TP.Vũng Tàu đồng thuận chấm dứt hoạt động Hội Nông dân
TP.Vũng Tàu đang tiến hành các thủ tục sẽ chấm dứt hoạt động của hệ thống tổ chức Hội Nông dân từ cấp thành phố xuống phường (trừ xã Long Sơn). Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP.Vũng Tàu, nên mọi công tác liên quan đang được địa phương chuẩn bị chu đáo, thận trọng.
Thời gian qua, Hội Nông dân TP.Vũng Tàu và các phường đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trong ảnh: Hội viên Hội Nông dân được tham gia lớp tập huấn trồng hoa lan do Hội Nông dân TP.Vũng Tàu tổ chức. |
Đồng chí Nguyễn Đăng Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vũng Tàu cho biết: Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng thu hẹp. Kinh tế nông nghiệp của TP.Vũng Tàu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế (năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,16% trên tổng giá trị sản phẩm các ngành kinh tế của thành phố). Thêm vào đó, việc kết nạp hội viên Hội Nông dân ngày càng khó khăn, nhất là hội viên trẻ; cư dân trên địa bàn thành phố cũng đang từng bước chuyển dịch thành cư dân đô thị. Thực trạng kinh tế - xã hội vừa nêu, đòi hỏi TP.Vũng Tàu phải sắp xếp lại tổ chức Hội Nông dân để phù hợp với xu thế phát triển của thành phố, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo kế hoạch của TP.Vũng Tàu, cán bộ đang công tác tại Hội Nông dân thành phố, Thường trực Hội Nông dân của 16 phường, sau khi chấm dứt hoạt động Hội, tùy thuộc các điều kiện về trình độ, năng lực, sở trường và nhu cầu về cán bộ của hệ thống chính trị, TP.Vũng Tàu sẽ xem xét giải quyết chế độ chính sách theo 2 hướng: Bố trí, sắp xếp công tác khác trong hệ thống chính trị; giải quyết chế độ cho thôi việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi.
Hiện tại, Hội Nông dân TP.Vũng Tàu có 4.966 hội viên, sinh hoạt tại 102 Chi hội ở các khu phố và 37 Tổ hội trực thuộc các Chi hội. Lãnh đạo TP.Vũng Tàu đã yêu cầu các Đảng ủy phường có trách nhiệm chỉ đạo vận động, hướng dẫn các hội viên Hội Nông dân vào tham gia sinh hoạt tại các đoàn thể chính trị - xã hội khác tại địa phương sau khi Hội chấm dứt hoạt động. Việc chấm dứt hoạt động của Hội Nông dân được chia làm 2 giai đoạn, đầu tiên là chấm dứt hoạt động Hội ở các phường; sau đó chấm dứt ở Hội Nông dân thành phố.
Ông Nguyễn Văn Bùi, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Vũng Tàu cho biết, Hội đã tổ chức lấy ý kiến về chủ trương chấm dứt hoạt động của Hội cấp thành phố và phường. Theo đó, có 95/137 ý kiến thuộc BCH Hội Nông dân thành phố và Chi hội các phường đồng ý chấm dứt hoạt động Hội; 4.584/4.966 hội viên đồng ý ký tên trong danh sách thôi không tham gia sinh hoạt Hội Nông dân. Do đó, việc chấm dứt Hội Nông dân TP.Vũng Tàu và các phường đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ nhất trí cao trong hội viên và BCH Hội Nông dân thành phố và chi hội các phường.
Ở cấp phường, hiện các phường cũng đã có dự kiến sắp xếp nhân sự khi Hội Nông dân chấm dứt hoạt động. Ông Nguyễn Tấn Lực, Chủ tịch UBND phường Nguyễn An Ninh cho biết, sau khi chấm dứt hoạt động của Hội Nông dân, Thường trực Hội sẽ được điều chuyển sang công tác khác phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn. “Tùy theo từng đối tượng chúng tôi sẽ vận động hội viên tham gia sinh hoạt tại các Hội như: CCB, Hội LHPN và đoàn hội khác”, ông Lực thông tin thêm.
Đồng chí Nguyễn Đăng Minh cho biết: “Đối với các tổ tiết kiệm, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Nông dân các phường quản lý, Chủ tịch UBND phường quyết định bàn giao các tổ tiết kiệm, vay vốn và danh sách các hộ vay vốn cho các đoàn, hội khác quản lý như: Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội CCB… Để ổn định tư tưởng của cán bộ, các Đảng ủy phường cần tăng cường nắm bắt dư luận trong đội ngũ hội viên, cán bộ Hội, nhất là những đối tượng cán bộ Hội không thể bố trí, sắp xếp được công việc mới, kịp thời phát hiện để động viên, chấn chỉnh, ngăn chặn những quan điểm lệch lạc”.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM