Xử lý rác tại Côn Đảo: Việc cấp bách, không thể chần chừ
Lượng rác tồn đọng tại Côn Đảo hơn 20 năm qua đã đạt con số hơn 70 ngàn tấn. Xử lý lượng rác này nhằm ngăn chặn tác động đến môi trường là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề không kém phần quan trọng nữa là, sau khi xử lý hết lượng rác này, huyện đảo vẫn cần xây dựng nhà máy xử lý rác với công nghệ phù hợp để bảo đảm phát triển bền vững.
Rác ở Côn Đảo đang có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho huyện đảo. |
HƠN 70 NGÀN TẤN RÁC TỒN ĐỌNG
Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, trung bình mỗi ngày trên địa bàn phát sinh khoảng 15 tấn rác thải. Ngoài rác thải sinh hoạt, Côn Đảo còn hứng chịu lượng rác lớn từ đại dương dạt vào. Ban quản lý các công trình công cộng huyện Côn Đảo được giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh từ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn huyện. Đối với rác thải từ biển dạt vào, định kỳ hàng tháng, Ban còn tổ chức thu gom trên đoạn bờ biển 8km ở các khu vực: mũi Lò Vôi, bãi Đầm Trầu, bãi Vông - Suối Ớt và Bến Đầm rồi vận chuyển đến bãi rác suối Nhật Bổn để xử lý sơ bộ.
Hiện nay, toàn bộ rác thải (trừ rác thải y tế) trên địa bàn huyện Côn Đảo được tập kết về bãi rác trên tuyến đường Bến Đầm - suối Nhật Bổn, sau đó được đốt thủ công. Ông Nguyễn Văn Long, công nhân đốt rác tại đây cho biết, mỗi ngày bãi rác tiếp nhận 3 xe rác (5 tấn/xe). “Lò đốt sử dụng củi, nên chủ yếu đốt được bao nilon, nhựa, xốp, cây cành, gỗ, rác khô. Ước tính mỗi ngày chúng tôi đốt được 1 xe, số còn lại (khoảng 10 tấn) được tấp chồng lên đống rác cũ”, ông Nguyễn Văn Long nói.
Theo UBND huyện Côn Đảo, do không xử lý hết nên lượng rác thải còn tồn đọng tại bãi rác suối Nhật Bổn tăng dần, hiện nay ước tính khoảng hơn 70 ngàn tấn. Đi trên tuyến đường từ Bến Đầm về trung tâm Côn Đảo, quan sát bằng mắt thường ai cũng dễ nhận ra bãi rác suối Nhật Bổn vì từ cổng vào ngổn ngang rác thải đủ loại và bốc mùi hôi thối.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, lượng rác tồn đọng tại khu vực suối Nhật Bổn ngày càng lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, xử lý khối lượng rác này đã trở thành vấn đề cấp bách, cần phải làm ngay. “Mặc dù giải pháp này chi phí sẽ cao nhưng tính đến thời điểm này thì đây là giải pháp khả thi nhất. Nếu không giải quyết nhanh thì tác hại do ô nhiễm môi trường tại Côn Đảo càng lớn”, ông Hải nói.
Công nhân Ban quản lý các công trình công cộng Côn Đảo thu gom rác tại bãi rác suối Nhật Bổn. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, năm 2017, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 30 tỷ đồng cho huyện Côn Đảo để xử lý bãi rác này. Huyện đã kêu gọi các DN trong và ngoài tỉnh xây dựng phương án thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có dự án nào được phê duyệt. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, ngày 21-2, trong cuộc họp với huyện Côn Đảo và các sở, ngành, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Côn Đảo nghiên cứu xây dựng phương án ép rác, vận chuyển vào đất liền để xử lý; đồng thời đánh giá, so sánh với phương án đầu tư xây dựng khẩn cấp nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo, trình Thường trực UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến, làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nơi dự kiến tiếp nhận và xử lý rác từ Côn Đảo là Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên của Công ty TNHH Kbec Vina (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ). Tổng kinh phí cho việc đóng ép, vận chuyển toàn bộ lượng rác tại bãi Côn Đảo vào bờ khoảng hơn 35 tỷ đồng, chi từ nguồn ngân sách tỉnh.
Nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo thu gom rác từ đại dương tấp vào hòn Bảy Cạnh. |
ƯU ĐÃI ĐỂ KÊU GỌI ĐẦU TƯ NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC
Rõ ràng, phương án đưa về đất liền xử lý dứt điểm số rác tồn đọng hơn 20 năm qua tại Côn Đảo là giải pháp khả thi nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, nếu không giải quyết nhanh tình trạng này thì hậu quả do ô nhiễm môi trường tại Côn Đảo ngày càng lớn. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm nữa là Côn Đảo vẫn cần phải có nhà máy xử lý rác thải với công nghệ phù hợp điều kiện đặc thù đất ít và bảo đảm tiêu chí thân thiện môi trường sinh thái.
Theo quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác Côn Đảo đặt tại khu vực cuối tuyến Bến Đầm. Ông Lê Văn Phong cho biết, từ năm 2003, việc đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo đã được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và huyện đặc biệt quan tâm. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về công nghệ áp dụng cho nhà máy xử lý rác Côn Đảo phải hiện đại, thân thiện với môi trường. UBND tỉnh cũng đã lập đoàn khảo sát thực tế công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt ở một số tỉnh, thành để lựa chọn công nghệ phù hợp, đồng thời kiến nghị Bộ TN-MT xem xét hỗ trợ địa phương xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại cho huyện Côn Đảo nhưng không nhận được trả lời của Bộ TN-MT.
Năm 2016, UBND tỉnh chủ trương thu hút đầu tư dự án nhà máy xử lý rác Côn Đảo bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Từ đó đến nay, nhiều DN quan tâm, xin chủ trương đầu tư dự án nhưng chưa được UBND tỉnh chấp thuận. Về phía DN, sau khi khảo sát vị trí, địa điểm, khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn… đều không mặn mà xúc tiến các bước thủ tục đầu tư. Một DN từng khảo sát đầu tư nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo chia sẻ, sau khi giải quyết xong lượng rác tồn đọng tại suối Nhật Bổn, lượng rác phát sinh hàng ngày (khoảng 15 tấn/ngày) không đủ công suất cho nhà máy hoạt động. “Đầu tư vào Côn Đảo chi phí vật tư, nhân công, vận hành… đều cao gấp 2-3 lần đất liền. Trong khi lượng rác xử lý quá ít, chi phí vận hành, bảo trì, nhân công còn chưa đủ nói gì đến thu hồi vốn. Nếu không có cơ chế ưu đãi đặc biệt trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thì DN không mặn mà”, đại diện DN nói.
Theo ông Lê Văn Phong, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện Côn Đảo về lâu dài, UBND huyện Côn Đảo tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và các cơ sở kinh doanh hạn chế sử dụng túi nilon để hạn chế nguồn phát thải rác; triển khai đề án phân loại rác tại nguồn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu gom, xử lý; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ TN-MT tham mưu Chính phủ có giải pháp cụ thể để ngăn ngừa rác thải đại dương vì hàng năm có khối lượng lớn rác trôi dạt vào các vùng biển, đảo ở nước ta gây khó khăn và tốn kém trong công tác thu gom, xử lý.
Ông Lee Sun Hack, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kbec Vina, chủ đầu tư Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên cho biết, hiện nay công ty đang xử lý rác thải sinh hoạt cho tỉnh BR-VT với khối lượng trung bình 850 tấn/ngày. Công suất thiết kế của các bãi chôn lấp của công ty có khả năng tiếp nhận và xử lý khoảng 1.700 tấn/ngày bao gồm rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt (trong đó, rác công nghiệp 650 tấn/ngày). Như vậy, nếu tiếp nhận thêm lượng rác từ Côn Đảo (khoảng 200 tấn/ngày) thì công ty vẫn đủ năng lực xử lý. |
VŨ KHOA