.

Hành trình đến Đại học Quốc tế Tokyo - Bài 5: Giải tỏa lo âu

Cập nhật: 09:26, 23/08/2018 (GMT+7)

Có lẽ mẹ tôi và nhiều người mẹ khác sẽ rất hài lòng về những điều tôi sắp viết ra đây. “Các con sẽ được ăn ở ra sao, trời lạnh có được sưởi ấm, trời nóng có máy điều hòa cho mát mẻ hay không, có được luyện tập thể dục thể thao hay lại suốt ngày cắm cúi học và học?” -  Những câu hỏi đó cũng đã được giải đáp với tất cả sự hăm hở qua từng bước chân của một người ham khám phá trong tôi.

ĂN, NGHỈ 4 SAO

Tạm biệt thầy và các anh chị người Việt, chúng tôi lên xe trở lại khách sạn Marroad để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một ngày bận rộn phía trước. Sáng hôm sau, sau khi thưởng thức một bữa buffet cùng cô Dian – giáo viên hướng dẫn mới thay thế cho thầy Sam, cả đoàn lên xe đến Campus 2 của trường, cách Campus 1 vài phút xe đạp.

Bác Hatami (trái) và cô Dian tại Internationnal House hướng dẫn tham quan và giải đáp tường tận mọi thắc mắc của chúng tôi.
Bác Hatami (trái) và cô Dian tại Internationnal House hướng dẫn tham quan và giải đáp tường tận mọi thắc mắc của chúng tôi.
Cô Dian hướng dẫn các bạn cất giày dép trước khi vào International House.
Cô Dian hướng dẫn các bạn cất giày dép trước khi vào International House.

Khác hẳn với người anh em gần nhất, Khu 2 không có sự đa dạng về hoạt động, sự kiện vì nơi đây là ký túc xá và nhiều dãy lớp học dành cho người bản xứ. Ghé thăm Ký túc xá của sinh viên nước ngoài hay còn gọi là International House (IH), tôi khá bất ngờ với những tiện nghi mà nơi này sở hữu. Bác Hanatani, quản lý IH cho biết, ở đây, nam và nữ ở riêng theo 2 hành lang khác nhau, chia làm 2 loại phòng: Shared dành cho 2 người và Single cho 1 người với diện tích từ 16 đến 22 m2 tùy loại. Mỗi phòng Single đều có một giường, bàn, ghế. Con số này gấp đôi lên cho phòng Shared. Còn lại sẽ chỉ có một máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng, phòng tắm,... cho mọi phòng.

Tôi và anh Đạt, học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn (Hà Nội) tranh thủ chụp ảnh cùng thầy Đỗ Đức Hiệp, Chủ tịch Văn phòng đại diện TIU tại Việt Nam trước khu ký túc xá nam.
Tôi và anh Đạt, học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn (Hà Nội) tranh thủ chụp ảnh cùng thầy Đỗ Đức Hiệp, Chủ tịch Văn phòng đại diện TIU tại Việt Nam trước khu ký túc xá nam.
Bãi xe nhà trường đầy kín những chiếc xe đạp. Thầy Sam cho biết, di chuyển trong khuôn viên trường bằng xe đạp cũng là cách rèn luyện sức khỏe của sinh viên.
Bãi xe nhà trường đầy kín những chiếc xe đạp. Thầy Sam cho biết, di chuyển trong khuôn viên trường bằng xe đạp cũng là cách rèn luyện sức khỏe của sinh viên.

Theo như thông tin tôi đã tìm hiểu từ trước, chi phí một phòng đơn thường là 35.000 yên/ tháng, vào khoảng hơn 7 triệu VND và 29.000 yên/người/ tháng với phòng đôi, xấp xỉ 6 triệu VND, chưa bao gồm điện nước – một cái giá nghe có vẻ đắt, nhưng đã là rẻ hơn so với dịch vụ nhà ở trên các tuyến phố của vùng ven thủ đô Tokyo “tấc đất tấc vàng”. Nhờ những đợt tu bổ mỗi năm của nhà trường nên dù được xây đã lâu, mọi nội thất bên trong vẫn còn khá mới, đây đủ tiện nghi.

Bảng chào mừng do chính các anh chị sinh viên thiết kế đặt tại khu vực ra vào của International House.
Bảng chào mừng do chính các anh chị sinh viên thiết kế đặt tại khu vực ra vào của International House.
Phòng giải trí ở ký túc xá, tại đây, mọi người có thể ngồi lại để xem phim, nói chuyện.
Phòng giải trí ở ký túc xá, tại đây, mọi người có thể ngồi lại để xem phim, nói chuyện.
Nội thất ở phòng sinh hoạt chung.
Nội thất ở phòng sinh hoạt chung.
Căn phòng tại International House tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, tiện nghi, có đủ lò sưởi, tủ lạnh, lò nướng, bếp, giường - drap…
Căn phòng tại International House tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, tiện nghi, có máy điều hòa nhiệt độ, lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt, bếp nấu, giường - drap…
Mỗi phòng ở của sinh viên đều có tủ lạnh và lò vi sóng.
Mỗi phòng ở của sinh viên đều có tủ lạnh và lò vi sóng.
Máy giặt được đặt trong 1 gian phòng nhỏ để mọi người có thể dùng chung.
Máy giặt được đặt trong 1 gian phòng nhỏ để mọi người có thể dùng chung.
Thùng rác đặt gọn gàng ở đầu hồi các tòa nhà, phân thành 3 loại: rác không thể tái chế (bao nilon, bình nhựa), rác tái chế (chai, lọ), rác đốt được (giấy, hộp bằng giấy, vỏ hộp sữa…)
Thùng rác đặt gọn gàng ở đầu hồi các tòa nhà, phân thành 3 loại: rác không thể tái chế (bao nilon, bình nhựa), rác tái chế (chai, lọ), rác đốt được (giấy, hộp bằng giấy, vỏ hộp sữa…)

Kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi ăn trưa tại Cafeterria của Campus 2 và lên đường, bắt đầu cuộc hành trình khám phá Campus 3.

Các thầy cô thường dùng bữa cùng sinh viên tại khu nhà ăn Campus 1 của trường một cách gần gũi, thân thiện.
Các thầy cô thường dùng bữa cùng sinh viên tại khu nhà ăn Campus 1 của trường một cách gần gũi, thân thiện.

CHƠI THỂ THAO NHƯ CHUYÊN NGHIỆP

Xe bus đưa đón đoàn từ Campus 2 đến Campus Sakado. Đây là tuyến xe bus đưa đón sinh viên hàng ngày.
Xe bus đưa đón đoàn từ Campus 2 đến Campus Sakado. Đây là tuyến xe bus đưa đón sinh viên hàng ngày.

Sakado Campus là cơ sở giáo dục thể thao lớn nhất tại Đại học Quốc tế Tokyo. 

Không chỉ sinh viên thuộc các câu lạc bộ thể chất, mà nhiều sinh viên khác cũng có thể tham gia môi trường chuyên nghiệp này trong những lớp thể dục. Từ Campus 1 và 2, luôn có những chuyến xe buýt khứ hồi đến đây, hỗ trợ tối đa cho sinh viên đến chơi thể thao, rèn luyện thân thể.

Xe dừng lại giữa một bãi đỗ rộng thênh thang, nơi mặt đất vẫn còn ẩm ướt sau cơn mưa phùn làm xông lên mùi thơm nồng đậm của cây cỏ. Chúng tôi nối đuôi nhau tiến vào sảnh chính mà sinh viên gọi là nhà hữu nghị để chờ gặp bác quản lý của Campus Sakado. Đây là nơi được xây dựng với chi phí lớn nhất trong 3 khuôn viên và ta có thể thấy điều đó ngay từ khi bước vào. Bên phải của Nhà hữu nghị là phòng Gym với đầy đủ các thiết bị hiện đại, được lắp cạnh một phòng tắm và phòng nghỉ, sinh viên có thể vào đây làm nóng người trước khi chơi những môn thể thao chính. Bác quản lý xuất hiện với nụ cười niềm nở chào và mời chúng tôi vào tham quan. Cách Nhà hữu nghị 5 phút đi bộ là sân bóng lớn nhất của trường với chiều ngang 98m và chiều dài 122m. Bên ngoài sân, người ta trải một thảm cỏ nhân tạo dọc các đường biên còn trong sân, một lớp đất hỗn hợp gọi là Uchino được rải đều, phục vụ cho những hoạt động mạnh. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ bảng điện và tháp đèn quanh sân để sinh viên có thể chơi như các giải đấu thực sự.

Vòng qua sân bóng chày, chúng tôi đến với khu vực bóng đá. Gọi là “khu” vì trong phạm vi này có đến 3 sân bóng đá và 1 sân futsal, toàn bộ được trải cỏ nhân tạo. Lúc này, tại sân bóng lớn nhất và cũng là sân duy nhất được Hiệp hội bóng đá Nhật Bản công nhận, 22 cầu thủ đang thi đấu quyết liệt, thể hiện thể lực cực tốt dù các anh vẫn là sinh viên đại học. Đoàn chúng tôi đã dừng lại một chút để quay phim, chụp ảnh những hoạt động trên sân.

Tiếp tục di chuyển, mọi người đi vào sân bóng mềm. Đây là một môn thể thao khá mới mẻ đối với một số bạn, có thể được xem như là môn bóng chày dành cho nữ nhưng có kích thước bóng lớn hơn và yêu cầu sân nhỏ hơn. Tại đây các chị vận động viên hướng dẫn chúng tôi cách khởi động, đeo bao tay, bắt bóng, ném bóng,... như một buổi học kiến thức cơ bản của môn. Kết thúc buổi luyện tập, chúng tôi được uống một loại thức uống đặc biệt chỉ dành cho vận động viên, có chứa một số chất khoáng và muối, nhanh chóng bù lại lượng nước mất đi.

Đến tham quan Campus Sakado, chúng tôi được các vận động viên CLB thể chất hướng dẫn chơi môn Bóng mềm.
Đến tham quan Campus Sakado, chúng tôi được các vận động viên CLB thể chất hướng dẫn chơi môn Bóng mềm.

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là sân golf trong nhà - niềm tự hào của các giáo viên thể chất TIU. Kích thước của sân không hề thua kém một đường fairway tiêu chuẩn ngoài trời với chiều rộng vào khoảng 40 yards và dài hơn 200 yards. Sân được trang bị 22 giá nâng bóng tự động cùng các công cụ phân tích, thiết bị đo lường chuyển động để tính toán và hiển thị thông số các lượt đánh. Dĩ nhiên, trường cũng có hẳn một đội “golf thủ” với hơn 20 anh chị. Tất cả đều đang tập luyện lúc chúng tôi bước vào. Xếp thành 3 hàng, mọi người đều được trải nghiệm môn thể thao đắt tiền này và cảm giác thích thú mỗi khi đánh trúng hồng tâm.

Chụp ảnh lưu niệm theo phong cách của người thắng cuộc cùng với các chị CLB thể chất thật vui.
Chụp ảnh lưu niệm theo phong cách của người thắng cuộc cùng với các chị CLB thể chất thật vui.

Ngoài những địa điểm trên, Sakado campus còn có nhiều khu vực tập luyện khác như trường bắn cung, khu rèn luyện, sân vận động điền kinh,... Vì thời gian không đủ nên đoàn chúng tôi đành phải nói lời từ biệt. Nhưng trong lòng tôi vẫn luôn chất chứa một lời hẹn: “Sớm gặp lại nha bạn ơi!”.

Chuyến tham quan kết thúc bằng một bữa ăn đặc biệt theo công thức dành riêng cho các vận động viên tại phòng ăn Ekiden khá hấp dẫn. Chúng tôi nhanh chóng chụp hình lưu niệm cả nhóm với các bác và các thầy cô trong đoàn. Hy vọng một ngày gặp lại, thật gần, thật vui!

Bài: THÁI NGÔ
Ảnh: NHẬT LINH

(Còn nữa)


Bài 1: Khi bạn được tin cậy

Bài 2: Bạn có thể làm được nhiều việc

Bài 3: Định hình giấc mơ

Bài 4: Ngôi trường trong mơ

Bài 6: Khám phá đất nước mặt trời mọc

Bài 7: Ngày cuối và những dấu ấn khó quên

 

.
.
.