.

Lập và quản lý quỹ gia đình thế nào?

Cập nhật: 15:21, 13/04/2018 (GMT+7)

Tiền bạc là một vấn đề tế nhị trong cuộc sống hôn nhân. Lập quỹ chi tiêu như thế nào, quản lý tiền bạc sao cho hợp lý là việc khó, đòi hỏi sự khéo léo của cả hai vợ chồng, đặc biệt là người giữ “tay hòm chìa khóa” trong nhà.

Để giữ gìn hạnh phúc, các cặp vợ chồng cần thỏa thuận về trách nhiệm tài chính đối với gia đình.
Để giữ gìn hạnh phúc, các cặp vợ chồng cần thỏa thuận về trách nhiệm tài chính đối với gia đình.

NÊN THỎA THUẬN RÕ RÀNG

Trước khi cưới nhau, vợ chồng chị Linh Nga (đường Phạm Hồng Thái, TP.Vũng Tàu) đã thống nhất với nhau về chuyện quản lý tiền bạc và chi tiêu trong gia đình. Chị Nga là thủ quỹ ở một ngân hàng, còn chồng chị là kiến trúc sư nên chị được giao nhiệm vụ “tay hòm chìa khóa” trong nhà. “Vợ chồng tôi thống nhất chi tiêu bằng lương, thưởng của tôi, nếu còn dư thì để dành cho các khoản phát sinh như hiếu, hỉ, còn lương của chồng thì để tiết kiệm. Hàng tháng gửi tiết kiệm được bao nhiêu tôi đều thông báo nên chồng tôi rất tin tưởng”, chị Nga nói.

Vợ chồng chị Hoàng Minh (đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu) thì thỏa thuận hàng tháng mỗi người đóng góp một khoản nhất định cho “quỹ chung”, dùng để chi tiền thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt phí. Còn lại mỗi người tự giữ tiền và chi tiêu theo ý mình. Khi anh chị chưa có con, mọi chuyện có vẻ ổn. Có tiền riêng, thỉnh thoảng chị biếu ba mẹ hoặc tự do mua sắm cho mình. Rắc rối nảy sinh khi 2 đứa con lần lượt ra đời, chi phí sinh hoạt tăng thêm, nhưng chồng chị vẫn chỉ đóng góp khoản tiền cố định như cách đây 5 năm. “Tôi thích mua cho con gái váy đẹp, tham gia các lớp học ngoại khóa… nhưng thu nhập của tôi không đủ. Tôi đề nghị chồng đưa thêm thì ảnh không hài lòng, kêu “lạm phát” vào tiền riêng của ảnh nhiều quá. Tôi biết ảnh có “quỹ đen”, nhưng không biết có bao nhiêu, vì chồng tôi nói đó là tiền riêng của ảnh, hai vợ chồng đã thống nhất từ đầu. Vì chuyện này mà nhiều khi hai vợ chồng cãi lộn”, chị Minh nói. Có lần, chị còn phát hiện chồng mua cho em trai chiếc xe Honda, trong khi chị hỏi tiền để mua tủ lạnh thì anh không chịu. “Biết vậy từ đầu tôi giao hẹn với chồng quy tiền về một mối như các gia đình khác thì đỡ biết mấy…”, chị Minh nói.

Khác với hai trường hợp trên, chị Phương Anh ngay từ khi lấy chồng đã chủ động tạo lập quỹ riêng. Mỗi tháng, chị để dành từ 500.000 - 1 triệu đồng, khi được kha khá thì lại gửi tiết kiệm và khi cần cứ thoải mái chi tiêu. Chồng chị hoàn toàn không biết đến số tiền này và chị cũng không muốn công khai.

CẦN SỰ DUNG HÒA

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tùy thuộc vào sự khéo léo của mỗi thành viên mà việc thỏa thuận chi tiêu, đóng góp quỹ chung khác nhau. Có gia đình thì người vợ nắm “tay hòm chìa khóa”, có gia đình chồng góp một khoản cố định vào quỹ chung, còn lại giữ để lập quỹ riêng, khi cần làm những việc lớn như mua nhà, mua xe mới dùng đến. Cả hai trường hợp này đòi hỏi người quản lý tài chính vừa phải công khai, vừa linh hoạt và công bằng trong các hoạt động đối nội, đối ngoại với gia đình hai bên. Nếu một trong hai người giữ tiền trong gia đình nhưng lại kiểm soát người kia quá chặt về tài chính sẽ dẫn đến tình trạng chồng/vợ lập “quỹ đen”.

Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cho rằng: Tài chính là một vấn đề khá nhạy cảm trong hôn nhân. Tốt nhất, vợ/chồng nên có sự thỏa thuận trên nguyên tắc cả hai cùng có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách của gia đình để duy trì sinh hoạt chung, chăm lo cho con cái... Theo bà Hà, vợ chồng nên có quỹ riêng, nhưng không nên có “quỹ đen”. GS Lê Thị Quý, Viện nghiên cứu Giới và gia đình (Hà Nội) thì cho rằng, tính chất của “quỹ đen” và quỹ riêng mặc dù đều giống nhau ở khoản tiền riêng, sở hữu riêng của vợ hoặc chồng nhưng có sự khác nhau. “Quỹ đen” có thể được hiểu là quỹ dự phòng kín đáo, khoản tiền thiếu minh bạch, phải cất giấu riêng mà người bạn đời không hề biết. Quỹ riêng là tiền của riêng cá nhân được cho phép tồn tại và được tôn trọng dựa trên cơ sở đồng thuận giữa hai người.

Có một thực tế là ở các gia đình Việt Nam hiện nay, khoản quỹ riêng này phần lớn là “quỹ đen”. Do luật pháp chưa quy định rõ về trách nhiệm tài chính trong gia đình của chồng hoặc vợ nên việc đóng góp hay cất giữ tiền bạc đều do sự thỏa thuận của hai vợ chồng. Thêm vào đó, quan niệm “chồng đi làm, vợ ở nhà giữ tay hòm chìa khóa” cũng không còn nữa... Vì vậy đã nảy sinh ra vấn đề “quỹ đen”, tạo ra nhiều mâu thuẫn cãi vã xung quanh chuyện tiền anh, tiền tôi và những hệ lụy của nó. Để giữ gìn hạnh phúc, tránh mất niềm tin lẫn nhau, các cặp vợ chồng cần thỏa thuận về trách nhiệm tài chính đối với gia đình.

THẢO NGUYÊN

.
.
.