.
NHỮNG LÀNG CHÀI BÊN CHÂN SÓNG:

Về Long Hải trong phiên chợ sớm

Cập nhật: 19:07, 01/07/2019 (GMT+7)

Chúng tôi có mặt tại bãi biển Long Hải lúc 4 giờ sáng. Lúc này, thuyền cá đang trở về với khoang đầy ắp cá tôm. Phiên chợ bắt đầu với đủ thứ âm thanh ồn ã, với vị mặn mòi của biển.

Ngư dân Long Hải phân loại hải sản và vận chuyển lên bờ.
Ngư dân Long Hải phân loại hải sản và vận chuyển lên bờ.

Khi tàu cá về, làng chài Long Hải bắt đầu trở nên nhộn nhịp, đông đúc, thuyền về mang theo cơ man cá mú, hồng, ngừ, bạc má, chim, bò, trích, lưỡi trâu... Những người phụ nữ cũng bắt đầu bận rộn với công việc phân loại hải sản... Quảy gánh cá trên vai, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (khu phố Hải An, thị trấn Long Hải) không giấu được niềm vui: “Chuyến biển này trúng nhiều cá ngon: bạc má, thu, chỉ vàng... Một số loại cá đã được thương lái từ TP.Hồ Chí Minh xuống mua, còn lại sẽ mang ra chợ bán”. 

Ngư dân ở Long Hải chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt ven bờ với các phương tiện thô sơ như giăng câu và đi ghe đáy. Câu mực, câu cá đuối, cá hồng, cá mú, cá nâu… Ngoài một số cá thông thường, thi thoảng ngư dân trúng “lộc trời” đánh bắt được cá mập, là loại cá có giá trị cao, vi cá mập cỡ lớn được thương lái mua với giá gần 2 triệu đồng/kg; còn thịt cá mập có giá từ 500-800 ngàn đồng/kg. Mùa cao điểm câu cá mập là từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Theo những ngư dân lão luyện, cá mập thường sống dưới các rạn ngầm, khi trời giông bão, mới lên mặt nước săn cá nổi. Đó là lúc ngư dân câu cá mập được mùa.

Nghề săn cá mập đang mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho ngư dân Long Hải. Ở tuổi hơn 60, với hơn 40 năm đi biển nhưng lão ngư Đặng Văn Năm (khu phố Hải Điền, thị trấn Long Hải) vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Khuôn mặt rắn rỏi, ánh mắt xa xăm, ông Năm trầm ngâm kể cho chúng tôi nghề về thăng trầm nghề biển. Theo ông Năm, hồi trẻ ông làm nghề lặn biển nghe luồng cá và săn cá mập. Theo thời gian phương tiện đánh bắt cũng ngày càng hiện đại, với sự ra đời của các loại máy như: tầm ngư, định vị, máy quét…thì nghề lặn cá ngày càng mai một. Ông cũng bỏ nghề lặn biển, săn cá mập, sắm một chiếc ghe đánh bắt hiện đại hơn. 

Nhưng làng chài Long Hải lại đông vui, nhộn nhịp nhất là vào mùa Lễ hội Dinh Cô. Lễ hội Dinh Cô thường diễn ra từ ngày 14 tới ngày 16/3 dương lịch hàng năm (tức là từ mùng 10 tới 12/2 âm lịch). Trong 3 ngày diễn ra lễ hội Dinh Cô, người địa phương và du khách sẽ thức thâu đêm, suốt sáng với những lễ hội đặc trưng như thả đèn hoa đăng, đánh trống, chiêng, đua thuyền và hát “bả trạo”… Lễ hội Dinh Cô được xem là lễ hội lớn nhất vùng biển Nam bộ. Rất nhiều người dân địa phương và du khách tìm đến Dinh Cô dự lễ hội để cầu mong những điều an lành, may mắn cho cuộc sống và thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy nơi đây.

Long Hải hiện có khoảng 470 hộ sống bằng nghề đánh bắt hải sản với 502 phương tiện, sản lượng đạt khoảng 14.400 tấn/năm. Tàu cá ở Long Hải là loại tàu chuyên đánh cá bằng lưới vây (rút), ngư trường cách bờ trên 100 hải lý.

Theo truyền thuyết mà các lão ngư Long Hải kể lại, cách đây 200 năm có một cô gái tên Lê Thị Hồng quê ở Phan Rang trên đường đi qua đây thuyền gặp giông bão, cô bị rớt xuống biển tử nạn, trôi dạt vào Hòn Hang. Nhân dân vùng này đã chôn cất cô và lập đền thờ gần biển. Từ đó cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 ngư dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng cô là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”, đền thờ được dời đến chân núi Kỳ Vân, chính là Dinh Cô ngày nay. 

Chia tay nhưng ngư dân, ấn tượng họ lưu lại trong mỗi chúng tôi đó là ánh mắt sáng và những nụ cười luôn nở trên môi. Nhìn họ, ai cũng nhận ra dù cuộc sống có vất vả bao nhiêu nhưng với những ai sống cuộc đời ngư phủ, niềm tin yêu cuộc sống vẫn rực sáng trong mỗi ánh mắt, chính điều đó đã tạo nên cốt cách của những người con làng biển Long Hải mà khó nơi nào pha lẫn.

TRÀ NGÂN

.
.
.