.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân với cơ quan Nhà nước

Cập nhật: 18:19, 04/04/2018 (GMT+7)

Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh BR-VT thực hiện khảo sát Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ để làm rõ hơn vấn đề này.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Long Điền.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Long Điền.

* Phóng viên: Đề nghị ông cho biết kết quả đợt khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2017?

- Ông Trương Thanh Phong: Ngày 27-12-2016, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Thực hiện Đề án này, từ ngày 6-11 đến 20-12-2017, Sở Nội vụ phối hợp với Cục Thống kê tỉnh tổ chức điều tra xã hội học về sự hài lòng của người dân, tổ chức ở 3 lĩnh vực: Dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố; Thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi (“3 trong 1”) tại các UBND xã, phường, thị trấn; Đăng ký lập hộ kinh doanh tại UBND các huyện, thành phố. Các điều tra viên của Cục Thống kê đã tiến hành khảo sát trên 3.200 phiếu, trong đó lĩnh vực y tế có 1.100 phiếu, thủ tục “3 trong 1” có 1.400 phiếu, đăng ký lập hộ kinh doanh có 700 phiếu. Kết quả, tỷ lệ hài lòng khá cao, trong đó thủ tục “3 trong 1” đạt 92,45%; thủ tục đăng ký lập hộ kinh doanh đạt 93%; lĩnh vực y tế đạt 76,23%. Kết quả này đã phản ánh tương đối trung thực, khách quan, thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải cách TTHC, hướng đến nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.

* Từ kết quả trên cũng cho thấy, sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ KCB vẫn chưa thực sự cao, vậy nguyên nhân khiến người dân chưa hài lòng về lĩnh vực này là gì, thưa ông?

- Qua điều tra xã hội học, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến của người dân đánh giá “không hài lòng” về dịch vụ KCB tại các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố. Trong số 7 cơ sở y tế được khảo sát ý kiến, Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ có tỷ lệ hài lòng cao nhất, với 93,6%; Bệnh viện Lê Lợi đạt tỷ lệ thấp nhất, với 61,09%. Điều đó nói lên rằng, một số người dân, tổ chức chưa đánh giá cao chất lượng KCB, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất… Người dân cho rằng, ngành y tế còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy trình thủ tục khám bệnh còn phức tạp, thời gian chờ đợi để được khám bệnh và điều trị bệnh còn dài; thái độ phục vụ, giao tiếp của một số nhân viên y tế thiếu lịch thiệp, chưa đúng mực, chưa nhiệt tình; việc tiếp nhận, giải quyết, phản hồi thông tin đối với các phản ánh kiến nghị của bệnh nhân chưa kịp thời, thoả đáng; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số cơ sở y tế chưa đầy đủ…

* Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, thời gian tới, các cơ quan hành chính Nhà nước cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

- UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố phải tiếp nhận và trả kết quả 100% TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định; đồng thời kiểm tra, xác minh và chấn chỉnh tình trạng nhận hồ sơ ngoài Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công chức yêu cầu người dân phải trả chi phí ngoài quy định; rút ngắn thời gian giải quyết và đơn giản hóa TTHC cho cá nhân, tổ chức. Song song đó, UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố cần chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, thực hiện nghiêm việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi hồ sơ trễ hẹn; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân liên quan đến tiếp nhận, giải quyết hồ sơ không đúng trình tự, thủ tục, trễ hẹn; triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Riêng đối với lĩnh vực y tế, phải kịp thời chấn chỉnh các yếu tố bị người dân đánh giá thấp, đặc biệt là ở Bệnh viện Lê Lợi; rà soát cắt giảm, rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện thủ tục KCB; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là giường nằm, nhà vệ sinh; giáo dục nâng cao y đức và thái độ giao tiếp ứng xử của đội ngũ nhân viên y tế trong thực hiện KCB cho người dân...

* Xin cảm ơn ông!

HỒNG PHƯƠNG
(thực hiện)

.
.
.