.

Giữ thể diện khi đến nơi làm việc của "một nửa"

Cập nhật: 10:07, 16/03/2018 (GMT+7)

Công sở là công sở, nhà là nhà nhưng nhiều người vẫn nhầm tưởng là một. Vì thế, mới xảy ra lắm chuyện éo le, dẫu có thọc léc cũng không thể cười nổi. 

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Tôi biết có trường hợp, do vợ là sếp của cơ quan, được cộng sự yêu  mến, kính trọng, nhiều lần đến chơi, người chồng nhận ra điều ấy nên tự hào lắm. Anh cũng được mọi người tỏ ra ưu ái, dành nhiều thiện cảm. Nếu anh chỉ thỉnh thoảng hoặc có chuyện cần kíp lắm mới ghé lại, chẳng ai phàn nàn, hẹp lòng gì mà không niềm nở tiếp đón. 

Song, cứ dăm ba ngày, anh lại tới, hết la cà phòng này đến tán gẫu phòng khác. Ban đầu cũng bình thường, dần dà ai nấy đều cảm thấy phiền toái. Công việc từng giờ như nước cuốn dưới chân, vậy mà phải tạm ngưng để tiếp đón. Ít ra cũng pha bình trà, nhín ít thời gian hỏi han vu vơ vài câu cho phải đạo. Gặp lúc có cần bàn thảo, họp hành, nếu khách không mời mà đến, có thể lịch sự mời ra ngoài, nhưng khách lại là “sếp” của sếp, phải làm sao? Chẳng lẽ nói khéo hay thẳng thừng mời ra khỏi phòng? Chẳng dại, sếp hay chuyện “đì” thì nguy. 

Chẳng lẽ lại bấm bụng mà chịu à? May quá, những tình huống “trật đường ray” đó, rồi cũng lọt vào tai sếp. Cô vợ giận lắm, từ đó cấm tiệt chồng lui tới. Mà phải như vậy thôi. Công sở là nơi làm việc, có trên có dưới, có nội quy rõ ràng chứ đâu phải nhà riêng ai muốn vào thì vào, muốn đi thì đi. 

Chị bạn tôi mới xin được việc làm tại quán cà phê thuộc hạng VIP. Chị mừng lắm, vì thời buổi này xin việc đâu dễ. Khổ nỗi, cứ mỗi chiều, ông xã chị lại ghé đến quán, chọn chỗ sang trọng nhất, máy lạnh mát rượi, ngồi chờ đón vợ. Đã thế, anh ta còn đi đứng nghênh ngang, nói cười rổn rảng như thể đang là nhân viên của quán. Rồi anh oang oang kêu vợ ra trao đổi việc nhà, chuyện học hành của con như thể đang ở nhà mình, dù cô đang bận rộn tất bật... Ban đầu, các nhân viên phục vụ cũng nể nang nhưng sau đó, dù không dám nói ra nhưng họ đặt luôn cho biệt danh “cái của nợ”! 

Chưa hết, có những lúc vợ chồng giận nhau, anh gọi điện thoại, vợ không nghe máy; nhắn tin, vợ không trả lời. Sốt ruột quá, anh gọi luôn cho chủ quán nhằm kiểm tra sáng nay vợ mình có đến quán làm việc hay không v.v… Vì vậy, ít lâu, chị phải… kiếm việc nơi khác, dù ở chỗ cũ thu nhập cao và phù hợp khả năng hơn.

Lại có chuyện này mới buồn cười làm sao: không rõ vì lý do gì, gần nửa năm nay, cứ mỗi chiều là X. - chồng cô Y. xuất hiện ngay trước cổng cơ quan chờ đón vợ. Ban đầu không ai để ý, nhưng rồi anh ta trở nên “nổi bật” bởi nơi làm việc của vợ là một ngân hàng lớn, khách sang trọng ra vào nườm nượp, vậy mà anh cứ thản nhiên mặc quần soọc, áo cháo lòng, đôi dép lê! Đôi lúc, anh ta đến đón vợ mà đang say xỉn, mặt mày đỏ khè, bước đi loạng choạng! Mỗi ngày, anh cứ lân la người này, bắt chuyện người kia như thể “người nhà”.

Thấy chồng quan tâm, đưa đón mỗi ngày, ban đầu cô Y. thấy vui vui. Nhưng chiều nào cũng phải nhìn bộ dạng lôi thôi, ăn mặc cẩu thả, cô cảm thấy chồng “hèn hèn”, mất thể diện lắm. Lại thêm những lời xì xào của bảo vệ, đồng nghiệp, đại loại như: “Chồng cô Y. cứ như mấy tay bợm nhậu ấy nhỉ?”. Chịu hết nổi, có lần cô qua nhà, tìm vợ tôi “trút bầu tâm sự”. Nghe xong, vợ tôi bảo thì thầm điều gì đó. Ít lâu sau, cô Y. khoe là chồng mình đã thay đổi hẳn. Vợ tôi đã hiến kế gì? Nàng bảo: “Em nói cô ấy phải bảo rằng, nơi làm việc của vợ, chồng có đến đó cũng chỉ là khách, chứ đâu thể ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, nói năng nhăng cuội như ở nhà. Nếu còn vi phạm, cô sẽ nói bảo vệ mời ra ngoài, lúc ấy, đừng có trách”.

Còn anh chàng nọ - bạn tôi, tốt nghiệp thủ khoa ở một trường đại học Mỹ, lại đang giữ chức trưởng phòng nên giám đốc ưu ái bố trí một phòng riêng để có thể toàn tâm toàn ý về chuyên môn, tính toán sổ sách… Biết chồng có phòng riêng trong công ty, thế là mỗi buổi trưa cô vợ thường đưa con cái, đem thức ăn lên tận phòng cho chồng, cứ như đi nuôi trẻ.

Thôi thế cũng chẳng sao, dù gì cũng thông cảm cho vợ chồng son. Những lúc ấy, họ đóng cửa phòng riêng trong một, hai giờ nghỉ trưa cũng chẳng phiền đến ai. Khổ nỗi không chỉ một lần mà nhiều lần, đầu giờ chiều, nhân viên bước vào phòng anh làm việc, họp hành thì vẫn thấy cô vợ ngồi một góc phòng đang dạy con ê a tập đánh vần; hoặc có lúc thấy chú nhóc nằm khểnh ngáy khò khò, trông ngứa mắt lắm. Tại sao chuyện kỳ cục này lại xảy ra?

Có thể vì nhiều lý do, chẳng hạn, do người chồng/vợ vì muốn trực tiếp xác định “chủ quyền” để không đồng nghiệp nào dám léng phéng liếc ngang liếc dọc; cũng có thể vì ở đó có đầy đủ tiện nghi từ máy lạnh, điện nước, điện thoại bàn, có máy tính để lướt web… có thể tranh thủ sử dụng “chùa”. Vì vậy, nhiều người thuộc loại “danh giá”, có vai vế nhưng lại “mất điểm” trong mắt đồng nghiệp, bị xem thường. 

Có lẽ nhiều người đồng tình rằng, một khi “người của mình” đi làm, lúc đã đến công sở, cơ quan thì họ là người của công việc. Do vậy, ta hãy xác định cần có một khoảng cách cần thiết. Trước hết, đó cũng là một cách giữ thể diện cho vợ lẫn chồng, có như thế, các cộng sự, đồng nghiệp của “một nửa” mới tôn trọng cả hai.

 LÊ MINH QUỐC

.
.
.