Nhiều cơ hội học tập cho học sinh không vào được lớp 10 công lập
Năm học 2018-2019, khoảng 4.000 HS lớp 9 (năm học 2017-2018) trên địa bàn tỉnh không vào được các trường THPT công lập. Dù vậy, vẫn có rất nhiều lựa chọn cho những HS này để tiếp tục con đường học tập của mình.
HỌC CÔNG LẬP KHÔNG PHẢI LỰA CHỌN DUY NHẤT
Học sinh hệ THCS tham quan, trải nghiệm thực tế tại xưởng điện ô tô của Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ BR-VT. |
Kết thúc năm học 2017-2018, toàn tỉnh có khoảng 16.000 HS lớp 9, tăng 2.067 em so với năm học 2016-2017. Năm học 2018-2019, theo chỉ tiêu, tỉnh BR-VT tuyển gần 12.000 HS vào lớp 10 công lập. Như vậy, khoảng 4.000 HS sẽ không vào được các trường THPT công lập.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, nếu không theo học tại các trường THPT công lập, HS có hai lựa chọn. Một là, theo học tại các trường THPT ngoài công lập, các Trung tâm GDTX. Hai là, theo học nghề tại các trường đào tạo nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cơ sở vật chất của các trường THPT ngoài công lập, Trung tâm GDTX, trường đào tạo nghề tương đối tốt, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao nên các em có thể yên tâm theo học. Ông Giang nhấn mạnh, hiện nay, xu thế học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS được đánh giá rất cao. Không phải đợi đến khi tốt nghiệp THPT, ngay khi tốt nghiệp THCS, các em đã có thể theo học tại các trường nghề, học song song hai chương trình: đào tạo nghề và văn hóa. Như vậy, 3 năm sau, khi đủ 18 tuổi, các em đã có trong tay 2 tấm bằng là bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề để sẵn sàng đi làm hoặc học liên thông lên bậc học cao hơn.
Với định hướng trên, thời gian qua, ngành giáo dục đã tăng cường phân luồng, hướng nghiệp cho HS ngay từ những năm cuối của bậc THCS để các em có lựa chọn phù hợp với năng lực và điều kiện của mình. Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cũng tích cực tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS, thậm chí đưa HS tới trường để các em được tham quan, trải nghiệm. Với hoạt động phân luồng, hướng nghiệp từ bậc THCS, năm 2018, có khoảng 2.300 HS không đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển vào các trường THPT công lập, thay vào đó đăng ký đi học nghề. Cô Ngô Thị Kim Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Thành (TP.Vũng Tàu) cho biết, căn cứ vào học lực và kết quả các lần thi thử, GV và Ban Giám hiệu nhà trường đã tư vấn để các em đưa ra lựa chọn đúng đắn ở giai đoạn mang tính bước ngoặt. Năm 2017-2018, toàn trường có 214 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS thì có 167 em đăng ký dự thi THPT, còn lại 47 em đăng ký vào THPT ngoài công lập, Trung tâm GDTX và học nghề.
HỌC GÌ, Ở ĐÂU?
SV ngành quản trị nhà hàng, Trường CĐ nghề du lịch Vũng Tàu trong tiết thực hành. |
Năm 2018-2019, 8 Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh tuyển sinh 45 lớp với 1.595 chỉ tiêu. Cụ thể: Trung tâm GDTX Vũng Tàu tuyển 6 lớp với 200 HS; Trung tâm GDTX Bà Rịa tuyển 5 lớp với 190 HS; Trung tâm GDTX Châu Đức tuyển 10 lớp với 365 HS; Trung tâm GDTX Xuyên Mộc tuyển 7 lớp với 225 HS; Trung tâm GDTX Long Điền tuyển 6 lớp với 240 HS; Trung tâm GDTX Đất Đỏ tuyển 3 lớp với 105 HS; Trung tâm GDTX TX.Phú Mỹ tuyển 7 lớp với 245 HS; Trung tâm GDTX Côn Đảo tuyển 1 lớp với 25 HS. Đối tượng tuyển sinh của các Trung tâm GDTX là HS tốt nghiệp THCS, bổ túc THCS trong độ tuổi quy định, cư trú tại huyện, thị, thành trong tỉnh. Tại các trung tâm này, công tác tuyển sinh sẽ hoàn thành trước ngày 31-7.
Với những HS muốn theo học tại các trường THPT ngoài công lập, các em có thể nộp hồ sơ vào 4 trường: THPT Lê Hồng Phong, THPT Song Ngữ, THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Vũng Tàu), Học viện Anh Quốc (TP.Bà Rịa).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển khá mạnh, nổi bật là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, CĐ Du lịch Vũng Tàu, trung cấp (TC) nghề Phước Lộc... Ngoài việc theo học tại các trường THPT ngoài công lập, Trung tâm GDTX, thì học nghề là một lựa chọn hợp lý. HS tốt nghiệp THCS học theo hệ TC tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được miễn 100% học phí học nghề. Ngoài ra, các em có thể học thêm chương trình văn hóa để có bằng tốt nghiệp THPT và liên thông lên các bậc học cao hơn một cách dễ dàng. Ông Võ Văn Thuận, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường tuyển sinh trình độ TC dành cho HS tốt nghiệp THCS ở 14/17 ngành nghề. Với HS tốt nghiệp THCS, thời gian đào tạo hệ TC là 2 năm nếu chỉ học nghề. Nếu HS học nghề và học thêm chương trình văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT thì thời gian đào tạo là 3 năm.
Còn theo bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu, HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học hệ TC tại Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu với 1 trong 6 ngành nghề: Nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lưu trú, hướng dẫn du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, tiếng Anh. Thời hạn nhận hồ sơ đợt 1 đến hết ngày 20-8-2018. Theo bà Diệp, chương trình đào tạo hệ TC được tinh gọn, chỉ còn 15 tháng, nội dung chú trọng nhiều đến rèn luyện kỹ năng nghề, thực hành, thực tập thực tế tại DN (thời gian thực hành chiếm hơn 70% thời lượng chương trình đào tạo). Về cơ hội việc làm cho SV, bà Đinh Bích Diệp cho hay, hiện nay du lịch đang được ưu tiên phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước nên nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch ngày càng tăng. Riêng tại tỉnh BR-VT là địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch thì cơ hội việc làm cho SV của trường sau khi tốt nghiệp khá phong phú. Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu đã ký kết hợp tác với nhiều DN trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Theo đó, DN tiếp nhận SV của trường tới thực tập nghề nghiệp và cam kết về việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện có hơn 90% SV của trường có việc làm ổn định sau khi ra trường.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI