Những địa danh đã làm nên lịch sử: Núi Dinh - Căn cứ cách mạng kiên cường
Núi Dinh thuộc địa phận TX. Phú Mỹ và một phần TP. Bà Rịa. Nằm cạnh quốc lộ 51, Núi Dinh như cánh cung chạy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc. Đỉnh cao nhất khoảng gần 500m. Địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp, nhiều hang động nên trong kháng chiến, Núi Dinh đã trở thành căn cứ cách mạng của Đảng bộ và lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và Sài Gòn - Gia Định.
Bia ghi dấu căn cứ kháng chiến của Thị ủy, thị đội Bà Rịa tại Núi Dinh |
Núi Dinh không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những chiến tích oai hùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn là một địa chỉ du lịch tâm linh độc đáo của phương Nam. Trên khắp Núi Dinh có hơn 100 ngôi chùa, trong đó có ngôi chùa cổ Tổ Đình Linh Sơn, được xây dựng cách đây 300 năm. Tổ Đình Linh Sơn được đánh giá là một trong những công trình Phật giáo lâu đời nhất ở Nam Bộ, có hàng chục pho tượng Phật đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc cổ.
Nhân dịp đến chơi nhà một người bạn làm việc ở KCN Phú Mỹ, tôi rủ anh lên Núi Dinh thăm thú thiên nhiên và tìm về căn cứ cách mạng. Anh bạn hào hứng bảo, Núi Dinh là một điểm du lịch tuyệt vời! Vậy mà sống ở Phú Mỹ đã mười năm, anh vẫn chưa có dịp lên thăm. Đây là cơ hội tốt, anh nhất quyết phải chớp lấy.
Núi Dinh rộng hơn 30 km2, thuộc địa bàn các xã Hội Bài, Châu Pha, phường Phước Hòa (TX. Phú Mỹ) và một phần phường Long Hương (TP. Bà Rịa). Theo lời thuyết minh viên tại Căn cứ cách mạng Núi Dinh, cái tên Núi Dinh xuất hiện từ giữa thế kỷ XVII. Thời Chúa Nguyễn Phúc Tần có cuộc điều binh của trưởng cơ Yên Thành Hầu từ Phú Yên về vùng núi này. Trưởng cơ Yên Thành Hầu cho xây dựng một dinh thự chỉ huy trên sườn núi. Từ đó, người dân trong vùng gọi là Núi Dinh.
Núi Dinh có địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp, nhiều ngọn núi liên hoàn. Đỉnh cao nhất là đỉnh Núi Dinh, cao gần 500m, đỉnh Bao Quan cao 440m, đỉnh Ông Câu cao 436m… Trên các sườn núi có nhiều hang động nổi tiếng như hang Tổ, hang Mai, hang Dơi, hang Dây Bí, hang Ông Trọng… Núi Dinh có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, án ngữ phía Đông Sài Gòn và kiểm soát Quốc lộ 15 (nay là Quốc lộ 51), bởi vậy nơi đây trở thành địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam.
Ngay từ thời chống Pháp và đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Núi Dinh đã được Thị ủy Bà Rịa và Huyện ủy Châu Đức chọn làm căn cứ cách mạng. Sau này, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh, Thị ủy Vũng Tàu và Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định cũng chuyển về đây lập căn cứ cách mạng.
Năm 1965 địch phát hiện căn cứ của Huyện ủy và Huyện đội Châu Đức ở hang Dây Bí trên Núi Dinh. Liên quân Mỹ-Úc đã liên tục mở nhiều cuộc tấn công, kết hợp pháo bầy, máy bay cường kích ném bom bắn phá, dùng trực thăng đổ biệt kích truy lùng cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhưng lực lượng vũ trang với sức mạnh không tương quan của huyện Châu Đức đã kiên cường bám trụ, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Tháng 8/1966, Mỹ-ngụy mở đợt càn quét lớn vào căn cứ của Thị ủy Bà Rịa và Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định ở Bưng Lùng - một thung lũng hình lòng chảo thuộc Núi Dinh. Sau nhiều đợt pháo kích và máy bay B52 ném bom rải thảm, quân địch ào ạt tấn công nhưng bị lực lượng vũ trang TX. Bà Rịa và Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định đánh trả quyết liệt, buộc phải rút chạy…
Trong suốt mấy chục năm chiến tranh, địch đã mở hàng trăm trận càn, huy động nhiều lực lượng như bộ binh, biệt kích, xe tăng, pháo binh, không quân … liên tục ném bom bắn phá ở mức độ hủy diệt nhưng căn cứ cách mạng Núi Dinh vẫn trụ vững. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhiều đơn vị quân giải phóng đã tập kết ở Núi Dinh để tiến vào giải phóng tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1993, căn cứ Núi Dinh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Từ Phòng Truyền thống Căn cứ cách mạng Núi Dinh, tôi cùng anh bạn đi thăm các hang động huyền thoại trên Núi Dinh rồi leo lên đỉnh núi. Từ trên cao phóng tầm mắt ra xung quanh, những cánh đồng xanh mướt hiện ra như một tấm thảm xanh khổng lồ. Suối Tiên uốn lượn quanh các sườn núi rồi tụ lại thành những thác nước đổ ào ạt xuống thung lũng, tung bọt trắng xóa, đẹp như cảnh tiên. Xa xa, những nhà máy, bến cảng hiện nhộn nhịp, căng tràn sức sống.
TRẦN QUANG VINH