.

Chồng mù lòa hát thuê kiếm tiền nuôi vợ khuyết tật

Cập nhật: 20:29, 07/08/2019 (GMT+7)

Vợ bị ảnh hưởng từ chất độc da cam không thể làm việc nặng nhọc, con trai 3 tuổi phải gửi người chăm sóc, hàng ngày anh Lê Công Khanh (bị mù cả hai mắt từ nhỏ) ở ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền đi hát rong kiếm tiền trang trải, lo cho cả gia đình. 

Dù mù lòa nhưng anh Lê Công Khanh cố gắng phụ giúp vợ cả trong sinh hoạt hàng ngày.
Dù mù lòa nhưng anh Lê Công Khanh cố gắng phụ giúp vợ cả trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong căn nhà cấp 4, mái lợp fibro ximăng đã xuống cấp, thủng lỗ chỗ, anh Khanh lôi chiếc loa cũ ra tập hát, chuẩn bị cho buổi văn nghệ sắp tới. Chị Hồ Thị Thu Hòa (vợ anh) lụi cụi dưới bếp làm cơm tối. “Tối nay vợ chồng tôi ăn “sang” hơn mọi ngày vì được hàng xóm cho mấy cái cánh gà. Bình thường, vợ chồng chỉ dám ăn rau với cá khô, tiền phải để dành lo cho con”, chị Hòa vừa nói vừa đưa tay lau vội giọt mồ hôi trên trán như là phân bua cho bữa ăn tối “thịnh soạn” vì có thịt gà của gia đình. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Khanh chia sẻ, cho đến tận bây giờ, anh vẫn chưa từng biết bố mẹ mình là người như thế nào. Nghe mọi người kể lại, khi anh 3 tuổi, sau một trận sốt phát ban, đôi mắt của anh không còn nhìn thấy nữa. Tay trái bị teo nhỏ từ bả vai đến tận ngón tay, khiến anh không thể cử động bình thường. Bố mẹ bỏ anh lại cho ông bà ngoại nuôi nấng. Ông bà già yếu rồi lần lượt qua đời, anh Khanh được vợ chồng anh trai đưa về chăm sóc, cho một miếng đất nhỏ dựng nhà ở tạm. 

Gia đình anh Lê Công Khanh và chị Hồ Thị Thu Hòa rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để vượt qua khó khăn. Mọi sự giúp đỡ, các tổ chức, cá nhân có thể liên lạc trực tiếp với Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo BR-VT, số 28, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Vũng Tàu, điện thoại: 0254.3.533.533 - 0941.666.000 hoặc trực tiếp giúp đỡ anh Lê Công Khanh theo số điện thoại 0898.653.619, ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền. 

Còn chị Hòa sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em. 7 người còn lại đều phát triển bình thường, riêng chị bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha nên không phát triển bình thường mà bị teo nhỏ, chỉ bằng một đứa trẻ tầm 5, 6 tuổi, chân yếu ớt khiến chị không thể đứng lâu một chỗ. Thỉnh thoảng, chị lại bị những cơn co giật hành hạ, đang ngồi bỗng ngã ngửa ra phía sau. Học hết lớp 5, chị Hòa nghỉ hẳn do bị bạn bè trêu chọc. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một gia đình riêng trọn vẹn. Có nhiều người khỏe mạnh, lành lặn đến hỏi cưới, nhưng tôi từ chối vì nghĩ mình lấy người ta cũng sẽ chẳng có hạnh phúc lâu dài và thiệt thòi cho họ”, chị Hòa ứa nước mắt. 

Cách đây hơn 3 năm, anh chị gặp nhau lần đầu tiên khi anh Khanh theo đội văn nghệ của Hội Người mù xã Tam Phước đi biểu diễn ở TT.Long Hải. Mê giọng hát của anh, thương anh hiền lành, chịu khó nhưng ngày ngày phải thui thủi một mình, lại đồng cảnh ngộ là người khuyết tật nên chị Hòa quyết định dành nửa quãng đời còn lại của mình bên người đàn ông ấy. Bỏ ngoài tai những lời bán tán không hay của bà con hàng xóm và sự phản đối quyết liệt của hai bên gia đình, chị Hòa về ở chung với anh Khanh vì “thương anh lẻ bóng một mình, không có người bầu bạn, đỡ đần”. Tình yêu của họ đã kết “quả ngọt” khi cậu con trai kháu khỉnh Lê Hồ Quang Hiếu ra đời. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng được bao lâu, khi con được hơn 2 tháng tuổi, sức khỏe của chị Hòa ngày càng yếu. Không thể chăm sóc cho con, anh chị đành gửi con cho một người quen ở TT.Long Hải nuôi giùm, hàng tháng gửi tiền mua sữa, mua tã cho con. 

Chuyên mục KẾT NỐI YÊU THƯƠNG mong nhận được thông tin của bạn đọc về các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn... Ban Biên tập sẽ cử người xác minh và đăng tải trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Thông tin giới thiệu gửi về email: baobrvt@gmail.com hoặc Quỹ “Tấm lòng Vàng”, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (28, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Vũng Tàu).

Đến nay, cậu con trai của anh chị đã được 3 tuổi nhưng anh chị vẫn chưa thể đón về đoàn tụ vì sợ mình không đủ sức khỏe chăm sóc cho con. Mỗi lần nhìn lũ trẻ con hàng xóm nhảy nhót, chơi đùa trước sân, nhớ đứa con trai của mình, hai hàng nước mắt chị Hòa lại chảy dài. “Nhớ con quá nhưng biết làm sao hơn. Lúc nào có tiền, hai vợ chồng lại dành dụm để thuê xe ôm xuống thăm con. Nghe con gọi tiếng “ba”, “mẹ” mà vợ chồng tôi không cầm được nước mắt. Tôi chỉ mong con trai được khỏe mạnh. Đợi con lớn thêm chút nữa, tự chăm sóc được, vợ chồng tôi sẽ đón con về. Có gì ăn nấy, vợ chồng con cái nương tựa vào nhau”, chị Hòa nghẹn lời, còn anh Khanh cũng rớm nước mắt. 

Hiện tại, cuộc sống của vợ chồng anh Khanh chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp 960 ngàn đồng/tháng cho cả hai người, cùng số tiền anh Khanh đi hát thuê bữa có bữa không, mỗi lần được 200-300 ngàn đồng. 

Bài, ảnh: SONG LANG

.
.
.