.

Những làng nghề vang tiếng một thời: "Thổi hồn" cho đá

Cập nhật: 19:20, 24/07/2019 (GMT+7)

Bằng đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, những người thợ điêu khắc đã “thổi hồn” vào những tảng đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. Đó là công việc của những người thợ tại làng nghề điêu khắc đá Tân Phước, TX. Phú Mỹ.

Ông Võ Văn Trung, thợ đá cơ sở đá mỹ nghệ Tuấn Dũng xẻ đá để tạo hình sản phẩm. 
Ông Võ Văn Trung, thợ đá cơ sở đá mỹ nghệ Tuấn Dũng xẻ đá để tạo hình sản phẩm. 

Không ai nhớ rõ làng nghề điêu khắc đá có từ khi nào, chỉ biết rằng sau giải phóng miền Nam, tại khu vực ven chân núi Ông Trịnh, phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ đã hình thành các cơ sở làm đá mỹ nghệ.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hoàng Vương Vũng Tàu, nằm sát chân núi Ông Trịnh (KP. Ông Trịnh, phường Tân Phước). Trên khoảng sân rộng hơn 1.000m2, 12 người thợ đang cặm cụi đục, đẽo, cắt, mài đá. Một tay cầm búa, một tay cầm đục tạo hình bàn tay cầm quả đào cho bức tượng Ông Thọ trong bộ Tam Đa “Phúc - Lộc - Thọ”, ông Phan Bính cho biết, bộ Tam Đa này khách đặt, đầu tháng 8 phải giao hàng. 

Ông Bính là người làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng). Ông đã gắn bó với nghề chế tác đá hơn 40 năm, trong đó có hơn 10 năm làm việc tại BR-VT. Ông có thể làm được tất cả các sản phẩm đá từ đơn giản đến phức tạp, các tác phẩm đòi hỏi độ tinh xảo cao như: Cảnh đồng quê, tượng Phật, tượng Chúa, kỳ lân, 12 con giáp… “Nghề này đòi hỏi phải có hoa tay, thêm tính kiên trì, óc sáng tạo, sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng đường nét khắc, tạc để tạo nên những bức tượng có hình dáng sinh động và mang thần thái riêng. Làm nghề lâu nên tôi quen tay, hình mẫu, khuôn dáng đều nhớ sẵn trong đầu”, ông Phan Bính chia sẻ. 

Ông Phan Bính, thợ đá Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hoàng Vương Vũng Tàu đang hoàn thành tượng Ông Thọ.
Ông Phan Bính, thợ đá Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hoàng Vương Vũng Tàu đang hoàn thành tượng Ông Thọ.

Ông Hoàng Hiệu, Giám đốc công ty cho biết, cơ sở sản xuất tượng đá tại TX. Phú Mỹ được mở từ năm 2005. Từ năm 2010, phong trào chơi đồ đá mỹ nghệ thịnh hành. Xu hướng trang trí nhà cửa, công ty, khách sạn bằng tượng, tranh đá phong thủy nở rộ, đơn hàng nhiều hơn. Năm 2018, ông dời cơ sở từ Quốc lộ 51 vào sát chân núi Ông Trịnh để gần nguồn nguyên liệu và có mặt bằng rộng cho chế tác. Cơ sở làm nhiều loại sản phẩm, từ những món đơn giản như bàn ghế, bia mộ, chậu hoa, phù điêu đến tạc tượng, khắc tranh, tạo hình đá theo yêu cầu.

Ngoài nguồn khách tại BR-VT, sản phẩm được bán về các tỉnh, thành trong nước như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Tiền Giang, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Nội… “Tôi đang thiết kế một showroom kết hợp trạm dừng chân tại cơ sở trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm, trang sức từ đá nhằm giới thiệu cho mọi người biết lịch sử, nét đẹp, tinh hoa của nghề đá mỹ nghệ địa phương”, ông Hiệu cho biết thêm.

Cơ sở đá mỹ nghệ Tuấn Dũng (nằm trên đường vào Cảng nội địa Đức Hạnh, phường Tân Phước) lại chuyên mặt hàng bàn ghế, đèn đá trang trí. Thị trường tiêu thụ nội tỉnh là chính. Ông Lại Tiến Dũng, chủ cơ sở cho biết, ông mở cơ sở từ năm 2009, tạo việc làm cho từ 6-10 lao động với mức thu nhập từ 15-25 triệu đồng/người/tháng. “Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng tôi còn dư khoảng 10 triệu đồng. Nhờ nghề làm đá, thu nhập và kinh tế gia đình tôi khấm khá dần”, ông Dũng cho hay. 

Theo thống kê của Sở Công thương, TX. Phú Mỹ có nguồn nguyên liệu sẵn có là đá granit trắng xám nên tập trung nhiều cơ sở sản xuất đá chẻ, đá ốp lát, đá tẩy, đá mỹ nghệ với khoảng 60 DN, cơ sở, hộ gia đình làm nghề phân bố chủ yếu ở 2 phường Tân Phước và Phước Hòa. Những năm qua, sản xuất đá được coi là ngành kinh tế có thế mạnh, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thị xã, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương và các vùng lân cận. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu trong nước, do các cơ sở tự tìm đầu mối. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Đài Loan, Singapore, Hồng Kông nhưng chưa nhiều.

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

.
.
.