt các đòn bánh tét bắp sau khi nấu ra khỏi nồi. |
Nhiều gia đình ở các địa phương trong tỉnh BR-VT đều biết cách gói bánh tét nếp và bánh tét bắp. Nhưng “sản xuất” bánh tét bắp để bán hàng ngày thì tập trung ở các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc do đây là các vùng chuyên canh cây bắp - nguyên liệu chính của loại bánh dân dã này.
Đến khu phố Thanh Tân, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, hỏi nhà chị Hai Tình (Nguyễn Thị Tình) chuyên nghề làm bánh tét bắp hầu như ai cũng biết. Chị Tình cho hay, các thế hệ trong gia đình chị có hơn 40 năm kinh nghiệm gói bánh tét bắp để bán. Về cách làm bánh tét bắp, chị Tình vui vẻ chia sẻ: Bánh sử dụng nguyên liệu chính là bắp tươi và đậu xanh. Trước tiên, phải chọn những trái bắp vừa đủ độ già và mới thu hoạch, nếu bắp non bánh sẽ không dẻo, bắp quá già thì xáp và không thơm ngọt. Trái bắp sau khi được bóc vỏ phải rửa sạch và bào nhỏ, bỏ vào máy xay nhuyễn rồi trộn với một ít muối. Đậu xanh nấu chín, quết cho nhuyễn và trộn hành lá đã xào sơ qua dầu ăn với ít đường để làm nhân bánh.
Cách gói bánh tương tự như bánh tét nếp nhân thịt heo. Tức là trải bột bắp lên các xếp lá chuối rồi cho nhân đậu xanh (có nơi thêm cơm dừa xay nhuyễn cho tăng độ béo) vào giữa rồi gói lại và cột nhiều vòng dây thật chặt thành từng đòn. Bánh gói xong cho vào nồi nấu chừng 1,5 - 2 giờ là vừa chín tới, vớt ra để ráo nước là ăn được. Bình quân mỗi ngày, chị Tình gói và bán khoảng 500 đòn bánh với giá từ 10 -12 ngàn đồng/bánh.
Anh Nguyễn Văn Quân, công chức Văn phòng UBND TT.Đất Đỏ cho biết, bánh tét bắp là món ăn truyền thống lâu đời trên quê hương Đất Đỏ. Đặc biệt, năm 2009, bánh tét bắp Đất Đỏ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Cụ thể, sáng mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, các mẻ bánh tét bắp với 2009 đòn bánh đã được các hộ dân ở khu phố Thanh Tân, TT.Đất Đỏ làm ra để trưng bày tại Lễ hội bánh tét vào sáng mùng 5 ở Trung tâm Văn hóa huyện. “Sau đó được công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về số lượng bánh tét bắp làm cùng lúc nhiều nhất Việt Nam. Đến nay, kỷ lục này cũng chưa bị vượt qua”, anh Quân tự hào nói.
Tuy là món ăn dân dã miền quê, nhưng với những người xa xứ lâu ngày, hay với du khách thì bánh tét bắp lại là món ăn khó quên. Anh Trần Tấn Khoa (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, mỗi khi có dịp đi tham quan các khu du lịch ở huyện Xuyên Mộc (suối nước nóng Bình Châu, biển Hồ Cốc...) ngang qua TT.Đất Đỏ, anh Khoa đều ghé mua vài chục đòn bánh tét bắp để ăn và biếu cho bạn bè, người thân. “Mở đòn bánh ra thấy màu xanh lá chuối pha lẫn màu vàng của bắp trông rất đẹp mắt, hấp dẫn muốn ăn ngay. Cắn vào miếng bánh vừa dẽo, vừa mềm, vừa có vị ngọt của bắp, vừa có vị ngậy béo của đậu xanh cùng với cơm dừa xay nhuyễn quyện lẫn vào nhau, tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt, ăn vào nhớ mãi!”, anh Khoa nhận xét.
Hiện nay, khách qua đường trên Quốc lộ 55 đi về huyện Xuyên Mộc muốn mua bánh tét bắp thì ghé lại các điểm bán bắp luộc ven đường, đoạn từ TT.Đất Đỏ về tới xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ). Còn đi trên Quốc lộ 56 về huyện Châu Đức, thì ghé lại các điểm bán bắp ven đường từ ngã ba xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) về gần tới ngã ba xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức). Tại nhiều chợ trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh BR-VT cũng có bày bán bánh tét bắp chung với mặt hàng bún tươi, bánh tráng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH