.

Giải quyết khiếu nại thu hồi đất, quản lý đất trồng rừng ở Xuyên Mộc - Bài 3: Giao khoán đất rừng sản xuất cho hộ dân

Cập nhật: 15:09, 24/06/2018 (GMT+7)

Việc các hộ dân đòi giao trả lại đất rừng trước đây xâm chiếm do Lâm trường Xuyên Mộc (LTXM) quản lý, đã được khẳng định không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Nhưng xét tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân, Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện chủ trương giao khoán đất rừng sản xuất cho hộ dân.

Công nhân khai thác mủ cao su tại vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.
Công nhân khai thác mủ cao su tại vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.

MỖI HỘ DÂN ĐƯỢC GIAO KHOÁN 1 HA

Như thông tin các bài viết trước đã nêu, vấn đề các hộ dân 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc khiếu nại đòi giao trả lại đất rừng trước đây xâm chiếm do LTXM quản lý, đã được Thanh tra Nhà nước, UBND tỉnh khẳng định không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo thu nhập cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện chủ trương giao khoán đất rừng sản xuất cho hộ dân, được triển khai từ năm 2016. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3719 ngày 27-12-2016 thành lập Ban chỉ đạo giám sát, phê duyệt về việc xét đối tượng giao khoán đất rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT quản lý (gọi tắt BCĐ 3719) cho các hộ dân để trồng rừng.

Qua một thời gian rà soát, xét đối tượng đủ điều kiện giao khoán đất rừng và niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND các xã có các hộ dân khiếu nại, xin giao đất trồng rừng là xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc, kết quả có 219 hộ dân được xét duyệt đưa vào danh sách giao khoán đất rừng sản xuất vào năm 2017 và 2018 (theo trình tự, thủ tục giao nhận khoán quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP).  

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 21-3-2018 do đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì, căn cứ đề xuất của UBND tỉnh về giao khoán đất rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT và các ý kiến thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận: Đồng ý với đề xuất giao khoán cho 219 hộ dân trong danh sách xét giao khoán được nhận khoán đất rừng sản xuất với diện tích 1ha/hộ, thời hạn hợp đồng khoán tối đa 20 năm, loại cây trồng là cây điều. 

Được biết, đến tháng 5-2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT đã thực hiện thu hồi được 279ha trong tổng số 737,9ha đất trồng rừng đã được UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, do diện tích đất này giao khoán sai đối tượng, sai mục đích sử dụng. Đây là nguồn quỹ đất rừng sản xuất sẽ được giao cho các hộ dân theo danh sách được phê duyệt và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT tái sử dụng trồng rừng.

Người dân tham dự buổi đối thoại vào ngày 14-6-2018 với lãnh đạo tỉnh về giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.
Người dân tham dự buổi đối thoại vào ngày 14-6-2018 với lãnh đạo tỉnh về giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT.

GẶP TRỞ NGẠI TỪ PHÍA NGƯỜI DÂN

Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng ngày 8-5, BCĐ 3719 và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bốc thăm vị trí giao khoán đất trồng rừng cho 219 hộ dân có tên trong danh sách được phê duyệt. Nhưng lúc đó có khoảng 500 người nằm ngoài danh sách kéo đến gây áp lực, cản trở, phản đối cho rằng một số hộ dân trong danh sách không đủ điều kiện xét duyệt giao đất… Vì vậy, việc tổ chức bốc thăm phải tạm hoãn. BCĐ 3719 tổ chức họp khẩn và xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để giải quyết vụ việc.

Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, cho biết: Ngày 10-5, cuộc bốc thăm vị trí giao khoán đất trồng rừng được tổ chức lại tại Trung tâm Văn hóa xã Hòa Hội. Như lần trước, có khoảng 500 người lại kéo đến gây áp lực. Tuy nhiên, do chủ động được tình hình, các lực lượng chức năng đã phối hợp tuyên truyền, vận động bà con bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời tổ chức tiếp nhận đơn của người dân liên quan đến việc xin giao khoán đất rừng sản xuất. Nhờ vậy, cuộc bốc thăm cũng đã diễn ra theo kế hoạch. “Đến ngày 14-5, huyện đã nhận được 1.350 đơn phát sinh yêu cầu giao đất của 1.200 hộ dân xã Hòa Hội và 150 đơn của hộ dân xã Xuyên Mộc”, ông Đặng Thanh Minh cho hay.

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tạm dừng việc giao đất cho 219 hộ dân, đồng thời cho ý kiến thành lập Đoàn công tác đặc biệt xử lý vấn đề giao khoán đất rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT, do đồng chí Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đối thoại trực tiếp với các hộ dân có đơn khiếu nại liên quan đến giao khoán đất rừng sản xuất ở huyện Xuyên Mộc.

Ngày 14-6, tại hội trường UBND huyện Xuyên Mộc, Đoàn công tác đặc biệt đã có buổi đối thoại với hơn 200 người dân đại diện cho các hộ nằm trong danh sách bốc thăm, đại diện các hộ dân nằm ngoài danh sách bốc thăm và có đơn khiếu nại liên quan đến việc giao khoán đất rừng sản xuất.   

Tại buổi đối thoại, ông Phan Văn Quảng (ngụ ấp 2, xã Hòa Hội; nằm trong danh sách 219 hộ dân vừa được bốc thăm) cho biết, bà con rất phấn khởi với quyết định giao khoán đất rừng sản xuất của lãnh đạo tỉnh. “Tuy nhiên, việc tạm dừng giao đất đã gây khó khăn cho người dân. Vì từ khi được bốc thăm, không ít người đã bỏ tiền mua các loại giống cây trồng chuẩn bị cho vụ sản xuất trong năm nay. Do vậy, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm giao khoán đất rừng sản xuất cho người dân”, ông Quảng bày tỏ.

Không nằm trong 219 hộ dân vừa được bốc thăm, nhưng ông Bùi Công Phúc (ngụ ấp 3, xã Hòa Hội) cũng có ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ toàn bộ quá trình thu hồi, giao khoán đất rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT trong thời gian qua. Nếu phát hiện sai phạm, cần thu hồi lại đất rừng để giao lại cho hộ dân và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan. Để tạo sự công bằng, hạn chế việc tiếp tục phát sinh khiếu kiện, đề nghị thực hiện việc khoán đất rừng bằng cách giao đều cho các hộ dân có thời gian sản xuất tại lâm phần của LTXM từ năm 1986 đến năm 1991.

Trả lời ý kiến các hộ dân tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục khẳng định, đối với khiếu nại đòi giao trả lại đất rừng trước đây hộ dân xâm chiếm đất do LTXM quản lý là không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Còn việc giao khoán đất rừng sản xuất cho 219 hộ dân tại các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, ổn định trật tự xã hội tại địa phương. “Đây là hợp đồng giao nhận khoán giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT với người dân theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP. Do đó, người dân cần nhận thức rõ đây không phải là giao đất cho người dân sử dụng theo Luật Đất đai. Việc tạm dừng giao đất cho 219 hộ là trở ngại từ phía người dân. Lãnh đạo tỉnh phải cho tạm dừng để giải quyết theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo”, đồng chí Nguyễn Văn Trình nhấn mạnh. 

Chia sẻ với người dân về nguyện vọng sớm được giao khoán đất để họ tổ chức trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Xuyên Mộc trong vòng 10 ngày phải rà soát lại danh sách 219 hộ đã được phê duyệt, bốc thăm; xác định rõ hộ nào không đúng đối tượng theo khiếu nại của người dân, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Còn đối với 1.350 đơn khiếu nại phát sinh mới do người dân yêu cầu được nhận giao khoán đất rừng sản xuất, đồng chí Nguyễn Văn Trình ghi nhận, xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, giao khoán đất rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT ở huyện Xuyên Mộc đã cơ bản ổn định. Bước đầu đã tạo được sự đồng thuận về chủ trương, phương pháp xử lý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền địa phương trong việc xem xét, lắng nghe, giải quyết yêu cầu, nguyện vọng của người dân trong thời gian qua.

NHÓM PHÓNG VIÊN NC-BĐ

.
.
.