Những làng chài bên chân sóng - Làng tôi nghề biển, nghề sông
Nghề cá đã trở thành nghề truyền thống lâu đời của nhiều người dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ những vùng ven biển, các làng chài trù phú đã hình thành, luôn tấp nập tàu thuyền như: Phước Tỉnh, Phước Hải, Lộc An, Bình Châu, Long Hải, Bến Đình - Bến Đá…
Ngư dân Bình Châu chuẩn bị ra khơi. |
“Làng tôi nghề biển nghề sông/Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài”. Đó là câu ca dao mà ngư dân Bình Châu những khi thong thả lại ngân nga, như một niềm tự hào bởi nghề đã mang lại cho họ một cuộc sống đủ đầy.
Chúng tôi trở lại làng cá Bình Châu vào những ngày đầu mùa mưa trong tiết trời oi ả. 3 giờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì những người dân sống ở làng cá Bình Châu đã sáng đèn. Người lưới, người câu, người đẩy thuyền về phía biển.
6-7 giờ sáng, một số thuyền đi từ tối hôm trước đã vào bờ mang theo nhiều tôm, cá. Các chị em phụ nữ nhanh chóng phân loại: mớ để bán, mớ thì xẻ để phơi. Một nhóm khác ngồi trong những cái chòi che tạm để vá lưới, khâu rập chuẩn bị cho những chuyến biển sau. Trong khi đó, phía dưới biển, cánh đàn ông hì hục vệ sinh lại ghe tàu, vận chuyển đá vào khoang để đêm xuống lại vươn khơi, chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt mới.
Lão ngư Trần Văn Diệm (nhà ở tổ 4, ấp Thanh Bình) cho biết, gia đình ông từ Quảng Nam vào Bình Châu làm nghề đánh bắt từ năm 1945. Con cháu lớn lên lại lập gia đình, sinh con và tiếp nối nghề cá cho đến nay. Theo ông Diệm, người dân xã Bình Châu đến từ nhiều xã vùng biển trong tỉnh: Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nhờ vậy mà nghề biển ở Bình Châu cũng phong phú, có lưới bờ, thúng câu, có câu bủa tôm, câu thu, lại có cả mành mực.
45 tuổi đời nhưng anh Nguyễn Văn Hậu (ấp Bình Hòa) đã có đến 30 năm làm bạn với biển. “Nghề biển chưa mang lại cuộc sống giàu có nhưng cũng khá đủ đầy. Hai vợ chồng cùng bám biển mưu sinh, tui đi lưới rập, vợ ở trên bờ bán cá tôm và nuôi con học hành. Mỗi tháng trung bình thu được khoảng 20 triệu đồng, cũng dư trang trải. Chỉ cần được mỗi ngày thức dậy thấy biển, đến giờ thì ra khơi, khi về ngồi bên hiên nhà nghe tiếng sóng vỗ là lòng thấy ấm áp rồi”, anh Hậu nói.
Ông Mai Thành Thơm, Ban Ngư nghiệp xã Bình Châu cho biết, thiên nhiên đặc biệt ưu đãi Bình Châu khi vùng biển ngoài khơi có sỏi rải đều nên cá mực thường kéo về đẻ trứng. Trứng mực vùng Bình Châu ngọt bùi, mực ở Bình Châu thịt trắng và dai, ngon nên rất được du khách ưa chuộng. Ngoài mực, cá thu ở Bình Châu cũng là loại hải sản có giá trị thương mại cao. Do đó, để đánh bắt cá thu và mực, ngư dân ở Bình Châu chủ yếu sử dụng ghe lớn, từ 60CV-300CV để hoạt động ở những vùng biển cách bờ khoảng 80 hải lý. Thời gian mỗi chuyến câu mực thường từ 10-22 ngày.
Mùa câu mực thường bắt đầu khi tối trăng, tầm 18 âm lịch tháng trước đến mùng 9, 10 tháng sau thì vào. Trung bình mỗi tàu hành nghề câu mực thu được 700-1.500kg tùy theo tàu. Cỡ mực từ 3-4 con/kg, giá bán từ 120-150 ngàn đồng/kg. Mực ống lớn (làm khô mực), mực ghim (làm mắm), mực trứng, mực sữa (làm các món ăn chiên, xào)... Còn câu cá thu thì đi chừng 7-8 người từ 25 âm lịch tháng trước đến mùng 10-15 tháng sau thì vào. “Vào mùa, nhiều ghe trúng cả chục tấn cá, mực là chuyện thường. Sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến biển ngư dân thường thu lãi khoảng 70-100 triệu đồng. Nhưng nghề biển gặp may mắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, giá hải sản được giữ ở mức khá...”, ông Thơm cho biết.
Tính đến cuối năm 2018, tổng số tàu thuyền trên địa bàn xã Bình Châu là 549 chiếc. Tổng sản lượng khai thác năm 2018 ước đạt 13.396 tấn. Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: “Mặc dù những năm gần đây hải sản có phần cạn kiệt, nghề biển không còn hưng thịnh như hàng chục năm về trước nhưng đánh bắt hải sản vẫn là một ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn xã Bình Châu khi hiện nay vẫn có đến 70% dân số sống bằng nghề biển”, ông Dậu nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ