.

Mối nguy từ trào lưu "thuận theo tự nhiên"

Cập nhật: 16:33, 18/03/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, trào lưu “thuận theo tự nhiên” trong sinh nở, phòng bệnh cho trẻ em… lan truyền nhanh trên các trang mạng xã hội đã lôi kéo không ít bậc phụ huynh tin theo. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đây là trào lưu nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và con. 

Nữ hộ sinh chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bà Rịa.
Nữ hộ sinh chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bà Rịa.

SINH TẠI NHÀ NGUY HIỂM CHO CẢ MẸ VÀ CON

Tại BR-VT, trước mức độ nguy hiểm của trào lưu sinh đẻ tại nhà “thuận theo tự nhiên”, ngành y tế đã và đang tăng cường công tác quản lý, theo dõi thai kỳ, hạn chế tình trạng đẻ rơi, đẻ tại nhà. Bác sĩ Trần Thị Luyện, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 17.000 ca sinh, hầu hết đều sinh tại các cơ sở y tế (đạt tỷ lệ 99,8%). Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn ghi nhận tình trạng đẻ rơi, đẻ tại nhà. Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh có 39 trường hợp đẻ rơi, đẻ tại nhà (chiếm tỷ lệ 0,2%). Trong số này, nguyên nhân chủ yếu là do sản phụ đẻ quá nhanh nên không kịp đến cơ sở y tế. Nhưng cũng có 3 sản phụ không chịu đến cơ sở y tế để đội ngũ y, bác sĩ thăm khám, chăm sóc, mà quyết định sinh con tại nhà. Ngay sau khi nhận được thông tin, cán bộ y tế đã có mặt kịp thời để sơ cứu; đồng thời chuyển cả mẹ và con đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí theo đúng quy trình vô khuẩn trong sản khoa. Kết quả, 39/39 sản phụ được cứu và 38/39 trẻ được an toàn. 

Theo bác sĩ Trần Thị Luyện, sản phụ tự sinh tại nhà sẽ đối diện với nhiều nguy cơ, tai biến trầm trọng như: Băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất nhịp tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong cả mẹ lẫn con… Trong trường hợp sản phụ chuyển dạ sinh nở mà không kịp đến cơ sở y tế, thì người nhà ngay lập tức ủ ấm bé bằng mọi đồ vải có sẵn tại chỗ, đồng thời điện thoại ngay cho cơ sở y tế gần nhất. Tiếp theo, tìm một sợi dây nhỏ, mềm càng sạch càng tốt (dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn mùi xoa, dây buộc đồ...) để buộc chặt dây rốn, càng xa nơi bám của nó ở bụng bé càng tốt; không được cắt dây rốn; trao bé cho mẹ ôm ấp và tìm mọi cách chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để y, bác sĩ xử trí, chăm sóc cho mẹ và con.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang áp dụng quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu (EENC), hay còn gọi là “Cái ôm đầu tiên” tại các cơ sở y tế sản khoa theo quy định của Bộ Y tế, trong đó có một số bước được thực hiện theo tự nhiên đem lại nhiều lợi ích hơn cho mẹ và trẻ như: Rốn của trẻ sau khi cắt sẽ được để khô và rụng tự nhiên, không băng rốn và sát khuẩn như trước đây; không hút nhớt cho trẻ mà để khô tự nhiên, trừ những trường hợp trẻ bị tắc nghẽn đường thở mới thực hiện hút nhớt… Quy trình này xuất phát từ khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về “6 bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ”, nhằm bảo đảm giảm thiểu tới mức thấp nhất những tai biến cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. 

“Mỗi phụ nữ khi chuẩn bị làm mẹ cần được trang bị các kiến thức trước, trong và sau khi sinh, nhất là cần khám thai định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế, nhận biết được dấu hiệu chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời”, bác sĩ Trần Thị Luyện khuyến cáo. 

Nữ hộ sinh hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bà Rịa.
Nữ hộ sinh hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bà Rịa.

ẨN HỌA TỪ VIỆC KHÔNG CHÍCH NGỪA CHO TRẺ 

Một trào lưu “thuận theo tự nhiên” khác cũng rất nguy hiểm, đó là trào lưu không tiêm vắc xin cho con vì cho rằng để hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động, sau này trẻ sẽ khỏe và sức đề kháng bệnh tốt hơn. Đặc biệt, một số thông tin trên mạng xã hội còn đồn thổi rằng, chích vắc xin nhiều có thể khiến trẻ bị tự kỷ, bị biến chứng và tử vong... 

Về vấn đề này, bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, tiêm phòng vắc xin không chỉ tạo hệ thống miễn dịch chủ động phòng tránh các bệnh hiểm nghèo cho trẻ, mà còn tạo miễn dịch cộng đồng nhằm giảm nhanh tỷ lệ mắc các bệnh cũng như tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Nhiều người cùng bỏ tiêm vắc xin sẽ có nguy cơ gây ra thảm họa về dịch bệnh cho cộng đồng. Bằng chứng là năm 2014, dịch sởi bùng phát trở lại một phần là do phụ huynh “tẩy chay” vắc xin sởi. Hậu quả của dịch sởi đã làm cho trên cả nước có 142 người tử vong, hơn 4.600 người phải nhập viện điều trị.

Cũng như thuốc, loại vắc xin nào cũng có những phản ứng nhất định trên cơ thể người, trong một số trường hợp phản ứng có thể nặng và gây nguy hiểm đến trẻ. Tuy nhiên, những rủi ro có thể giảm thiểu nếu trẻ được theo dõi kỹ sau khi tiêm ở các cơ sở y tế và tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ, nhân viên y tế khi trẻ về nhà. 

Trào lưu “sinh con thuận theo tự nhiên” được khởi xướng và lan truyền trong một bộ phận các bà mẹ, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé. Trong thời gian qua, tại các bệnh viện đã xuất hiện rải rác một vài trường hợp từ chối các can thiệp có lợi cho trẻ ngay sau sinh như chích vitamin K1, vắc xin ngừa lao, viêm gan siêu vi B… Bộ Y tế khuyến cáo, việc sinh con thuận theo tự nhiên tại nhà không có sự theo dõi và hỗ trợ y tế là thực hành sản khoa nguy hiểm, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé. Hiện nay, các chuyên gia sản khoa trong và ngoài nước đều khẳng định, sinh con thuận theo tự nhiên là phương pháp phản khoa học, có thể dẫn đến tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ. Các sản phụ nên đăng ký để được quản lý thai, sinh con tại các cơ sở y tế, được chăm sóc, tư vấn sau sinh cho sức khỏe bà mẹ và bé. Người dân khi tham gia các trang mạng xã hội cần có sự lựa chọn thông minh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và với chính bản thân, chỉ sử dụng các thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn.

(Ông Nguyễn Đức Vinh,
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế)

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.