.

Kết quả kỳ thi thpt quốc gia: Đánh giá dựa vào tổng điểm trung bình là phiến diện

Cập nhật: 21:59, 21/07/2019 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thanh Giang trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Người đứng đầu ngành giáo dục BR-VT cho rằng, việc một số tờ báo xếp hạng các tỉnh, thành dựa trên điểm trung bình thi THPT Quốc gia dễ dẫn đến những cái nhìn phiến diện, gây hiểu nhầm về chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 của tỉnh?

- Ông Nguyễn Thanh Giang: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra công bằng, nghiêm túc, khách quan từ khâu coi thi, chấm thi và xét kết quả. Kỳ thi này toàn tỉnh có hơn 11.000 thí sinh (TS) tham dự, trong đó có 10.440 (TS) được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, đạt tỷ lệ 95,55%. Kỳ thi năm nay, tỉnh có 1.008 TS đạt từ điểm 9 trở lên, trong đó có 483 TS đạt điểm 10 ở 3 môn thi (môn Lịch sử có 1 TS; môn GDCD 7 TS; môn Tiếng Anh có 375 TS, gồm: 372 TS có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế nên được cộng điểm 10 và miễn thi, 3 TS dự thi). Đây là kết quả đem lại sự phấn khởi cho toàn ngành.

* Vừa qua, một số tờ báo đăng tải bảng xếp hạng điểm trung bình tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia, ông nghĩ gì về điều này?

- Việc xếp hạng dựa trên điểm trung bình của tất cả các môn thi và công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông rất dễ gây những hiểu nhầm về chất lượng giáo dục. Theo cách xếp hạng này, BR-VT đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tôi thấy rằng việc đưa ra bảng xếp hạng các tỉnh, thành dựa trên kết quả điểm trung bình của các môn thi là phiến diện. Mục đích của kỳ thi THPT Quốc gia là để xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục. Cho nên, tổng điểm trung bình chung của các môn thi không phản ánh được gì.

Chưa kể, hiện nay, kết quả tốt nghiệp THPT không còn dùng để xếp loại giỏi, khá, trung bình như trước nữa. Nhiều HS tham gia kỳ thi THPT Quốc gia với những mục tiêu rất rõ ràng. Chẳng hạn, thí sinh cần xét tốt nghiệp thì chỉ cần hoàn thành ở mức có thể tốt nghiệp; HS xét tuyển ĐH, CĐ thì đặt mục tiêu cao nhất nhưng chỉ ở những bài thi sẽ dùng làm kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Chưa kể, BR-VT có nhiều HS giỏi đã nhận học bổng du học ở các trường ĐH ở nước ngoài; nhiều HS đã được tuyển thẳng vào các trường ĐH top đầu. Do đó, các em sẽ tham gia kỳ thi THPT Quốc gia với tâm lý nhẹ nhàng, không phải nỗ lực để đạt điểm cao nhất. Tôi nghĩ điều đó rất bình thường và cũng rất thực tế.

Học sinh lớp 12 trao đổi bài thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền).
Học sinh lớp 12 trao đổi bài thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền).

Cho nên, nếu có một sự “xếp hạng” thì nên dựa vào tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh vào ĐH, CĐ sau kỳ thi. Tuy nhiên, mọi sự xếp hạng ở kỳ thi này cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. 

* Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh có những định hướng như thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng và kết quả của các kỳ thi THPT Quốc gia, thưa ông?

- Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT cũng như các trường THPT, TTGDTX trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Vào đầu năm học, nhất là HS khối 12, các nhà trường đã tổ chức phân lớp theo từng đối tượng và năng lực học HS để bố trí giáo viên giảng dạy hợp lý. Cùng với đó, các trường còn làm công tác hướng nghiệp, chọn ngành, chọn trường ĐH cho HS. Giáo viên vừa dạy kiến thức bài mới vừa tổ chức ôn tập, đồng thời định hướng cho các em làm quen với các bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia theo định hướng nghề nghiệp mà các em đã chọn. Mục tiêu mà ngành GD-ĐT luôn xác định để phấn đấu là tỷ lệ HS nhận được học bổng du học ở các trường ĐH nước ngoài, đậu ĐH ở các trường ĐH trong nước.

* Xin cảm ơn ông!

HỒNG PHƯƠNG

(Thực hiện)

 
.
.
.