.

Thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật

Cập nhật: 19:18, 16/03/2018 (GMT+7)

Thực trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật làm việc trong các nhóm ngành nghề cơ khí chế tạo, chế tạo giàn khoan dầu khí, lắp ráp kim loại, đóng tàu… đang khiến các DN gặp khó khăn lớn.

DN GẶP KHÓ TRONG TUYỂN DỤNG

Hiện nay, nhiều DN đang có nhu cầu tuyển hàng ngàn lao động kỹ thuật liên quan đến cơ khí, đóng tàu, dịch vụ dầu khí… như: Công ty TNHH Minh Việt, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Vân Nam, Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Dương Tiến Phát, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Biển Đông, Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí… Nhu cầu lớn nhưng nhiều DN khó tuyển dụng lao động. Đơn cử như tháng 3-2018, Công ty TNHH Minh Việt (TP.Vũng Tàu), đơn vị chuyên cung ứng lao động đang cần tuyển 1.200 lao động kỹ thuật làm việc tại TP.Vũng Tàu với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ tuyển được khoảng 700 lao động. Ngoài ra, công ty còn cần khoảng 3.000 lao động cung ứng cho một số dự án trên địa bàn TT.Phú Mỹ (huyện Tân Thành) nhưng cũng khó khăn trong tuyển dụng.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm năm 2017 được tổ chức tại TP.Vũng Tàu.
Người lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm năm 2017 được tổ chức tại TP.Vũng Tàu.

Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Dương Tiến Phát (đường 30/4, TP.Vũng Tàu) cũng đang cần tuyển hơn 1.000 công nhân lắp ráp phục vụ cho dự án mới, nhưng mới tuyển được 100 người. Theo bà Trần Thị Điệp, phụ trách nhân sự của Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Dương Tiến Phát, năm 2018, công ty có nhiều dự án đóng tàu cần số lượng lao động lớn, vào làm việc ngay. Tuy nhiên, nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật đóng tàu đang khan hiếm, DN đã thông báo tuyển người nhưng đến nay vẫn không tìm đủ lao động.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhóm cơ khí-tự động hóa rất cao, trong khi đó nhu cầu tìm việc trong những nhóm ngành nghề này lại rất ít. 

TĂNG QUY MÔ ĐÀO TẠO 

Trước tình trạng khan hiếm lao động kỹ thuật, các công ty cung ứng lao động phải tuyển lao động từ các tỉnh khác, tìm lao động nhàn rỗi ở các huyện để đào tạo từ đầu… Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Phòng Cung ứng nhân lực Công ty TNHH Minh Việt cho hay: “Có nhiều dự án các đơn vị cung ứng phải đến các tỉnh khác tìm nguồn lao động. Trong số lao động tuyển dụng có khoảng 40% chưa có kinh nghiệm, công ty phải đào tạo từ đầu”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, BR-VT đang có nhiều lao động thất nghiệp nhưng chưa có thông tin việc làm. Do vậy, ngay lúc này các đơn vị có chức năng kết nối cung-cầu lao động cần phát huy hết năng lực nhằm hỗ trợ DN trong tuyển dụng, làm cầu nối cho DN với người lao động.

Để giải quyết thực trạng thiếu lao động ngành kỹ thuật, các trường nghề tại BR-VT cần tăng cường quy mô đào tạo đối với nhóm ngành kỹ thuật. Trong ảnh: Học viên lớp điện công nghiệp, Trường TC Kỹ Thuật Công Nghệ Phước Lộc trong giờ học.
Để giải quyết thực trạng thiếu lao động ngành kỹ thuật, các trường nghề tại BR-VT cần tăng cường quy mô đào tạo đối với nhóm ngành kỹ thuật.
Trong ảnh: Học viên lớp điện công nghiệp, Trường TC Kỹ Thuật Công Nghệ Phước Lộc trong giờ học.

Để ổn định sản xuất trong tương lai, hiện nhiều DN cũng đã chủ động liên hệ “đặt hàng” với các trường nghề trên địa bàn tỉnh. Theo bà Trương Huỳnh Như, Hiệu Phó Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, thời gian qua, một số DN đã đến trường để tìm kiếm SV năm cuối, tuyển vào thực tập theo dạng vừa học vừa làm. Hiện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cũng đang mở rộng quy mô đào tạo từ 1.000 SV lên 1.500 SV mỗi năm, trong đó tăng cường đào tạo nhóm ngành kỹ thuật.

Để giải quyết thực trạng thiếu lao động ngành kỹ thuật, các trường nghề tại BR-VT cần tăng quy mô đào tạo đối với nhóm ngành kỹ thuật.  Trong ảnh: Học viên lớp điện công nghiệp 2 Trường TC Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc trong giờ học. Ảnh: ĐÔNG TRÚC
Để giải quyết thực trạng thiếu lao động ngành kỹ thuật, các trường nghề tại BR-VT cần tăng quy mô đào tạo đối với nhóm ngành kỹ thuật.
Trong ảnh: Học viên lớp điện công nghiệp 2 Trường TC Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc trong giờ học.
Dự báo thời gian tới nhu cầu của DN về lao động kỹ thuật còn tiếp tục tăng. Để giải bài toán thiếu hụt lao động kỹ thuật, giúp DN không còn bị động trong tuyển dụng lao động, Sở LĐTBXH cũng đang phối hợp với các trường nghề tăng cường tuyên truyền, thu hút lao động học nghề kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường phân luồng trong hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo đối với HS trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng lực lượng lao động trong lĩnh vực kỹ thuật, cung ứng cho thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
(Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH)

Kết quả khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của 2.440 DN trên địa bàn tỉnh từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Năm 2018, nhu cầu tuyển lao động của DN khoảng 17.500 người. Trong đó, dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 40% gồm: Khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điện lạnh. Nhu cầu tuyển công nhân kỹ thuật lành nghề, sơ cấp nghề và lao động phổ thông chiếm cao nhất với 65%. Riêng quý 1 và quý 2, nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động, tập trung vào các nhóm ngành nghề có xu hướng phát triển ổn định, lâu dài, cụ thể như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, công nghiệp phụ trợ, cơ khí… 

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.