.

Hòa giải ở cơ sở góp phần hạn chế khiếu nại, khiếu kiện

Cập nhật: 16:56, 22/05/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ hòa giải tại các địa phương đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế khiếu nại, khiếu kiện, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

HÒA GIẢI THEO LÝ VÀ TÌNH

Chi hội phụ nữ ấp Bình Đức, xã Bình Ba (huyện Châu Đức) tổ chức tuyên truyền pháp luật và công tác giải ở cơ sở cho chị em phụ nữ.
Chi hội phụ nữ ấp Bình Đức, xã Bình Ba (huyện Châu Đức) tổ chức tuyên truyền pháp luật và công tác giải ở cơ sở cho chị em phụ nữ.

Mới đây, ông T.H.P ngụ ở đường Bạch Đằng, phường Phước Hiệp (TP.Bà Rịa) gửi đơn đến UBND phường Phước Hiệp đề nghị giải quyết cho ông một sự việc như sau: Năm 1988, cha ông P. viết một giấy ủy quyền thừa kế khu đất rộng hơn 2 ha tại phường Phước Trung (TP.Bà Rịa) cho ông và người anh trai. Tuy nhiên, sau khi cha ông mất, người anh giữ bản gốc giấy ủy quyền, nhằm không chia sẻ thừa kế với ông.

Từ đơn yêu cầu của ông P, Hội đồng hòa giải của phường Phước Hiệp gồm đại diện công chức tư pháp-hộ tịch, địa chính-xây dựng, UBMTTQ, Hội LHPN, Hội Nông dân và đại diện Tổ hòa giải của khu phố đã đi tìm hiểu nội dung sự việc. Qua đó, phát hiện tờ giấy ủy quyền thừa kế lô đất rộng hơn 2ha không phải do người anh giữ mà là do vợ ông P. đang cầm (vợ chồng ông P. trong giai đoạn ly thân, nên người vợ không nói cho chồng mình biết đang cầm tờ giấy ủy quyền thừa kế này). Biết việc này, Hội đồng hòa giải của phường đã giải thích để vợ ông P. hiểu hành vi này là trái pháp luật, trái đạo đức, gây chia rẻ tình cảm giữa anh em ông P. Bằng sự thuyết phục hợp tình, hợp lý của Hội đồng hòa giải, vợ ông P. đã giao trả giấy ủy quyền.

Tại huyện Đất Đỏ, công tác hòa giải cũng được chính quyền địa phương quan tâm. Ông Mai Châu Khánh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện hoạt động khá hiệu quả, với số lượng vụ việc hòa giải thành năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016 toàn huyện tiếp nhận 149 vụ việc, đã tiến hành hòa giải thành 124 vụ, đạt tỷ lệ 83,2%. Năm 2017, tiếp nhận 195 vụ việc, hòa giải thành 143 vụ, đạt tỷ lệ 86%.  Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, huyện tiếp nhận 49 vụ việc, hòa giải thành 42 vụ, đạt tỷ lệ 87,5%. Nhiều vụ việc tranh chấp trong dân đã được giải quyết thành công nhờ có sự kết hợp giữa phân tích vụ việc theo quy định pháp luật, vừa khơi gợi tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.

Còn ở huyện Châu Đức, từ năm 2014 đến nay, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, đã giải quyết hơn 1.000 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong dân cư, tập trung chủ yếu là các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong đó, đã hòa giải thành 897 vụ. “Thông qua việc phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp ở địa bàn dân cư, công tác hòa giải đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường quản lý xã hội ở cơ sở; góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện trong dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện cáo đến tòa án, cơ quan hành chính các cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân”, ông Phan Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Châu Đức cho hay.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Các hòa giải viên tham gia hội thi kỹ năng hòa giải tại huyện Đất Đỏ năm 2017.
Các hòa giải viên tham gia hội thi kỹ năng hòa giải tại huyện Đất Đỏ năm 2017.

Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai luật này trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đã phối hợp với UBMTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức 14 hội nghị tập huấn, hội thi kỹ năng hòa giải ở cơ sở; 12 buổi thực hành hòa giải. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 121 buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho hòa giải viên để kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật mới.

Với việc triển khai các nội dung trên, công tác hòa giải ở hầu hết các địa phương đều có tín hiệu khả quan. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng số vụ việc các tổ hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết là 1.476 vụ việc, đã hòa giải thành 1.085 vụ việc, đạt tỷ lệ 73,5%. Hiệu quả của công tác hòa giải cơ sở đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số tổ hòa giải ghi sổ theo dõi tiếp nhận đơn còn thiếu nội dung, biên bản hòa giải ghi chưa rõ ràng, thiếu thông tin, việc lưu trữ hồ sơ chưa được ngăn nắp, khoa học; kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của nhiều hòa giải viên còn hạn chế, nhiều tổ viên tổ hòa giải lớn tuổi, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên hòa giải viên chưa am hiểu hết, dẫn đến hòa giải không thành.

Ông Lê Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phát động phong trào thi đua hòa giải ở cơ sở, kịp thời biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và nhân rộng điển hình trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; tăng cường rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật về hòa giải, để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải viên hoạt động hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cần huy động và khuyến khích đội ngũ luật sư, luật gia và những người am hiểu pháp luật tham gia vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Tổ hòa giải ở cơ sở…

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Toàn tỉnh hiện có 565 Tổ hòa giải với 4.013 hòa giải viên, bình quân mỗi tổ hòa giải có 3-7 hòa giải viên. Thành phần chủ yếu của tổ hòa giải là những người có uy tín, trách nhiệm ở địa bàn dân cư như già làng, trưởng ấp, bí thư chi bộ; cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên...

Việc thực hiện chi hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở áp dụng theo Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh, với mức 200 ngàn đồng/vụ, việc hòa giải (không kể thành hay không thành); chi cho hoạt động của tổ hòa giải 100 ngàn đồng/tổ/tháng.

 

.
.
.