.

"Mổ xẻ" vấn nạn bạo hành trẻ mầm non

Cập nhật: 17:05, 01/04/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, những vụ bạo hành trẻ em trong các cơ sở mầm non (MN) khiến các bậc phụ huynh không an lòng. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này là vấn đề được đưa ra bàn thảo tại hội nghị giao ban chuyên đề phòng ngừa bạo hành với trẻ MN do Sở GD-ĐT tổ chức vào ngày 30-3.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Theo bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT, mặc dù, thời gian qua, ngành giáo dục đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề quản lý giáo dục MN nhưng tình trạng trẻ bị bạo hành vẫn tồn tại. Mới đây nhất là vụ GV Trường MN Hoa Hồng dùng chân đẩy trẻ trong giờ ngủ trưa, GV cơ sở Hoa Ly (TP. Vũng Tàu) tát vào mặt khi cho trẻ ăn. Bà Thuận đánh giá, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do cơ quan có thẩm quyền quản lý chưa chặt chẽ, công tác quản lý, tuyên truyền trong nhà trường còn buông lỏng. Đặc biệt, bản thân GV chưa biết cách kiềm chế, điều chỉnh hành vi của mình, một số người còn xao nhãng trong công việc.

Cô Trần Thị Thương, Hiệu trưởng MN Mỹ Xuân (huyện Tân Thành) cho rằng, áp lực công việc là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng bạo lực học đường. Cô Thương phân tích, tại nhiều địa bàn, trường lớp đang rơi vào tình trạng quá tải do số HS ra lớp vượt quá chỉ tiêu, trong khi nhân sự không được giao đủ theo biên chế và theo định mức khiến cho sĩ số HS tăng cao, có nơi lên đến hơn 40 trẻ/lớp. Khối lượng công việc quá lớn khiến GV phải chịu nhiều áp lực, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ bị hạn chế, dễ phát sinh những hành vi thiếu chuẩn mực.

Về việc quản lý các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập, cô Trần Thị Tương Giao, Hiệu trưởng Trường MN Trúc Xanh (TP. Vũng Tàu) chia sẻ, hiện nay, hiệu trưởng trường MN công lập được giao trách nhiệm quản lý luôn các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý hết sức khó khăn do nhân lực thiếu, trong khi số lượng trường, cơ sở MN tư thục cũng như quy mô nhóm lớp khá lớn. Cô Giao lấy ví dụ, tại địa bàn phường 10, Trường MN Trúc Xanh đang quản lý 30 nhóm trẻ tư thục, nhưng nhà trường chỉ có 28 cán bộ, nhân viên. Do khối lượng công việc của nhà trường quá lớn nên khó có thể bảo đảm việc quản lý các cơ sở tư thục được chặt chẽ, thường xuyên.

 

Cô Nguyễn Thùy Linh, GV Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) tổ chức các trò chơi cho HS.
Cô Nguyễn Thùy Linh, GV Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) tổ chức các trò chơi cho HS.

Cũng chia sẻ khó khăn trong công tác quản lý, cô Lê Thị Huyền, đại diện Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho biết, địa bàn thành phố có trên 160 nhóm trẻ tư thục nhưng chỉ có khoảng 50 nhóm có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động. Một số nhóm dù cơ sở vật chất quy mô, đạt chuẩn nhưng vẫn phải hoạt động ngoài hành lang pháp lý. Địa phương đã nhiều lần tìm giải pháp tháo gỡ nhằm đưa các nhóm này vào quản lý theo đúng quy định nhưng chưa thực hiện được.

ĐI TÌM LỜI GIẢI

Trước thực trạng trên, cô Trần Thị Thương, Hiệu trưởng Trường MN Mỹ Xuân đề xuất cho các trường MN được đề ra chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào tình hình nhân sự hiện có để bảo đảm chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Còn cô Trần Thị Tương Giao, Hiệu trưởng Trường MN Trúc Xanh cho rằng, để bảo đảm an toàn cho trẻ, cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các nhóm trẻ tư thục, song song với việc xây dựng thêm trường MN ở địa bàn đông dân cư cho các bé trong độ tuổi được đến trường. Đại diện Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cũng đề nghị các ngành chức năng chung tay cùng địa phương tháo gỡ khó khăn về cơ chế, tạo điều kiện cấp phép cho các nhóm trẻ tư thục đủ điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất có đủ hành lang pháp lý để hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Trẻ lớp Lá A (5-6 tuổi) Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu) vui chơi ở sân trường.
Trẻ lớp Lá A (5-6 tuổi) Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu) vui chơi 
ở sân trường. 
Trẻ lớp Lá A (5-6 tuổi) Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu) học cắt dán hình vẽ.
Trẻ lớp Lá A (5-6 tuổi), Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu) học cắt dán hình vẽ.

Sau khi lắng nghe chia sẻ từ cơ sở, bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Hiện nay, chỉ có GV các trường MN công lập mới được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Sở GD-ĐT kiến nghị tỉnh có cơ chế tạo điều kiện cho GV, cán bộ quản lý các trường MN ngoài công lập được tham gia các lớp bồi dưỡng như GV công lập. Điều này giúp GV nâng cao trình độ, thay đổi nhận thức, hành vi, hướng tới mục tiêu cao nhất là chăm sóc, giáo dục HS tốt hơn, hạn chế tình trạng bạo lực học đường”.

Toàn tỉnh hiện có 116 trường MN công lập; 53 trường tư thục và 333 cơ sở tư thục. Số HS ra lớp tại các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập là 32.007/70.131 trẻ, chiếm 45,6% tổng số HS trong độ tuổi MN đến trường. Bên cạnh các cơ sở được cấp phép hoạt động, vẫn còn 116 cơ sở tư thục vượt quá quy định về số trẻ, 63 cơ sở giáo dục MN chưa được cấp phép vẫn hoạt động.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.