.
HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT (15-6)

Khống chế bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 17:32, 14/06/2018 (GMT+7)

Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6), từ tháng 4 đến nay, tỉnh BR-VT đã tổ chức nhiều chiến dịch cao điểm diệt lăng quăng; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ về dịch bệnh; tổ chức chiến dịch truyền thông đến cộng đồng... Nhờ đó, tình hình lây nhiễm sốt xuất huyết (SXH) đã được khống chế tốt, số ca mắc SXH giảm nhanh so với cùng kỳ.   

Cán bộ y tế kiểm tra, giám sát các ổ lăng quăng truyền bệnh trú ẩn trong các vật dụng phế thải trên địa bàn phường 10 (TP.Vũng Tàu).
Cán bộ y tế kiểm tra, giám sát các ổ lăng quăng truyền bệnh trú ẩn trong các vật dụng phế thải trên địa bàn phường 10 (TP.Vũng Tàu).

Ghi nhận tại Bệnh viện Bà Rịa, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần có từ 7 đến 9 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị nội trú, giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Những trường hợp mắc SXH điều trị tại đây đều không có biến chứng nguy hiểm mà phần lớn là do chủ quan, không điều trị sớm. Ông P.V.N, (phường 9, TP.Vũng Tàu), một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa nói: “Tôi bị sốt cao, đau đầu, mệt lả nhưng cứ nghĩ bị sốt siêu vi như mấy lần trước nên ra nhà thuốc mua thuốc về uống. Sau mấy ngày không hết, người càng lúc càng mệt, tôi lên Bệnh viện Bà Rịa khám thì được bác sĩ chẩn đoán SXH và yêu cầu nhập viện. Trước giờ trong khu nhà tôi ở không có người bị SXH nên tôi cũng chủ quan, không nghĩ tới khả năng mình bị mắc SXH”.  

Bác sĩ Phạm Trung Thảo, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Bà Rịa cho hay, từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận điều trị nội trú cho 92 bệnh nhân SXH, giảm ½ so với số ca mắc SXH cùng kỳ năm trước và chưa có trường hợp nào biến chứng nặng. Tuy nhiên, bác sĩ Thảo khuyến cáo người dân không vì vậy mà chủ quan, bởi SXH có thể diễn tiến phức tạp, gây ra những biến chứng nặng. “Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mắt, nhức mỏi người, đặc biệt là có dấu hiệu xuất huyết, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám”. 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 379 ca mắc SXH, giảm 612 ca so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chỉ có 3 ca nặng, không có trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhằm tiếp tục phòng chống SXH, nhân “Ngày ASEAN phòng chống SXH”, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các hoạt động gồm: Triển khai các chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, trong đó tập trung vào các xã, phường điểm nóng, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Chú trọng truyền thông nguy cơ để người dân nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh SXH và bệnh lây truyền qua muỗi khác như vi rút Zika, từ đó có ý thức tự bảo vệ sức khỏe. Phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, trường học, thôn, ấp, khu phố tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác phòng chống SXH... 

Hiện nay, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống SXH đã được duy trì thực hiện ở từng địa bàn tổ dân cư bằng nhiều hình thức: phát tờ rơi, phát trên loa phát thanh, lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, thôn, ấp. Các ổ dịch SXH được phát hiện đều được các đội y tế dự phòng các địa phương xử lý triệt để trong vòng 24 tiếng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi trong bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân và duy trì việc kiểm tra lăng quăng, đổ các vật dụng chứa nước trên địa bàn… Đặc biệt, các địa phương còn chú trọng phối hợp với các cơ sở y tế tư nhân, theo dõi các ca bệnh nghi SXH để có hướng xử lý triệt để, kịp thời, tránh nguy cơ SXH lan rộng.

TP.Vũng Tàu là địa phương luôn có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, cũng đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống SXH. Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống SXH”, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã thường xuyên triển khai các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng; huy động nhiều lực lượng tham gia vào công tác phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika tại địa phương; đẩy mạnh các hoạt động phòng chống SXH bằng nhiều hình thức; tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch, điểm nóng có nguy cơ bùng phát dịch SXH. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.