.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế: Nghịch lý thừa - thiếu

Cập nhật: 19:02, 05/04/2018 (GMT+7)

Qua đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Long Điền và Bệnh viện (BV) Bà Rịa cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vẫn còn tình trạng thừa - thiếu do việc đầu tư, sử dụng chưa hợp lý.

Các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại khu vực bố trí phòng mổ của TTYT huyện Long Điền.
Các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại khu vực bố trí phòng mổ của TTYT huyện Long Điền.

Tại TTYT huyện Long Điền, cơ sở vật chất trang thiết bị phòng mổ được đầu tư từ năm 2014 (nằm trong gói đầu tư công trình cơ sở mới của trung tâm) có tổng giá trị lên tới hơn 3 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa từng được sử dụng đến. Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc TTYT Long Điền cho biết, khi có cơ sở mới, trung tâm đã có kế hoạch phát triển các kỹ thuật tương đương với bệnh viện hạng III, trong đó việc đầu tư phòng mổ để thực hiện một số phẫu thuật chấn thương, dạ dày, phụ khoa, sản phụ khoa, cắt amidan. Tuy nhiên, lĩnh vực phẫu thuật vì tính chất phức tạp về kỹ thuật đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa mà Trung tâm chưa có nên chưa thể triển khai. 

Tại BV Bà Rịa, dù đã bố trí sắp xếp để tận dụng hết công năng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, tuy nhiên vẫn còn một số khu vực bỏ không do thiết kế chưa hợp lý. Cụ thể, khu vực tầng 4 theo thiết kế công trình là Khoa Dinh dưỡng nhưng khi thẩm định về kỹ thuật phòng cháy chữa cháy lại không bảo đảm, dễ dẫn đến cháy nổ nên BV buộc phải chuyển đổi Khoa Dinh dưỡng xuống khối nhà E tại khu vực tầng trệt. Ngoài ra, cổng số 4 và cổng số 5 của BV chưa sử dụng do cổng số 4 chưa có đường giao thông, cổng số 5 phải đi qua đường nội bộ của Công ty Barimex. 

Trong khi đó, một số thiết bị y tế tại 2 cơ sở nói trên lại đang thiếu. Bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc TTYT Long Điền cho biết, khi đưa vào sử dụng cơ sở vật chất mới (năm 2014) đến nay, trung tâm vẫn phải sử dụng hệ thống lò đốt rác từ cơ sở cũ do công trình mới không được đầu tư hệ thống lò đốt rác. Sau 7 năm sử dụng lò đốt rác cũ đã hư hỏng và xuống cấp khá nhiều, không bảo đảm tiêu chuẩn xả thải. Ngoài ra để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh (KCB), trung tâm còn thiếu máy sinh hóa tự động, máy điện não đồ, máy X-Quang kỹ thuật số. 

Do bố trí ở tầng 4 (theo thiết kế ban đầu) không phù hợp nên Bệnh viện Bà Rịa hiện đã chuyển Khoa Dinh dưỡng xuống khu E tầng trệt.
Do bố trí ở tầng 4 (theo thiết kế ban đầu) không phù hợp nên Bệnh viện Bà Rịa hiện đã chuyển Khoa Dinh dưỡng xuống khu E tầng trệt.

Về phía BV Bà Rịa, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV dẫn chứng, một số máy móc trang thiết bị y tế rất cần cho hoạt động KCB của BV nhưng do đầu tư thiếu hoặc không đủ công suất dẫn đến máy móc hoạt động bị quá tải, không đáp ứng kịp nhu cầu chẩn đoán, điều trị tại các khoa, phòng, nhất là Khoa Sản và Cấp cứu. Chẳng hạn, máy siêu âm tim dùng cho nhiều khoa điều trị nhưng chỉ được đầu tư có 1 cái, BV phải sử dụng máy từ cơ sở cũ đã xuống cấp chất lượng hình ảnh mờ, không bảo đảm yêu cầu để chẩn đoán. Hay máy monitor sản khoa (máy theo dõi chuyển dạ đẻ) được trang bị 10 cái trong khi lượng bệnh sản rất đông khiến cho máy bị quá tải dẫn đến mau hư hỏng, đến nay thì cả 10 máy đều đã hỏng cần được thay mới…

Để giải quyết tình trạng thừa - thiếu nói trên, theo bà Nguyễn Vân Anh, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, ngành y tế phối hợp với BV Bà Rịa, TTYT Long Điền cần có phương án, kế hoạch chuyển đổi công năng sử dụng, hoặc điều chuyển các trang thiết bị “thừa” sang các đơn vị y tế có nhu cầu. Một phương án khác mà cơ sở y tế có thể áp dụng là thực hiện xã hội hóa sử dụng tài sản công để tổ chức các dịch vụ KCB tạo nguồn thu. Chẳng hạn, TTYT huyện Long Điền có thể sử dụng phòng mổ tổ chức điều trị dịch vụ tạo nguồn thu để trả lương thuê mướn bác sĩ. Đối với các trang thiết bị còn thiếu, việc mua sắm, bổ sung là không thể chậm trễ, nhất là hệ thống xử lý rác thải, thiết bị chẩn đoán điều trị. Do đó, ngành y tế phối hợp với các sở, ngành có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ mua sắm, đầu tư trang thiết bị còn thiếu cho hai cơ sở y tế nói trên. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.