Phước Hải - ngân mãi câu ca "lưới rê đi cưới một thiên cá mòi"
“Ngó lên Đất Đỏ làm cỏ cho quen/Lưới rê đi cưới một thiên cá mòi/Không tin dỡ hộp cho coi/Rau răm ở dưới cá mòi ở trên” - Không phải ngẫu nhiên những câu ca đó lại ngân nga từ đời này qua đời khác ở Phước Hải. Nó gắn liền với lịch sử hơn 300 năm thăng trầm của làng chài Phước Hải và cuộc sống của những con người quanh năm bám biển, sống với biển.
Ngoài đánh bắt, Phước Hải còn nổi tiếng bởi các sản phẩm khô hải sản. Trong ảnh: Sản xuất cá khô tại hộ gia đình ông Hồ Trường Thành (ấp Phước Điền, thị trấn Phước Hải). |
CHUYỆN XƯA GHI LẠI
Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1725-1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất hoang (hiện nay dân Phước Hải tôn ông là Tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương khói quanh năm). Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Hàng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước để đánh bắt tôm, cá.
Lúc bấy giờ ở Phước Điền (thuộc Long Mỹ ngày nay) đã có một số dân sinh sống, một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê - ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một trong những làng cổ của tỉnh BR-VT. Sau này, cuộc sống của người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ. Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền sáp nhập, gọi là Phước Hải thôn. Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho Phước Hải ngày một trù phú, đông đúc.
Gắn bó với biển và biển đã mang lại cuộc sống ấm no cho con người, vì vậy cư dân thị trấn Phước Hải luôn biết ơn biển. Vào ngày 16, 17 tháng 2 âm lịch hàng năm, ngư dân thị trấn Phước Hải lại long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải để cầu mong may mắn, bình an. Ngư dân Phước Hải từ lâu đã xem lễ hội Nghinh Ông cũng là ngày mở cửa biển ra khơi, bắt đầu mùa làm ăn mới. Tại làng chài Phước Hải, ngư dân dành hẳn một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông để chôn cất cá Ông (cá voi) với những nghi lễ trang trọng. Nghĩa địa Ông Nam Hải do ngư dân làng chài Phước Hải xây dựng từ năm 1999, trên một trảng cát sát biển, rộng 6.500m2 thuộc khu phố Lộc Lan, cách đền thờ cá Ông của làng khoảng 2km. Mặc dù tục táng cá Ông diễn ra ở nhiều làng chài Việt Nam, nhưng đây có thể xem là nghĩa địa cá Ông độc đáo nhất. Theo các ngư dân Phước Hải, ở những vùng biển khác, người ta chỉ chôn cá Ông rải rác xung quanh đền thờ. Riêng làng chài Phước Hải lại chôn cất cá Ông rất cẩn thận và tập trung vào một chỗ. Nghĩa địa cá Ông của làng chài hiện đã có gần 100 ngôi mộ, đầu các ngôi mộ đều có bát nhang và bia đúc xi măng ghi “Nam Hải chi mộ” cùng ngày, tháng, năm cá Ông chết. Trong khuôn viên nghĩa địa, ngư dân còn xây lăng, nhà khách và đặt nhiều ghế đá dưới các gốc dương để chiều chiều người dân ra ngồi hóng mát.
Sản xuất cá khô tại hộ gia đình ông Hồ Trường Thành (ấp Phước Điền, thị trấn Phước Hải). |
LÀNG BIỂN TRÙ PHÚ
“Ngó lên Đất Đỏ làm cỏ cho quen/Lưới Rê đi cưới một thiên cá mòi/Không tin dỡ hộp cho coi/Rau răm ở dưới cá mòi ở trên”. Đến tận bây giờ, các lão ngư tại làng chài Phước Hải vẫn ngân nga câu ca dao như một niềm tự hào. “Đi cưới một thiên cá mòi cơ mà, cá tôm hồi đó dồi dào lắm”, lão ngư Đinh Văn An, khu phố Lộc An nhớ lại.
Trải qua nhiều thế hệ, nghề cá Phước Hải đã trở thành nghề truyền thống, được nối tiếp từ đời này sang đời khác. Với gần 80% dân số sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản, thị trấn Phước Hải được địa phương phát triển mạnh về đánh bắt xa bờ và các dịch vụ nghề cá. Từ phương tiện nhỏ, buồm chéo, máy móc thô sơ, đánh bắt ven bờ, sản lượng thu hoạch còn hạn chế, đến nay, thị trấn Phước Hải đã có hơn 500 phương tiện, trang bị nhiều ngành nghề, đánh bắt xa bờ, sản lượng thu hoạch hàng năm từ 35-40 ngàn tấn, trong đó hải sản có giá trị xuất khẩu chiếm 35-40%.
Để tăng cường sự liên kết sản xuất trên biển, thị trấn Phước Hải đã vận động ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình HTX, tổ, đội đánh bắt. Lão ngư Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng cho biết: “Tổ đánh bắt đã liên kết chặt chẽ với địa phương tăng cường tập huấn cho thành viên và ngư dân khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản; không xâm phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện khai thác đúng vùng, đúng tuyến, đúng mùa vụ và đúng đối tượng”.
Bài MINH AN, ảnh VÂN ANH