.

Không chủ quan với bệnh tăng huyết áp

Cập nhật: 18:29, 22/05/2018 (GMT+7)

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nguy hiểm, dễ gây tử vong như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan, coi thường những dấu hiệu của bệnh này.

THỜ Ơ VỚI DẤU HIỆU BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân.

Theo điều tra của Bộ Y tế, trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp hiện nay, có gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Nguyên nhân là do hầu hết người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nào, thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh.

Riêng tại BR-VT, theo ghi nhận tại các bệnh viện (BV), phần lớn các bệnh nhân chỉ được phát hiện bị tăng huyết áp khi đến khám các bệnh lý khác. Ông Võ Văn Rê, 57 tuổi, ở phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) là một trong số đó. Ông Rê phải nhập viện cấp cứu tại BV Bà Rịa trong tình trạng nhức đầu dữ dội, tê liệt nửa người bên phải do tai biến mạch máu não. Điều đáng nói là trước đó hơn 1 tháng, ông đã có triệu chứng đau đầu dữ dội và ói - một trong những dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp. Thế nhưng, ông lại không đi khám, kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm bệnh này, mà tự ra nhà thuốc mua thuốc về uống. Ông Rê nói: “Trước giờ, tôi luôn cho rằng sức khỏe mình tốt, không đau ốm gì thì không cần đi khám, kiểm tra sức khỏe. Lần này bị ói, đau đầu cũng cứ tưởng mình bị trúng thực, chỉ cần mua thuốc về uống là hết, ai dè đâu…”.

Bác sĩ Trần Thị Mỹ Diện, BV Bà Rịa cho biết, trung bình mỗi ngày tại phòng khám nội của BV, có gần 2/3 số bệnh nhân đến khám bệnh có bệnh lý tăng huyết áp và liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Còn tại khu điều trị nội trú của Khoa Nội, số bệnh nhân bị tăng huyết áp và có bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp cũng chiếm hơn 75% tổng số bệnh nhân điều trị tại Khoa. Trong số này, nhiều trường hợp nhập viện do biến chứng của bệnh lý tăng huyết áp mà trước đó không hề biết mình có bệnh lý tăng huyết áp. 

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh ghi nhận 56.645 trường hợp tăng huyết áp, trong đó 5.645 trường hợp phải điều trị nội trú. Tăng huyết áp có nguyên nhân từ các hành vi nguy cơ như: dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…

CẦN THƯỜNG XUYÊN ĐO HUYẾT ÁP

Để phòng chống bệnh tăng huyết áp, những năm qua, ngành y tế đã tổ chức sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp sau khi khám sàng lọc ngay từ tuyến xã, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ tăng huyết áp tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng thường xuyên tổ chức các đợt đo huyết áp cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, tăng cường công tác phát hiện sớm, dự phòng cho người nguy cơ cao, đồng thời tư vấn, hướng dẫn để người bệnh tuân thủ điều trị và chăm sóc tại nhà. 

Về phía người dân, cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Khoa Nội, BV Bà Rịa cho biết, đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Mỗi người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Đặc biệt, đối với những trường hợp gia đình có tiền sử tăng huyết áp, thì nên kiểm tra huyết áp định kỳ từ sớm. Bên cạnh đó, để dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, mỗi người cần bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn muối, phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia và tăng cường vận động thể lực. Khi bị tăng huyết áp, bệnh nhân phải tuân thủ điều trị hàng ngày, không được bỏ thuốc.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.