.

Tạo đột phá trong giảng dạy bằng công nghệ thông tin

Cập nhật: 18:16, 28/03/2018 (GMT+7)

Với chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học, bắt đầu từ năm học 2016-2017, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường THPT là Trần Văn Quan (huyện Long Điền), Châu Thành (TP.Bà Rịa) và Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) được trang bị màn hình cảm ứng (MHCƯ) cho tất cả các phòng học để phục vụ giảng dạy. Điều này đã thổi một “cơn gió mới” vào các bài giảng.

HS lớp 11A4 Trường THPT Vũng Tàu làm bài tập trực tiếp trên màn hình cảm ứng trong tiết Tin học.
HS lớp 11A4 Trường THPT Vũng Tàu làm bài tập trực tiếp trên màn hình cảm ứng trong tiết Tin học.

NHỮNG TIẾT HỌC TÍCH HỢP

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của việc sử dụng MHCƯ trong giảng dạy, thầy Võ Văn Tuấn, GV môn tiếng Anh, Trường THPT Vũng Tàu bắt đầu bằng việc tiết lộ kết quả của một cuộc khảo sát. Thầy Tuấn cho biết, với môn tiếng Anh, kỹ năng đọc hiểu là một thử thách. “Năm học 2016-2017, qua khảo sát của nhà trường thì chỉ có 12% HS thích nội dung này. Đa số các em gặp khó khăn với từ vựng, cấu trúc hoặc đọc nhưng không tìm được câu trả lời. Thực trạng này khiến các GV bộ môn càng thêm trăn trở trong việc đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức. Chặng đường đổi mới được đánh dấu bằng việc đưa MHCƯ vào giảng dạy”. Từ khi được trang bị MHCƯ, ở phần kiểm tra bài cũ, thầy Tuấn thiết kế một số trò chơi như giải ô chữ, đoán hình nền hay chiếc hộp thần kỳ chiếu lên màn hình. Dù là trò chơi nhưng lại được điểm số thực nên các em tham gia một cách vô cùng hào hứng và có tâm trạng thoải mái để bước vào bài học mới. Với mỗi bài đọc hiểu, thầy Tuấn đều chuẩn bị các video liên quan để trình chiếu, rồi gợi mở bằng các câu hỏi để HS tham gia xây dựng bài. Sau đó, thầy trình chiếu cả bài khóa lên màn hình, tô đậm từ mới trực tiếp trên màn hình để các em hiểu chính xác nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Sau khi đọc, thầy trò lại cùng nhau củng cố kiến thức bằng một số trò chơi thú vị. Theo thầy Tuấn, mặc dù các hoạt động này tương đối đơn giản nhưng đã đem lại hiệu quả lớn trong việc xóa bỏ nỗi “sợ” của HS. Từ khi có MHCƯ, số HS tham gia xây dựng bài tăng gấp đôi, trên 80% HS cảm nhận được sự hòa đồng trong lớp học...

Không riêng môn tiếng Anh, đến nay, tại 3 trường THPT thí điểm sử dụng MHCƯ, có đến 12/13 môn học đã ứng dụng CNTT. Ngay cả môn Ngữ Văn, môn học các thầy cô ít ứng dụng CNTT vì lo ngại làm đứt mạch cảm xúc bài giảng cũng đã có nhưng thay đổi rõ nét. Cô Hoàng Thị Thúy, GV Ngữ Văn, Trường THPT Vũng Tàu đã tích hợp âm thanh, phim, ảnh vào bài giảng của mình. Cô Thúy  chia sẻ: “Trong các bài giảng của mình, tôi đều tìm thêm tư liệu về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Ví dụ, với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, tôi tìm thêm tư liệu về nhà thơ Hàn Mặc Tử, xứ Huế, thôn Vĩ Dạ xưa… để HS hiểu rõ và hình dung ra nét đặc trưng xứ Huế trong ánh nắng ban mai hay sông Hương êm đềm trong sương khói. Hay khi dạy bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy, tôi tìm thêm tư liệu về quần thể di tích lịch sử đền thờ An Dương Vương, am công chúa Mị Châu, giếng Ngọc… để tạo môi trường lịch sử văn hóa ngay trong bài giảng”.

CHƯA KHAI THÁC HẾT HIỆU QUẢ

Cô Nguyễn Thị Trà My, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu cho biết, nếu như trước đây sử dụng giáo án điện tử, người thầy trình chiếu ký tự thay cho viết bảng thì HS vẫn tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Việc ứng dụng MHCƯ là vấn đề hoàn toàn mới cả về phương pháp dạy và cách học, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Đối với người thầy, không chỉ đơn thuần soạn đủ nội dung để giảng mà phải có sự đầu tư nghiên cứu sâu trong từng bài giảng để tương tác với HS. Nhờ vậy, GV trở về đúng với chức năng của mình là người hướng dẫn, chỉ đường. Đối với HS, từ chỗ thụ động tiếp thu kiến thức, việc sử dụng MHCƯ cuốn hút các em vào các hoạt động tự học, tự trải nghiệm sáng tạo để khám phá kiến thức. Thầy Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Quan cho biết, MHCƯ với các phần mềm hỗ trợ không chỉ hỗ trợ GV biên soạn giáo án mà còn tạo ra lớp học tương tác đa chiều, giúp HS dễ dàng hình dung và có khái niệm chính xác về các sự kiện, hình ảnh, sự vật, âm thanh; tạo môi trường học tập vui nhộn, tích cực, giúp HS tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, GV không phải đem nhiều dụng cụ giảng dạy vì các phần mềm hỗ trợ đã cung cấp đầy đủ các tính năng; MHCƯ tương thích với rất nhiều phần mềm hỗ trợ giảng dạy hiện đại.

Bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc sử dụng MHCƯ vẫn còn những hạn chế nhất định do GV chưa khai thác hết hiệu quả của phương tiện này. Theo thầy Nhân, một số GV lớn tuổi khá lúng túng trong việc sử dụng MHCƯ. Nhà trường phải trao đổi và phân công GV trẻ chuẩn bị sẵn máy móc giúp thầy cô làm quen và tự thao tác trong các tiết dạy. Còn theo Ban Giám hiệu Trường THPT Châu Thành, việc sử dụng MHCƯ chưa đồng bộ giữa các GV do đặc thù của từng môn học. Bên cạnh đó, kỹ năng CNTT của GV, HS còn hạn chế nên chưa tự khắc phục được những lỗi kỹ thuật nhỏ và mới chỉ khai thác được một số ứng dụng đơn giản. Đặc biệt, kho dữ liệu bài giảng chưa phong phú nên GV chưa tìm được “nguồn” để khai thác cho bài giảng của mình.

Trước những tồn tại trên, thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho rằng, các nhà trường cần có chuyên viên kiến thức chuyên sâu để hỗ trợ kịp thời cho GV. Bên cạnh đó, GV và HS cần được tập huấn kỹ càng, phù hợp với đặc điểm bộ môn, GV và các tổ bộ môn cần đầu tư cho việc soạn bài, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để khai thác hết các tính năng của MHCƯ.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.