Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao đột ngột
Tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát cao. Số ca mắc SXH ghi nhận trong Quý 1/2019 đã tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Do đó, ngành y tế đang tập trung các biện pháp phòng chống ngăn chặn SXH tiếp tục lan rộng.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi. |
HƠN 1.138 NGƯỜI MẮC SXH
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến hết tháng 3-2019, toàn tỉnh đã có hơn 1.138 người mắc SXH, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại TP.Vũng Tàu. Các huyện, thị, thành phố đều có số ca mắc SXH tăng cao. Trong đó, TP.Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất 481 ca, chiếm 42,5%.
Bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, không riêng gì BR-VT mà các tỉnh, thành lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều có số ca mắc SXH tăng cao. Tổng số ca mắc của 4 tỉnh này (bao gồm cả BR-VT) chiếm tới 80% tổng số ca SXH của cả nước. Ngoài nguyên nhân diễn tiến theo chu kỳ dịch (cách 3-4 năm thì có 1 năm tăng đột biến). SXH gia tăng cao còn có nguyên do từ sự lưu hành của chủng vi rút gây bệnh SXH Dengue 2. Trước đây SXH chủ yếu là do vi rút Dengue 1 nhưng đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019 qua giám sát dịch bệnh lại thấy xuất hiện thêm vi rút chủng Dengue 2. Chính chủng này đang gây ra bùng phát dịch SXH do chưa có miễn dịch cộng đồng đối với chủng vi rút Dengue 2.
TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Bác sĩ Quan cảnh báo, hiện nay, tình hình SXH tại các tỉnh, thành trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao. Vì vậy, thời gian tới dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp, cần có sự chung tay góp sức, vào cuộc kiên quyết của chính quyền các cấp và cả cộng đồng. Với khẩu hiệu không có lăng quăng, không có muỗi vằn, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác vận động người dân thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom các vật phế thải có thể chứa nước, khai thông cống rãnh nhằm hạn chế thấp nhất nơi sinh sản của muỗi, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên y tế tăng cường giám sát ca bệnh, nhanh chóng xác minh ca bệnh để xử lý ổ dịch triệt để theo quy định của Bộ Y tế; chủ động điều tra côn trùng các địa phương có nguy cơ cao; xây dựng kế hoạch tổ chức diệt lăng quăng…
Để phòng chống bệnh SXH, không để bệnh lây lan rộng, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường một cách thường xuyên như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.
Trong thời điểm bệnh SXH đang gia tăng và lây lan, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mỏi, đặc biệt là có dấu hiệu xuất huyết, người dân cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế. Những người đang có các bệnh mãn tính lại càng phải đến cơ sở y tế sớm hơn. Hiện nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nên cách phòng tốt nhất là tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hằng ngày.
Bài, ảnh: MINH THIÊN