Cải cách thủ tục hành chính bằng những việc thiết thực
Thước đo hiệu quả của một nền hành chính là sự hài lòng của người dân. Sự hài lòng này bắt đầu từ việc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, mà chủ yếu là thông qua thủ tục hành chính (TTHC) do đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trong bộ máy công quyền thực hiện.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cấp tỉnh. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
Những năm qua, ở một số địa phương trong cả nước, đã xuất hiện chính quyền gần dân, thật sự chăm lo, quan tâm đến lợi ích của người dân thông qua giải quyết những việc hàng ngày, dù nhỏ nhất của dân. Chính quyền cử CBCC về tận nơi để giải quyết những TTHC giúp dân, giúp DN. Phong cách, thái độ làm việc đó đã làm cho người dân, DN cảm động, biết ơn và đều có cảm nhận chính quyền thật sự là của họ.
Tuy nhiên, cải cách TTHC trên thực tế chưa theo kịp với mức tăng trưởng kinh tế, và xã hội. TTHC ở nhiều lĩnh vực còn rườm rà, vẫn còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, nhiều nơi vẫn còn chậm trễ trong giải quyết nhu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân, DN, thậm chí không ít nơi gây phiền hà, sách nhiễu, khó dễ…
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo CCHC Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra rất cụ thể những hạn chế trong CCTTHC hiện nay. Thủ tướng đánh giá: Vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Chính phủ nói mạnh, làm quyết liệt, nhưng bên dưới vẫn còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp tiếp xúc với dân có thái độ phục vụ còn bất cập; một số cơ quan tiếp dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại với dân, cố tình kéo dài tình trạng im lặng. Còn nhiều TTHC rườm rà chưa giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và DN.
Chính quyền nhà nước phục vụ dân mà mối quan hệ giữa chính quyền với công dân trong giải quyết TTHC vẫn để người dân, DN ở “chiếu dưới”. Người dân và DN vẫn phải đi “xin”, vẫn phải chờ cán bộ “ban phát cho”. Thật đáng buồn khi “Dân có cần nhưng quan chưa vội; Dân có vội dân lội dân sang”: Người dân, DN không chỉ phải “đi xin”, mà còn phải “chạy vạy”, chờ đợi, đi lại năm lần, bảy lượt, phải “bồi dưỡng”, “bôi trơn” bằng phong bì, quà cáp… Và trong xã hội đã xuất hiện một bộ phận làm môi giới “cò” chạy thủ tục chuyên nghiệp, kết cấu khăng khít với một bộ phận công chức trong bộ máy chính quyền các cấp, chỉ cần chi một khoản tài chính, thì việc dù khó khăn, phức tạp đến đâu cũng sẽ giải quyết xong.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Năm 2019, phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Là năm phải tạo ra đột phá mới về CCHC, trong đó chú trọng cải cách TTHC. Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; khẩn trương rà soát, công bố nhóm TTHC liên thông thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao. Tích cực rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn rườm rà, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và DN. Giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ. Cải cách từ những việc cụ thể, nhỏ của chính quyền cơ sở đối với công dân, cải cách là làm tốt hơn, không được có thái độ cửa quyền, hách dịch, ban ơn, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Khi đội ngũ CBCC thật sự vì dân, tận tâm, tận lực với công việc, không màng đến danh lợi, thì họ sẽ tôn trọng dân, coi nhân dân là “thượng đế”, là đối tượng phục vụ cao nhất. Vì vậy, hãy cải cách, chỉnh đốn đội ngũ CBCC trước khi CCTTHC. Phải rèn luyện phong cách, tinh thần, thái độ làm việc theo Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng phê duyệt: Trong giao tiếp với dân, CBCC phải thực hiện 4 xin: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và 4 luôn: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.
CCHC nhằm đơn giản hóa tối đa để tạo thuận lợi, giảm bớt thời gian, công sức cho người dân và DN; phải hướng đến mục tiêu: Người dân, DN luôn hài lòng, không còn một tiếng ca thán, phàn nàn về Nhà nước. Hình ảnh CBCC sẽ được tôn vinh; chính quyền các cấp sẽ thật sự gần dân, của dân, được dân tin yêu, quý trọng khi phục vụ nhân dân theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh”.
NGUYỄN QUANG PHI