.
CHUYỆN NHÀ TÔI

Bữa cơm gia đình

Cập nhật: 15:21, 13/04/2018 (GMT+7)

Nhà bà cụ Lan sát vách nhà tôi. Bà thương tôi như cháu ruột, có gì ngon hay gọi tôi sang ăn, nhất là những bữa cơm chiều, một tuần dễ chừng bốn, năm bữa tôi ăn cơm nhà bà. Ăn riết đâm ra ngại, nên thỉnh thoảng tôi mua quà từ quê mang sang biếu ông bà lấy thảo. Nhiều lần tôi từ chối khéo vì sợ mang tiếng, nhưng bà phân bua: “Sang ăn với ông bà cho vui, có hai vợ chồng già buồn lắm cháu ơi!”.

Thực ra ông bà ở cùng con, cháu nhưng cứ đến bữa, bà dọn ra, gọi con, cháu xuống là như một cực hình. Người xuống trước, người xuống sau rồi mỗi người bới lấy một tô cơm mang về phòng riêng, để mặc hai ông bà già. Tìm hiểu mới biết, con, cháu của bà đều nghiện công nghệ. Đi học, đi làm về, họ lại vội rút về phòng riêng. Anh con trai là kỹ sư tin học, luôn bận rộn với việc viết phần mềm. Cô con dâu là kế toán, có mấy người bạn ở nước ngoài nên thường lên mạng nói chuyện với họ. Cô cháu gái lớn học lớp 12 thì bận rộn với việc lướt mạng, còn cậu cháu út thì mải mê với các trò game online.

Bà bảo, hồi trước nhà còn khó khăn mà bà cảm thấy vui vì gia đình luôn quây quần bên nhau. Bữa cơm bao giờ cũng có sự tham gia của tất cả các thành viên. Từ lúc anh con trai làm ra tiền, sinh hoạt gia đình cũng bị thay đổi. Ngôi nhà không dịch chuyển, thành viên vẫn đầy đủ nhưng mọi người cứ như đang ở trọ trong nhà mình. Lắm lúc ông bà chẳng biết con cháu mình đang ở nhà hay đi đâu. Khách đến chơi cứ ngỡ ngôi nhà rộng thênh thang thế mà chỉ có hai vợ chồng già.

Nhiều lần bà góp ý với con trai về sự thờ ơ của con cháu thì anh bảo mẹ lỗi thời quá. Thời đại công nghệ, người ta cần phải sử dụng máy tính để làm việc và giải trí. Nhờ nó mà gia đình mình có ngày hôm nay. Bà thôi không góp ý nữa, vì nói mãi thì bị cho là lẩm cẩm, lắm lời. Bà chỉ mong đến ngày giỗ ba, mẹ chồng, sinh nhật con cháu, cả nhà mới có dịp sum họp, dùng bữa cơm chung. Chồng bà cũng nhiều lần lên tiếng, thậm chí giận bỏ về quê nhưng rồi đâu lại vào đấy. Riết rồi ông buông xuôi, chỉ muốn làm bạn với cỏ cây quanh vườn. Ông cũng khuyên bà “Mặc kệ chúng nó đi” nhưng bà đâu dễ gì chấp nhận.

Một tối cuối tuần, vẫn như mọi ngày, bà làm cơm cho cả nhà. Hôm đó có phần đặc biệt: đứa cháu út được khen thưởng học sinh giỏi nên bà muốn làm món ngon đãi nó. Dù biết nó không ngồi dùng chung, không khen bà một câu, nhưng bà vẫn làm. Bà cụ gọi tôi sang ăn cho vui. Tôi vừa qua thì… cúp điện. Thế là từ trên lầu, bốn “con nghiện” công nghệ không hẹn mà gặp, ùa xuống nhà bếp. Mọi người cùng ngồi vào bàn ăn. Trong ánh nến lung linh, cả nhà rôm rả chuyện trò về thức ăn, sức khỏe, công viêc, lẫn chuyện học hành... Người vui nhất dĩ nhiên vẫn là bà cụ Lan. Bà quay sang tôi nói nhỏ: “Phải chi nhà bà cúp điện mỗi ngày, cháu nhỉ!”.

NGUYỄN THANH VŨ

.
.
.