Những địa danh đã làm nên lịch sử: Cầu Cỏ May - ký ức một thời oanh liệt
Cầu Cỏ May (đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu) là nơi ghi dấu trận đánh ác liệt giải phóng Bà Rịa-Long Khánh cách đây 44 năm. Ngày nay, trên khuôn viên rộng 1.500m2 nơi tiểu đoàn địch cố thủ đầu cầu phía Nam, cạnh Quốc lộ 51 là Tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May.
Tượng đài liệt sĩ cầu Cỏ May ghi nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận quyết chiến giải phóng TP.Vũng Tàu năm 1975. |
Những ngày tháng Bảy này, không hẹn mà gặp, các cựu chiến binh (CCB) thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng, khoác trên mình màu xanh áo lính trở về TP. Vũng Tàu, đến Tượng đài liệt sĩ bên chân cầu Cỏ May thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong trận quyết chiến giải phóng tỉnh Bà Rịa-Long Khánh năm 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiệm vụ của Sư đoàn 3 Sao Vàng là giải phóng thị xã Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Ông Vương Minh Sơn, Trưởng Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng tại tỉnh BR-VT cho biết: Hiện Ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng gồm 32 người. Mỗi năm vào các dịp lễ, Tết, Sư đoàn 3 Sao Vàng phối hợp với UBND phường 12, TP.Vũng Tàu tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh ở cầu Cỏ May năm 1975. Sau đó, anh em ngồi lại với nhau ôn lại những giờ phút cảm tử ở cầu Cỏ May trong trận quyết chiến ngày 29/4/1975.
Ông Phạm Quang Lập (64 tuổi, nhà ở đường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), là chiến sĩ pháo binh Tiểu đoàn 40B, Sư đoàn 3 Sao Vàng, người trực tiếp đánh trận cầu Cỏ May kể lại: Cuối tháng 4/1975, quân ta đánh mạnh và giải phóng được Long Khánh, nên địch dồn về Bà Rịa, sau đó chạy qua cầu Cỏ May để cố thủ và chiếm giữ Vũng Tàu. Vì thế, cầu Cỏ May là nơi ta và địch giằng co quyết liệt, đánh nhau liên tục để giành quyền kiểm soát. Cầu Cỏ May ngày ấy được đúc bằng bê tông cốt thép, trục lộ duy nhất nối thị xã Bà Rịa với TP.Vũng Tàu. Cầu Cỏ May là một mục tiêu hiểm yếu, bởi đặc điểm địa hình rất phức tạp. Để dành ưu thế, địch liên tục nã súng 80-100 ly, súng 12 ly 7 xối xả xuống mặt sông, bố trí xe tăng, xe bọc thép trấn giữ cầu. Nhằm ngăn chặn quân ta, ngày 28/4/1975, địch cho đánh sập cầu Cỏ May. Trước tình hình đó, quân ta cho một trung đoàn thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng hành quân từ Bà Rịa xuống Long Hải, vượt sông Cửa Lấp tấn công sang Vũng Tàu. Sáng 29/4/1975, Tiểu đoàn 3 tổ chức vượt sông, đánh chiếm làm bàn đạp cho Trung đoàn. Tuy nhiên Tiểu đoàn 3 gặp bất lợi tại cầu Cỏ May thì ở hướng đông nam, Trung đoàn 12 được ghe của ngư dân Phước Tỉnh chuyển quân vượt Cửa Lấp thành công nên Trung đoàn 12 được giao đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu. Quân của Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Phước Thành vòng lên, từ Bến Súc, Trại Nhái đánh úp vào, hỗ trợ cho quân ta ở hướng cầu Cỏ May, cô lập địch ở tuyến phòng thủ Cỏ May với trung tâm thành phố. Với yếu tố bí mật, bất ngờ, trong khi đó, địch tin chắc rằng có eo biển, đầm lầy án ngữ, hoàn toàn không ngờ trước quân ta sẽ đổ bộ lên hướng này và không kịp trở tay. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng xóa sạch hoàn toàn cứ điểm của địch ở cầu Cỏ May, tạo khí thế cho quân ta tiến về giải phóng Vũng Tàu chiều cùng ngày. Cùng với trận đánh Palace, trận đánh cầu Cỏ May là một trong những trận quyết chiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bà Rịa-Long Khánh năm 1975.
Sau ngày giải phóng, cầu Cỏ May đã được xây dựng lại, trở thành cây cầu to đẹp hiện đại trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ đã ngã xuống trong trận đánh này, năm 2007, Tượng đài liệt sĩ cầu Cỏ May được khánh thành. Khuôn viên rộng 1.500m2, gồm bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận đánh cầu Cỏ May, tượng đài, phòng truyền thống kết hợp với phòng đón khách. Mới đây, Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng đã có văn bản gửi Tỉnh ủy đề nghị được lập bia đá ghi tên 75 chiến sĩ của Sư đoàn đã hy sinh trong trận đánh cầu Cỏ May năm 1975. “Đây là tâm nguyện chung của những cựu chiến binh để ghi nhớ công ơn của những đồng đội đã hy sinh. Họ vẫn mãi mãi sống trong lòng chúng tôi”, ông Vương Minh Sơn, Trưởng Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng tại BR-VT nói.