.

Ngành sư phạm tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2018: Nhiều điểm mới đáng chú ý

Cập nhật: 16:05, 18/03/2018 (GMT+7)

Năm 2018, quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) hệ chính quy nhóm ngành sư phạm có nhiều điểm mới. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT.

* Phóng viên: Thưa ông, năm 2018, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, TC nhóm ngành sư phạm hệ chính quy có những điểm mới gì?

- Ông Hồ Cảnh Hạnh: Năm 2018, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, TC hệ chính quy nhóm ngành sư phạm do Bộ GD-ĐT ban hành có nhiều điểm mới. Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành sư phạm (đối với các ngành khác, nhà trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào). Theo đó, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Theo đó, chỉ xét tuyển những HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi (đối với trình độ ĐH), xếp loại khá trở lên (đối với trình độ CĐ, TC). Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, sẽ xét tuyển những HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 thấp hơn một mức tương ứng.

HS lớp 12A2 trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Khánh Chi
HS lớp 12A2 trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.

* Theo ông, những điểm mới này tạo ra thuận lợi, khó khăn gì cho công tác tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm? 

- Việc quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho ngành sư phạm là nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ GV. Tôi cho rằng, điều này là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc chỉ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm bước đầu có thể sẽ làm cho ngành này bị thu hẹp nguồn tuyển, nhất là đào tạo trình độ CĐ, TC. Bởi tâm lý chung của phụ huynh và HS hiện nay vẫn muốn theo đuổi ước mơ vào ĐH.

Theo tôi, để tiếp tục nâng cao chất lượng đầu vào cho ngành sư phạm, ngoài quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào về học lực, cần có thêm quy định về hạnh kiểm, đạo đức; tiến tới quy định về kết quả học lực và xếp loại hạnh kiểm của tất cả các năm bậc THPT. Tuy nhiên, những quy định đó phải song hành với các giải pháp đồng bộ khác như chính sách ưu đãi về học phí, học bổng, đặc biệt là vị trí, việc làm sau khi tốt nghiệp... 

Sinh viên lớp trung cấp mầm non của Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong tiết học “Múa và phương pháp hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc”. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Sinh viên lớp trung cấp mầm non của Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong tiết học “Múa và phương pháp hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc”. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

* Trước tình hình trên, năm nay, phương án tuyển sinh của nhà trường như thế nào, thưa ông?

- Năm học này, Trường CĐ Sư phạm BR-VT đã xây dựng đề án tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT và kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ của nhà trường vẫn giữ nguyên như những năm trước với 400 chỉ tiêu, riêng hệ TC giảm từ 200 chỉ tiêu xuống còn 100 chỉ tiêu, với 7 ngành đào tạo GV: Mầm non, Tiểu học, Tin học, tiếng Anh, tiếng Nhật, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ và một số ngành đào tạo nhân viên ngành giáo dục như thiết bị trường học, văn thư, kế toán trường học... Để thu hút thí sinh vào trường, mỗi năm, nhà trường dành khoảng 600 triệu đồng để trao học bổng cho SV, hỗ trợ ký túc xá cho SV. Ngoài ra, SV của nhà trường còn có cơ hội học tập, tu nghiệp tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, được liên thông lên ĐH, CĐ ngay sau khi ra trường...

Thông tin chi tiết về tuyển sinh năm 2018 của trường sẽ được công bố trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và trang điện tử của trường tại địa chỉ http://www.cdspbrvt.edu.vn.

* Xin cảm ơn ông!

Ngoài các đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, Trường CĐ Sư phạm BR-VT còn xét tuyển thẳng vào các ngành nếu HS bảo đảm những điều kiện sau: Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi HS giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và có học lực năm lớp 12 đạt từ loại khá trở lên. Đối với ngành tiếng Anh và tiếng Nhật, thí sinh đạt điểm IELTS từ 5.0 hoặc TOEFL iBT từ 61 trở lên và có học lực lớp 12 từ loại khá trở lên (ngành tiếng Nhật, thí sinh có thể thay thế chứng chỉ IELTS và TOEFL iBT bằng chứng chỉ JLPT N4). Đối với ngành giáo dục mầm non, ngoài các điều kiện trên, HS phải tham dự kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức và đạt điểm trung bình các môn năng khiếu từ 5.0 điểm trở lên.

KHÁNH CHI
(Thực hiện)

.
.
.