.
SỐNG ĐẸP

Hạnh phúc là cho đi

Cập nhật: 10:07, 16/03/2018 (GMT+7)

Hái mớ khổ qua trong vườn nhà, chị sai con đem sang biếu hàng xóm. Con nhảy chân sáo về thông báo công việc đã hoàn thành bằng một nụ cười tươi rói. Chị tò mò, mắt con ngập tràn hạnh phúc: Cô Phẩm nhận lấy mớ khổ qua rồi mỉm cười cảm ơn con mẹ ạ. Chỉ vậy thôi mà con thấy vui lắm! Xoa đầu con, chị bảo: Ừ, hạnh phúc đơn giản là sự cho đi như thế đó con ạ!

Trong cuộc sống, mỗi người đều tự tìm kiếm cho mình niềm vui và hạnh phúc khác nhau. Người vui vì có vật chất, tiện nghi đủ đầy; người vui với thú chăm cây cảnh, chim muông; người lại vui với việc đọc sách, nghiên cứu… Nhưng cũng có người tìm niềm vui đơn giản trong sự cho đi, ban tặng hay sẻ chia. 

Cho đi được hiểu là việc đem những thứ thuộc sở hữu của cá nhân đến với người khác để đổi lấy sự thư thái, tâm trạng thoải mái cho bản thân mình. Nếu cho đi thể hiện sự cao quý của một tấm lòng thì nhận lại cũng là sự biết ơn chân thành của một tấm lòng.

Chuyện cho đi hay nhận lại thường là chủ đề quen thuộc của gia đình chị sau mỗi bữa cơm tối. Anh bảo: Chị là giáo viên. Việc chị đem kiến thức truyền dạy cho học trò là một sự cho đi đầy ý nghĩa. Chị mỉm cười, hạnh phúc nhất với chị là khi đứng trên bục giảng, được nói lẽ phải, điều hay; được nhìn thấy những gương mặt chăm chú, mê say; được tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho học trò; được nhìn thấy các em trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội… Đáp lại anh, chị cắt nghĩa: Anh là quản đốc của công ty may mặc. Việc anh chỉ dạy cho lớp lớp người thợ đi sau, giúp họ lành nghề hơn cũng là sự cho đi. Quả thật, anh thấy lòng mình phơi phới mỗi khi có thêm một người thợ thông thạo việc. Đôi tay thoăn thoắt cùng nụ cười viên mãn của mỗi người thợ như tiếp lửa, truyền cảm hứng để anh nhiệt tình, tâm huyết hơn với công việc của mình.

Trong gia đình, sự cho đi đã trở thành nguồn động lực lớn nhất gắn kết tổ ấm của chị. Công việc bận bịu đôi khi chiếm hết thời gian dành cho gia đình, thế nhưng, chị vẫn luôn là một người mẹ, người vợ, người nội trợ, người giữ lửa tuyệt vời. Để dành thời gian bên con, để nắm rõ tình hình học tập cũng như tâm tư tình cảm của con, chị đã lập cho mình một thời gian biểu hợp lý. Khi vui đùa cùng con, khi hỏi han thủ thỉ chuyện trò; khi cùng con trải nghiệm, thực tập ngoài trời.. đó cũng là cách chị tập cho con biết sống cho đi, biết vì người khác.

Chị vui lắm vì có con gái ngoan hiền, biết điều, dù cô bé mới 7 tuổi. Chị đã không thể nào từ chối khi con gái xin phép sang chơi với bạn hàng xóm vì sợ bạn buồn khi ba mẹ bạn vắng nhà. Chị cảm thấy ấm lòng khi một người ăn xin mới bắt đầu bước chân vào cổng nhà mình, ngay lập tức con đã chạy vào năn nỉ mẹ cho họ áo quần, cho gạo, cho tiền vì thấy họ khổ hơn mình. Vui nhất là mỗi khi anh chị đi làm về mệt mỏi, con bé lại lon ton bưng lên ly nước, miệng tíu tít hỏi han. Chỉ cần vậy thôi, chị đã cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn biết bao người.

Cuộc sống vẫn còn rất nhiều những câu chuyện về niềm hạnh phúc khi cho đi khiến chúng ta tự hào, khâm phục. Đó là chuyện về cô bé 7 tuổi đã quyết định hiến giác mạc của mình để cứu người khi biết mình bị bệnh hiểm nghèo. Đó là câu chuyện cảm động về những thầy cô giáo giàu lòng nhân ái, mở lớp dạy học miễn phí cho học trò nghèo… 

Giữa bộn bề nỗi lo cơm áo, nhiều người vẫn rộng lòng cho đi bằng tất cả tình yêu thương và sự chân thành. Đó chính là biểu hiện nhân văn, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. 

LÊ XUYÊN

.
.
.