.

Giáo dục thể chất trong trường học nhiều bất cập

Cập nhật: 18:32, 13/04/2018 (GMT+7)

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa tổ chức khảo sát công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ GV giảng dạy GDTC.

HĐND tỉnh khảo sát công tác giáo dục thể chất tại Trường TH Thanh Bình (huyện Xuyên Mộc).
HĐND tỉnh khảo sát công tác giáo dục thể chất tại Trường TH Thanh Bình (huyện Xuyên Mộc).

THIẾU ĐỊA ĐIỂM, DỤNG CỤ TẬP LUYỆN

Theo đoàn khảo sát của HĐND tỉnh, chúng tôi tới Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc). Mặc dù mới đầu giờ chiều nhưng nhà tập luyện đa năng của trường đóng cửa im ỉm. Bên trong nhà tập luyện tồi tàn, mạng nhện giăng kín các góc tường. Thầy Nguyễn Dương Nhật Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc cho biết, nhà tập luyện đa năng của trường được xây dựng năm 2006 với diện tích trên 600m2. Khai thác một thời gian, nền nhà xuống cấp, bong tróc, lồi lõm nên việc tập luyện của HS bị ảnh hưởng. Đến cuối năm 2016, trường được đầu tư kinh phí sửa lại nền nhà nhưng chỉ vài tháng sau “lại đâu vào đó”. Hiện nay, nhà tập luyện hầu như bị “bỏ hoang”, do nền nhà hỏng nên bụi bay lên bám vào mọi vật dụng trong nhà, các hoạt động GDTC được tổ chức ngay tại sân trường. CLB bóng chuyền của trường cũng không hoạt động do sân bãi không đáp ứng được yêu cầu.

Tại Trường TH Phan Đình Phùng (huyện Tân Thành), không có sân tập cũng như nhà đa năng nên nhà trường phải sử dụng sảnh chờ chừng 100m2 làm nơi dạy GDTC cho HS. Cô Lê Thị Ly, GV thể dục của trường cho biết: “Do địa điểm không bảo đảm nên chỉ dạy các em các bài đơn giản như thể dục tay không, đá cầu, nhảy dây. Khi cần luyện tập để tham gia thi đấu, không có địa điểm nên các em phải tự tập luyện”.

Còn tại Trường TH Nguyễn Du (cùng huyện Tân Thành), thiết bị giảng dạy GDTC được trang bị khá đầy đủ gồm: đệm nhảy, dây nhảy, bóng đá, bóng chuyền, cầu đá, bộ tranh thể dục tay không. Song, do được trang bị từ năm 2004 nên đa số dụng cụ đã hư hỏng. Khi được hỏi lý do không đề xuất trang bị lại hoặc bổ sung trang thiết bị giảng dạy hàng năm, thầy Nguyễn Viết Tiến, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Du cho biết: “Do trường không có sân bãi nên những năm qua, nhà trường không đề xuất cấp trang thiết bị dạy GDTC. Đến thời điểm này, chuẩn bị thay sách để áp dụng chương trình phổ thông mới, việc đề xuất là không cần thiết nên nhà trường tận dụng dụng cụ cũ, vận động HS tự mua sắm để giảng dạy”.

Tại một số trường khác, dù được trang bị đầy đủ dụng cụ tập luyện nhưng diện tích sân bãi không bảo đảm dẫn đến hoạt động dạy, học bị ảnh hưởng. Điển hình, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) có tổng diện tích khoảng 9.000m2, nhưng tổng diện tích 3 sân tập chỉ 2.400m2. Diện tích trên chỉ đáp ứng được 4 lớp học/tiết, trong khi toàn trường có tới 39 lớp.

Tại  Trường TH Nguyễn Du (huyện Tân Thành), do không có GV chuyên trách nên một số GV dạy văn hóa chưa đủ tiết được chuyển sang dạy GDTC.
Tại Trường TH Nguyễn Du (huyện Tân Thành), do không có GV chuyên trách nên một số GV dạy văn hóa chưa đủ tiết được chuyển sang dạy GDTC.

GIÁO VIÊN MANG BẦU ĐI DẠY THỂ DỤC (!)

Năm học này, Trường TH Nguyễn Du (huyện Tân Thành) hiện có 27 lớp với 1.004 HS. Số tiết GDTC gần 50 tiết/tuần nhưng nhà trường không có GV chuyên trách. Thời điểm đoàn tới khảo sát, có 2 lớp đang học thể dục ở sân trường thì 1 lớp GV mặc váy công sở, 1 lớp do GV đang mang bầu giảng dạy. Thầy Nguyễn Viết Tiến, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đây đều là những GV văn hóa chưa đủ tiết chuyển sang dạy GDTC nên chất lượng giáo dục chưa cao, chưa tuân thủ đúng các yêu cầu khi giảng dạy bộ môn thể dục. Tương tự, Trường TH Phan Đình Phùng (huyện Tân Thành) có 427 HS/15 lớp, mỗi tuần nhà trường có 27 tiết thể dục nhưng cũng không có GV chuyên trách. Để bảo đảm giảng dạy, nhà trường phải hợp đồng 1 GV được đào tạo võ cổ truyền vào dạy thể dục. Tình trạng trên cũng diễn ra tại Trường TH Thanh Bình (huyện Xuyên Mộc). 2 GV dạy GDTC của trường đều là GV chủ nhiệm chuyển qua, dù được tập huấn nhưng không được đào tạo bài bản nên việc giảng dạy còn hạn chế, chủ yếu cho HS tập những bài tập đơn giản.

Qua khảo sát, ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đánh giá, đội ngũ GV thể dục tại các trường còn thiếu, một số chưa đạt chuẩn theo quy định và chưa có kinh nghiệm chuyên sâu. Đặc biệt, ở cấp TH tình trạng thiếu GV chuyên trách diễn ra trầm trọng. Toàn tỉnh hiện có 108 GV chuyên trách ở bậc TH, trong khi nhu cầu cần tới gần 190 người, thiếu khoảng 77 người. Số GV chuyên trách tập trung ở trường điểm và địa bàn thành thị, còn lại chủ yếu là GV chủ nhiệm hoặc GV dạy văn hóa kiêm nhiệm.

ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Theo ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, nguyên nhân của những tồn tại trên là do thiết kế các nhà tập luyện thể thao đa năng không đạt chuẩn hoặc đã xuống cấp. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và xây dựng trường lớp không tính đến tiêu chí dành 40-50% tổng diện tích để xây dựng sân chơi, bãi tập; một số trường chưa chú trọng mua sắm, bảo quản trang thiết bị, đồ dùng dạy học dẫn đến tình trạng nơi thiếu thốn, nơi lại lãng phí. Bên cạnh đó là việc giao chỉ tiêu không đủ theo định mức, khó khăn trong công tác tuyển dụng. 

Trước thực trạng trên, đại diện Ban Văn hóa-Xã hội cho rằng, để thực hiện hiệu quả công tác GDTC trong trường học, Sở GD-ĐT phải phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá việc đầu tư và hiệu quả sử dụng các công trình nhà tập luyện thể thao đa năng, tìm ra những bất cập để có phương án nâng cấp, xây dựng mới phù hợp; kiểm tra toàn bộ sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ thể thao đã cấp để điều tiết và chỉ đạo sử dụng hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các nhà trường cần nâng cao ý thức trong quản trị nhà trường, phải tự chủ, tự quản, không trông chờ đầu tư. Đồng thời, ngành giáo dục phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV bộ môn trước khi chuyển sang dạy GDTC; bố trí lại đội ngũ, phấn đấu đến năm 2020, 100% trường học có GV đạt chuẩn dạy GDTC.

Trong xây dựng nhà luyện tập đa năng, các nhà trường là đơn vị tiếp nhận và sử dụng nhưng lại không tham gia vào quá trình thẩm định thiết kế, thi công công trình. Vì lẽ đó nên thực tế sử dụng phát sinh rất nhiều bất cập. Theo tôi, các nhà trường nên được tham gia vào công tác thẩm định để việc khai thác, sử dụng công trình đạt hiệu quả cao. 

(Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT)


Về đồ dùng dạy học, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa vấn đề tài chính của các cơ sở giáo dục, bảo đảm các trường được trích tối thiểu 1,5% kinh phí chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị. Còn vấn đề nhân sự, trước chủ trương tinh giản biên chế và ưu tiên tuyển dụng GV tiếng Anh thì việc sắp xếp đủ GV GDTC là hết sức khó khăn. Ở bậc học mang tính phổ cập như TH, cần ưu tiên giao đủ nhân sự mới có thể bảo đảm và nâng cao chất lượng giảng dạy. 

(Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu)

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.