Kiểm soát chặt thiết bị bay tự động
Những năm gần đây, thiết bị bay không người lái được điều khiển từ xa có gắn máy quay phim, máy chụp ảnh trên không (Drone with camera hay Flycam camera) không còn xa lạ với nhiều người, nhất là giới quay phim, chụp ảnh và dân mê công nghệ. Tuy nhiên, người sử dụng thiết bị bay phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật đối với hoạt động của mô hình này.
Người sử dụng Flycam trước khi tổ chức hoạt động bay cần làm các thủ tục xin phép Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Trong ảnh: Thiết bị bay Flycam của một người chuyên chụp ảnh, quay phim các sự kiện thể thao, giải trí, quảng cáo. |
MUA DỄ, NHƯNG CẨN THẬN KHI SỬ DỤNG
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương phát triển nhanh, mạnh về du lịch với nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đi kèm với đó, nhu cầu sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ (đặc biệt là thiết bị bay có gắn camera - Flycam) phục vụ việc vui chơi giải trí, thể thao, du lịch, quay phim, chụp ảnh, truyền tin và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Nhiều dân “phượt”, giới trẻ, các tiệm chụp ảnh cưới thường sử dụng Flycam vì có thể vừa chụp ảnh vừa quay phim từ trên cao, đem lại góc ảnh, thước phim mới lạ. Thiết bị này hấp dẫn với cả dân chụp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên. Mỗi Flycam gồm các bộ phận: động cơ, bộ điều khiển, tín hiệu thu vô tuyến... Trên thị trường, Flycam được rao bán rộng rãi trên các trang mạng bán hàng trực tuyến. Chỉ cần vào “Google”, gõ từ khóa tìm kiếm “Flycam”, sẽ cho ra hàng loạt kết quả với rất nhiều trang web rao bán mặt hàng này và đa dạng về mẫu mã. Người mua chỉ cần click chuột máy tính để đặt hàng và sẽ được giao hàng trên toàn quốc.
Do giá Flycam ngày càng rẻ, việc mua bán dễ dàng nên việc sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ nói chung, Flycam nói riêng ngày càng phổ biến. Trong vai người có nhu cầu mua Flycam, phóng viên liên hệ với tài khoản Facebook có tên “Flycam giá rẻ” (địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh) và được người bán giới thiệu: “Cửa hàng bán nhiều loại Flycam giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, bảo hành 1-3 tháng. Nếu muốn mua loại rẻ thì Flycam Hubsan giá chỉ khoảng 5 triệu đồng. Với loại này bay tầm cao khoảng 300m và pin sử dụng được 20 phút, có gắn sẵn camera”. Khi được hỏi sử dụng Flycam có bị phạt không? Người bán trả lời: “Chỉ với loại chuyên nghiệp đắt tiền thôi, còn mấy loại rẻ tiền thì chắc không sao, vì nó được xem là đồ chơi điện tử. Nhưng tốt nhất khi sử dụng cần phải cẩn thận vẫn tốt hơn. Không nên bay ở khu dân cư và những nơi nhạy cảm”.
XỬ LÝ NHIỀU CHUYẾN BAY “CHUI”
Theo Bộ CHQS tỉnh, trong các đợt cao điểm, lễ, Tết, lượng khách đến địa bàn BR-VT rất lớn và đây cũng là dịp mà một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đến tham quan du lịch, vui chơi giải trí để bay “chui”. Từ năm 2018 cho đến nay, cơ quan quân sự tỉnh và các cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 17 vụ/24 người vi phạm hoạt động bay không phép. Trong đó có 3 vụ/4 người nước ngoài vi phạm.
Điển hình như, tối 15-12-2018, lực lượng Kiểm soát quân sự - Ban CHQS TP.Vũng Tàu phối hợp với Đồn Biên phòng Bến Đá phát hiện và tạm giữ Flycam của anh Võ Anh Khoa (SN 1995, HKTT: quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) khi anh điều khiển Flycam bay tại khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu mà không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền. Trước đó ngày 14-12-2018, lực lượng quân sự phường 11, TP. Vũng Tàu phối hợp với Lữ đoàn 171 Hải quân phát hiện và tạm giữ Flycam của anh Nguyễn Hoài Trung (SN 1977, quê quán Nghệ An) do bay không phép tại khu vực phía sau Lữ đoàn 171 Hải quân. Vào tháng 2-2018, lực lượng quân sự và Công an huyện Côn Đảo cũng phát hiện, xử lý anh Chương Khang Thái (SN 1982, Việt kiều Mỹ) khi sử dụng Flycam bay không phép để quay phim tại khu vực sân bay Côn Đảo.
Theo Trung tá Vũ Thế Lực, Trưởng Ban phòng không - Bộ CHQS tỉnh, việc tổ chức hoạt động bay không có giấy phép, hoặc ngay cả có giấy phép nhưng thực hiện không đúng mục đích, thời gian, địa điểm được cơ quan thẩm quyền cấp phép cũng đều có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Đơn cử như, nếu gặp sự cố, vật thể bay có thể gây cháy nổ khi va vào nhà dân, hay dây điện, kho chứa xăng dầu, rơi xuống rừng vào mùa khô và gây mất an ninh hàng không.
Nguy hiểm hơn, đối tượng xấu có thể sử dụng các thiết bị bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vào các hoạt động vi phạm pháp luật như: thu thập thông tin khu vực cấm, treo cờ, biểu ngữ, rải truyền đơn phản động, rải chất độc, khủng bố bằng chất nổ… làm nguy hại đến tình hình an ninh chính trị. “Trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng liên quan đến thiết bị bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động tự phát, nhưng hoạt động này nếu không được kiểm soát chặt sẽ là một mối tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự”, Trung tá Vũ Thế Lực nhận định.
GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG BAY
Theo Nghị định số 36/2008 của Chính phủ về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) là cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với các chuyến bay loại hình Flycam và máy bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển.
Từ năm 2018 đến nay, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu đã cấp phép cho hơn 30 tổ chức, cá nhân được hoạt động bay trên địa bàn tỉnh BR-VT phục vụ cho các hoạt động giải trí, du lịch và thương mại. Cá nhân hay tổ chức sau khi được Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép, phải liên hệ với Bộ CHQS tỉnh thông báo dự báo bay trước 48 giờ để cơ quan này tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động bay theo đúng giấy phép.
Anh Nguyễn Quang Thịnh (ngụ TP. Vũng Tàu), Trưởng nhóm bay mô hình Vũng Tàu - CLB Hàng không phía Nam (thuộc Sư đoàn Không quân 370/Quân chủng Phòng không - Không quân) cho biết, hiện nhóm bay do anh phụ trách đang có hơn 10 thành viên với các phương tiện bay như: máy bay cánh bằng, trực thăng và một số loại máy bay siêu nhẹ khác. Trước mỗi lần bay, nhóm đều làm thủ tục xin phép Cục Tác chiến và thông báo đến cơ quan quân sự địa phương lịch bay cụ thể về thời gian, địa điểm, tọa độ, độ cao, bán kính hoạt động, danh sách thành viên tham gia và phương tiện bay. “Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với loại mô hình bay này, chúng tôi còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá nét đẹp cảnh quan thiên nhiên, thành tựu kinh tế, phát triển du lịch của tỉnh thông qua hình ảnh được quay từ trên cao của Flycam và làm các video clip đăng tải trên mạng xã hội ”, anh Thịnh chia sẻ.
Trung tá Vũ Thế Lực cho biết, lực lượng quân sự tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh về việc quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; tăng cường các biện pháp, phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, quản lý, giám sát nắm chắc địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm khi sử dụng thiết bị bay.
Người chơi Flycam chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp có nhu cầu cấp phép chuyến bay cho thiết bị bay thì làm hồ sơ xin phép Cục Tác chiến, hoặc tham gia vào các CLB hàng không chuyên sử dụng các thiết bị này để làm thủ tục xin phép theo nhóm. “Các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được tổ chức hoạt động bay khi chưa có giấy phép của cơ quan thẩm quyền, hoặc hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, tịch thu thiết bị và thu hồi giấy phép bay, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”, Trung tá Vũ Thế Lực khuyến cáo.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM