.

Chỉ vậy mới lành

Cập nhật: 19:05, 28/02/2018 (GMT+7)

Buông tờ báo xuống, má Tí lắc đầu, chép miệng:

- Sợ thật! Người xứ mình ngày càng hung dữ. Ngày tư ngày Tết mà cũng chẳng nhường nhịn nhau. Báo đăng trong dịp Tết vừa rồi, hơn 2000 người đã phải vào viện cấp cứu do…  đánh nhau, trong đó có 6 người tử vong. 

 Ba Tí nhún vai:

- Đâu chỉ có dịp Tết, ngày thường ngoài xã hội chỉ một cái nhìn “đểu”, một lời nói “khó ưa” là người ta cũng đã “tung chưởng” nhau rồi.  Thói quen dùng tay chân để “nói chuyện” còn lan cả vào giới công chức nữa kìa. 

Má Tí tiện thể “quán triệt”:

- Bởi vậy, cha con ông ra đường phải đề cao chữ “nhẫn”. 

Tí hỏi:

- Nhẫn là sao má?

- Nhẫn, nói nôm na là nhẫn nhịn. Ra đường, ai nói ai chửi gì mình con cũng coi như không nghe, không thấy gì hết cho nó lành. 

Ba Tí “phản biện”:

- Nhẫn nhục chưa hẳn đã yên thân. Có nhiều người không nói, không nhìn để mua lấy sự an toàn đã bị cho là khi dễ người ta nên cũng bị “bụp” đó bà. 

- Cách đó không ổn thì phải làm sao. Ông có giải pháp nào không?

- Con người là sản phẩm của giáo dục. Mình ráng chờ các cơ quan chức năng xây dựng một nền giáo dục hướng thiện, đề cao tinh thần hòa bình, nhân ái, khi đó mọi người sẽ không còn “bốc hỏa”, nổi nóng bất thình lình nữa. 

- Chà, trong lúc chờ đợi, có giải pháp nào để tránh chuyện tai bay vạ gió không?

- Có thì có nhưng chỉ sợ khi đó, cu Tí không tới trường học, bà khỏi đi chợ búa còn tui không phải tới công ty…

- Cách gì lạ vậy?

- Cứ ở miết trong nhà, chỉ vậy mới lành thôi bà ơi. 

SÁU BẾN ĐÌNH

.
.
.