Về chiến khu Minh Đạm
Dãy Minh Đạm hiểm trở, có hơn 300 hang động nên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là căn cứ của quân và dân ta. Căn cứ Minh Đạm đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và trở thành địa chỉ về nguồn hấp dẫn du khách.
Du khách nghe giới thiệu về các hiện vật tại Phòng truyền thống khu di tích căn cứ cách mạng Minh Đạm. Ảnh: MINH THANH |
Gia đình người bạn tôi sống ở Hà Nội. Năm 18 tuổi, ông đã đi du học ở nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, ông công tác tại Đại sứ quán một số nước Đông Âu rồi trở về quê hương ở độ tuổi trung tuần, bấy giờ mẹ ông vẫn còn sống. Cha ông là chiến sĩ quân báo, hy sinh năm 1968 ở núi Minh Đạm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ước nguyện của mẹ ông là được vào thăm viếng mảnh đất mà cha ông đã an nghỉ. Nhưng ông chưa kịp giúp mẹ thực hiện ước muốn thiêng liêng ấy thì cụ qua đời. Đau đớn, ân hận, nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ. Vì vậy, vừa nhận sổ hưu, ông quyết định vào Bà Rịa - Vũng Tàu để thắp nhang cho cha, cũng là để thỏa ước nguyện lúc sinh thời của mẹ. Qua một số thông tin do đơn vị cũ của cha cung cấp, ông được biết, cha ông hy sinh trong đợt máy bay B52 rải thả bom căn cứ núi Minh Đạm.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Minh Đạm là căn cứ cách mạng của không chỉ quân và dân Long Đất, mà còn là căn cứ của Tỉnh ủy, của Quân báo Trung ương Cục. Những chứng tích đó ngày nay vẫn còn hiện hữu với các hang mang tên: Hang Huyện ủy, hang Huyện đội, Thị xã Cấp, Quân y...
Giữ vị trí trọng yếu của miền Đông Nam Bộ, cách Sài Gòn khoảng 70km, lại nằm cạnh TX. Bà Rịa và TX. Vũng Tàu, căn cứ Minh Đạm đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền Mỹ - ngụy. Vì vậy, quanh núi Minh Đạm, chúng xây dựng 15 đồn bốt với nhiều bãi mìn, hàng rào bùng nhùng để bao vây, cô lập các lực lượng cách mạng, đồng thời mở nhiều cuộc tiến công càn quét. Nhiều lần liên quân Mỹ-ngụy-Nam Triều Tiên, rồi liên quân ngụy-Úc… phối hợp với lục quân, không quân, hải quân Mỹ nã đại bác, dội pháo vào căn cứ Minh Đạm. Năm 1968, Mỹ đưa pháo đài bay B52 đến rải bom với ý đồ hủy diệt hoàn toàn căn cứ Minh Đạm. Nhưng địch vẫn thất bại. Các chiến sĩ quân giải phóng bám trụ kiên cường ở căn cứ Minh Đạm, mưu trí, ngoan cường đánh trả, giữ vững căn cứ cho đến ngày Tổng tiến công nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào tháng 4/1975…
Một buổi sáng mùa khô đẹp trời, tôi chạy xe chở ông bạn lên núi Minh Đạm theo con đường trải nhựa ngoằn ngoèo. Hai bên đường, hoa anh đào, hoa ti gôn nở rộ khoe sắc trắng, sắc hồng, sắc đỏ rực rỡ dưới ánh nắng ban mai.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu Đền thờ Minh Đạm, nơi thờ phụng 2.642 anh hùng liệt sĩ. Sau khi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi theo đường mòn trong rừng rậm, cây cối xum xuê tỏa bóng mát rượi lên các hang. Để khám phá những hang động gắn liền với những dấu ấn lịch sử cách mạng nằm sâu trên vách núi, đôi lúc chúng tôi phải vượt qua những khe núi nhỏ hẹp chỉ một người chui lọt. Tiếng nước chảy róc rách hòa lẫn tiếng chim kêu, vượn hú khiến khung cảnh càng thêm tĩnh mịch.
Gần trưa, chúng tôi lên đến đỉnh núi. Từ trên cao nhìn xuống, vùng biển Phước Hải, Long Hải, Lộc An, Hồ Tràm… trải rộng mênh mông. Những con thuyền đánh cá rẽ sóng ra khơi, vẽ nên bức tranh thủy mặc hữu tình. Ông bạn đồng hành trầm trồ khen ngợi: Phong cảnh Minh Đạm thật kỳ vĩ, nên thơ.
Núi Minh Đạm có 2 mặt giáp biển, nhìn từ xa giống như một con cá khổng lồ đang trườn mình trên mặt nước. Đỉnh cao nhất của dãy Minh Đạm cao 355m. Vào sáng sớm, đỉnh núi thường có những áng mây trắng bồng bềnh nên người xưa gọi tên núi là Thùy Vân (tên gọi khác là Kỳ Vân). Trên núi, một vị sư dựng nên 2 ngôi chùa là chùa Châu Long và chùa Châu Viên. Từ đó, người dân địa phương thường gọi núi Châu Long - Châu Viên. Thời kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ kháng chiến của tỉnh. Năm 1948, ông Bùi Công Minh, Bí thư Huyện ủy Long Điền và ông Mạc Thanh Đạm, Phó Bí thư Huyện ủy bị địch phục kích và anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ 2 vị liệt sĩ, người dân huyện Long Điền đổi tên núi Châu Long - Châu Viên thành núi Minh Đạm - ghép từ tên của 2 ông. Khu căn cứ cách mạng Minh Đạm đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 18/1/1993.
Trước khi xuống núi, ông bạn đồng hành của tôi bảo, núi Minh Đạm không chỉ có phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn chứa đựng những giá trị thiêng liêng của con người và dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
TRẦN QUANG VINH