.
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2)

Những "mẹ hiền" ở Bệnh viện Tâm thần

Cập nhật: 17:22, 24/02/2019 (GMT+7)

Là những người gần gũi, chăm sóc bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng tại bệnh viện chẳng khác nào những người “mẹ hiền” chăm lo cho con trẻ. Với các điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, công việc của họ càng vất vả hơn, đối diện nhiều mối hiểm nguy khi bị bệnh nhân hành hung.

THỨC CÙNG NGƯỜI BỆNH 

9 giờ sáng, không gian yên tĩnh của khoa Điều trị nội trú nữ, Bệnh viện Tâm thần tỉnh bị phá vỡ bởi tiếng hát của nữ bệnh nhân L.T.T. (28 tuổi, đến từ huyện Xuyên Mộc). T. mang thai tuần thứ 29, được người thân đưa vào viện vì thường xuyên quậy, đập phá đồ đạc, hành hung người thân. 

Một điều dưỡng tiến đến vỗ về, hỏi thăm về cậu con trai đầu lòng đang trong bụng, T. lập tức lớn tiếng la lối vì sợ người khác bắt mất con. Sau đó, cô khẳng định mình “chưa khùng”. Chị Phạm Thị Thúy Đông, Điều dưỡng trưởng khoa Điều trị nữ tâm sự: “Làm việc ở đây, chúng tôi thường xuyên bị bệnh nhân chửi bới, thậm chí tấn công. Hồi mới vào làm việc, ai cũng bực bội và lo lắng, nhưng khi bình tĩnh lại, chúng tôi hiểu bệnh nhân bị bệnh, không kiểm soát được suy nghĩ, hành vi nên mới có thái độ như vậy. Hiểu được tâm lý bệnh nhân và đặc thù công việc, chúng tôi dần quen và không còn lo sợ để gắn bó với nghề”. 

Đây là lần thứ hai, T. được đưa vào Bệnh viện Tâm thần. Vào viện, T. thường quậy phá, 2-3 giờ sáng còn hát hò, la lối hoặc đi gõ cửa từng phòng khiến các bệnh nhân khác không ngủ được, lúc lại khóc đòi về, đòi tự tử. “Mệt mỏi lắm, đêm qua tôi gần như không ngủ được vì T. la hét, quậy phá”, chị Đông cho hay. 

Điều dưỡng Phạm Thị Thúy Đông kiểm tra huyết áp cho một bệnh nhân điều trị nội trú.
Điều dưỡng Phạm Thị Thúy Đông kiểm tra huyết áp cho một bệnh nhân điều trị nội trú.

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi các bệnh nhân khác vây quanh, thỉnh thoảng nói chen vào vài câu hoặc hỏi điều dưỡng Thúy Đông: “Cô ơi, khi nào con được về?”, “Cô ơi, con muốn đo huyết áp”… Chị Đông nhẫn nại trả lời câu hỏi của từng bệnh nhân, dù nhiều khi họ chỉ hỏi vậy chứ không lắng nghe câu trả lời hoặc vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại câu hỏi.

TÌNH THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM

Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, do thiếu nhân sự nên đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên phải làm việc trong tình trạng quá tải. Khoa Điều trị nội trú nữ có 7 nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ nhưng phải chăm sóc, điều trị cho hơn 50 bệnh nhân. Khoa Điều trị nam có 25 người (2 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 11 hộ lý), phải chăm sóc, điều trị cho 130 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không còn ý thức nên toàn bộ việc chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân đều do điều dưỡng đảm nhận.

Anh Đỗ Phi Hùng, Điều dưỡng trưởng khoa Điều trị nam cho hay, bệnh nhân nam thường hung hăng hơn bệnh nhân nữ. Nhiều lúc đang trò chuyện bình thường, họ bỗng nổi khùng, chửi mắng, ẩu đả với các bệnh nhân khác hoặc dùng hung khí hành hung bác sĩ, điều dưỡng. 10 năm công tác và gắn bó với  Bệnh viện Tâm thần tỉnh, công việc vất vả là vậy nhưng anh Hùng chưa khi nào nghĩ mình sẽ tìm việc ở nơi khác. Tương tự, chị Phạm Thị Thúy Đông (10 năm công tác), chị Dương Thị Yên (Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu có 11 năm công tác)… đều gắn bó với nghề bằng tình thương, sự đồng cảm và trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân.

Hàng ngày, công việc của các điều dưỡng bắt đầu từ 7 giờ sáng. “Nhiều hôm có đông bệnh nhân đến khám, chúng tôi phải làm việc quá giờ hành chính, buổi sáng kéo dài qua 13 giờ, buổi chiều kéo đến 18-19 giờ cho đến khi hết bệnh nhân mới nghỉ”, chị Yên chia sẻ. Niềm vui với các điều dưỡng là sự tiến bộ của bệnh nhân. Như trường hợp dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân tuyệt thực suốt cả tuần lễ và tấn công bất kỳ ai ép ăn. 2 ngày đầu, bệnh viện phải đưa thức ăn vào bệnh nhân bằng đường truyền, đến ngày thứ ba, được chị Yên trò chuyện, động viên, trấn an tinh thần, bệnh nhân đã chịu ăn cháo và hợp tác tốt. Ngày thứ tư, bệnh nhân được xuất viện và bác sĩ hướng dẫn người thân cặn kẽ cách chăm sóc tại nhà.

Chị Đông thì học nghề hộ sinh nhưng lại trở thành điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần. Chị coi đó là mối duyên với nghề. “Kể sao cho hết những vất vả, những kỷ niệm của nghề. Cách đây ít ngày, tôi đang giúp bệnh nhân ăn thì bị bệnh nhân cầm cả tô bún hắt vào người. Tôi bực muốn khóc, nhưng rồi gắng kiềm chế, đứng dậy đi thay đồ. Buổi chiều, khi tỉnh táo, bệnh nhân đã đến xin lỗi. Chỉ vậy thôi cũng khiến tôi xúc động và thêm yêu, thêm gắn bó với nghề”, chị Đông cho hay.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh hoạt động từ năm 2006, quy mô 150 giường bệnh nhưng hiện nay đang thực kê 220 giường bệnh nội trú vì quá đông bệnh nhân. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám cho gần 300 bệnh nhân ngoại trú và 200 bệnh nhân điều trị nội trú, chưa kể phải chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Hiện nay, bệnh viện còn thiếu 25 bác sĩ nhưng rất khó tuyển vì áp lực công việc cao, trong khi thu nhập bình quân chỉ khoảng 7,8 triệu đồng/người/tháng. Do đó, đội ngũ y, bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

(Bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh)

Bài, ảnh: MINH THANH

.
.
.