Thiên anh hùng ca trong lòng đất
Hình ảnh tái hiện lại trạm y tế trong lòng địa đạo. |
Anh Võ Thành Đức, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Bà Rịa dẫn chúng tôi qua 20 bậc thang vuông vắn, xuống địa đạo Long Phước, nằm sâu 6m so với mặt đất. Lòng địa đạo rộng 0,7m với rất nhiều cửa ngăn và lỗ thông hơi, ụ chiến đấu. Trong không gian vô cùng chật hẹp, chúng tôi được dẫn đến những địa điểm từng được bố trí làm nơi cấp cứu cho thương binh, nơi chứa lương thực, vũ khí và cất giấu đạn dược.
Để tái hiện cuộc sống và chiến đấu, hiện nay, trong lòng địa đạo Long Phước có bố trí nhiều bức tượng mô phỏng cảnh phụ nữ gùi lương thực, những chiến sĩ trẻ đội nón tai bèo dương nòng súng qua lỗ châu mai… Từ trong địa đạo, thông qua những lỗ châu mai này có thể quan sát được bên ngoài, ngược lại từ phía bên ngoài sẽ không nhìn được vào trong địa đạo, bởi các lỗ châu mai được “ngụy trang” khéo léo bằng lá cây.
Địa đạo Long Phước được bắt đầu đào từ năm 1948 và phát triển trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tổng chiều dài 3.600m, chạy qua 5 ấp trong xã. Địa đạo được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Sau này, khi phục chế, chỉ tôn tạo 1.200m địa đạo ở ấp Bắc. Đây là công sức của hàng ngàn lượt người.
Bà Nguyễn Thị Lương (Năm Lương) tổ 6, ấp Đông, xã Long Phước, từng tham gia đào địa đạo Long Phước chia sẻ: “Tầm 6 đến 7 giờ tối, khi có hiệu lệnh, chúng tôi tập trung tại địa điểm quy định và tiến hành đào cho đến tận 12 giờ đêm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, trong lòng đất tối om, chỉ có ánh đèn cầy leo lét soi đường cho chúng tôi. Mỗi nhóm khoảng 10 người, người đục, bới đất, người xúc đất vào ky, người dùng cần vọt kéo lên và mang đi thật xa để đổ, ngụy trang bằng lá cây lên trên để tránh giặc phát hiện”.
Du khách nước ngoài chụp hình lưu niệm tại địa đạo Long Phước. |
Địa đạo Long Phước chính là nơi bám trụ đánh địch kiên cường của lực lượng cách mạng. Điển hình là trận chiến đấu 44 ngày đêm (từ ngày 5/3 đến ngày 11/4/1963) chống địch càn quét vào Long Phước, góp phần vào thắng lợi chung của phong trào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Hiện nay, địa đạo Long Phước đã được trùng tu, tôn tạo có phòng trưng bày truyền thống đón khách tham quan trong nước và quốc tế.
Đoạn địa đạo tại khu vực ấp Bắc, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất được phục chế nguyên gốc. Trung bình mỗi năm địa đạo Long Phước đón khoảng 200-300 đoàn khách, với tổng số từ 10.000-15.000 lượt người/năm, trong đó khoảng 40% là khách nước ngoài.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH