Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh - Bài 3: Nguy cơ từ thực phẩm
Kháng sinh được sử dụng nhiều trong chăn nuôi để phòng ngừa bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng tùy tiện kháng sinh có thể dẫn tới nguy cơ thực phẩm từ chăn nuôi tồn dư kháng sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
SỬ DỤNG TÙY TIỆN KHÁNG SINH
Tìm hiểu tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho thấy có hiện tượng một số hộ chăn nuôi tùy tiện sử dụng kháng sinh cho vật nuôi.
Anh N.V.S, người nuôi heo tại xã Cù Bị (huyện Châu Đức) cho biết, anh đang nuôi 15 con heo chuẩn bị bán trong dịp Tết. Không may, tuần qua cả đàn heo bị tiêu chảy cấp. Bằng kinh nghiệm, anh S. biết heo bị nhiễm vi khuẩn E.Coli nên đã tự đi mua thuốc kháng sinh về tiêm cho heo. Nôn nóng cho đàn heo chóng khỏi, anh S. tăng liều lượng thuốc gấp đôi. Anh S. kể thêm, có thời điểm, lúc heo đổ bệnh trước ngày xuất chuồng, anh đành phải tiêm kháng sinh liều cao cho chúng.
Ông Phan Anh Thuận (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) cho heo ăn. Ảnh: minh họa |
Việc thường xuyên sử dụng kháng sinh chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện chuồng trại không bảo đảm, dịch bệnh dễ xâm nhập đàn vật nuôi. Bà N.T.L, chủ trại gà ở xã Long Phước (TP.Bà Rịa) cho biết: Các chủ trại gà hầu như đều phải sử dụng kháng sinh liên tục trong thời gian trước khi xuất chuồng (40-45 ngày) để phòng và trị các bệnh phổ biến như tiêu chảy, hô hấp… “Nếu không dùng kháng sinh để phòng bệnh, khi một con nhiễm bệnh, cả đàn sẽ bị nhiễm theo. Lúc đó chỉ có nước phá sản”, bà L. nói.
Sử dụng kháng sinh là cần thiết, nhưng điều đáng lo là ở chỗ người chăn nuôi sử dụng quá tùy tiện. Chỉ cần heo, gà có dấu hiệu lơ là, bỏ ăn, nhiều người đã vội dùng đến kháng sinh. Thậm chí, kháng sinh còn được trộn sẵn trong cám để phòng bệnh.
Theo anh Nguyễn Minh Lý, chủ trang trại gà ở xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), không chỉ người nuôi sử dụng kháng sinh mà các cơ sở chăn nuôi cũng trộn các loại thuốc có chứa kháng sinh vào thức ăn trộn sẵn. Do đó, khi kháng sinh vào trong cơ thể vật nuôi trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng “lờn” thuốc. Khi vật nuôi bị nhiễm bệnh lại phải sử dụng liều lượng cao mới có thể chữa trị.
Về khoa học, thời gian đào thải kháng sinh ra khỏi cơ thể vật nuôi thùy thuộc vào từng loại kháng sinh, từng loại vật nuôi có thể từ 3 ngày đến 1 tháng. Như loại kháng sinh Ampicillin là kháng sinh có tác dụng điều trị các bệnh như: viêm đường tiết niệu, viêm đường sinh dục, viêm đường tiêu hóa,... và thời gian đào thải thuốc là 5 ngày; kháng sinh Gentamycin có hiệu quả với các bệnh như: nhiễm trùng đường sinh dục, viêm ruột, tiêu chảy, nhiễm trùng khớp... và phải ngưng sử dụng trước khi giết mổ 21 ngày đối với gia súc, gia cầm nuôi lấy thịt và ngưng ít nhất là 3 ngày đối với gia súc khai thác sữa.
Việc tuân thủ sử dụng kháng sinh đúng liều lượng quy định, dùng kháng sinh đặc trị đúng bệnh thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và thành công trong chăn nuôi. Ngược lại, việc người chăn nuôi vẫn sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện, tràn lan, bất hợp lý và có thể coi là không thể thiếu kháng sinh trong chăn nuôi như vậy sẽ dẫn tới hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Khi đó, người chăn nuôi phải sử dụng với liều cao hơn hoặc thay thế loại kháng sinh khác nặng “đô” hơn, tạo ra những chủng khuẩn có khả năng chống lại nhiều loại kháng sinh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác hại đầu tiên của thực phẩm có chứa nhiều kháng sinh là gây dị ứng và nhiều phản ứng không có lợi cho cơ thể con người. Về lâu dài, việc vô tình hay cố ý sử dụng nhiều kháng sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận. Mặt khác, kháng sinh vào cơ thể con người sẽ gây kháng thuốc. Ảnh hưởng lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh chính là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể, cơ thể trở nên “lờn” các loại vi khuẩn gây bệnh, “lờn” thuốc. Khi đó thì dù có uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi bệnh và sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.
MUA THUỐC KHÁNG SINH QUÁ DỄ
Tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi phổ biến do thói quen của người dân khi xảy ra bất cứ vấn đề gì với sức khỏe vật nuôi đều chọn cách dễ nhất là dùng kháng sinh để xử lý. Hơn nữa, việc mua bán kháng sinh ở Việt Nam là quá dễ dàng. Thuốc kháng sinh cho gia súc, gia cầm được mua bán tự do mà hầu như không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng nên càng khuyến khích người dân dùng các thuốc này thay vì tập trung vào phòng bệnh, cân bằng dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe vật nuôi và giảm chi phí.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) chỉ cần ra bất kỳ cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc nào trên địa bàn, người nuôi có thể tìm mua được các loại kháng sinh (sản xuất trong nước và cả ngoại nhập) với nhiều giá cả khác nhau. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở hầu khắp các cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú ý trên địa bàn tỉnh. Bà Bùi Thị Hoài (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cho biết, bà cũng thường xuyên tự đến các cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc gần nhà để mua các loại thuốc kháng sinh mỗi khi heo hay gà bị bệnh. Thậm chí, bà Hoài cũng không rõ tên thuốc, chỉ cung cấp thông tin về tình trạng bệnh của vật nuôi cho người bán, liều lượng như thế nào cũng do người bán hướng dẫn.
Người dân tìm mua thuốc tiêm phòng gia súc tại một cửa hàng thuốc thú y trên địa bàn huyện Châu Đức. |
Theo tìm hiểu thuốc kháng sinh dùng trong chăn nuôi được bán phổ biến tại các cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc. Tại các nơi này, thuốc kháng sinh bán cho vật nuôi được đóng gói dưới 2 dạng: Bột hòa tan (pha với nước) và không hòa tan (trộn với thức ăn) đựng trong bịch 0,5-1kg, giá bán cao hoặc thấp tùy nhóm kháng sinh, nhưng thấp nhất cũng 130 ngàn đồng/kg; thuốc chích 100cc/chai giá trên 100.000 đồng. Ngoài ra, cũng có loại 50cc của nước ngoài gồm nhiều thành phần kháng sinh phối hợp như Chlopheniramin, Gentamycin, Tylosin có giá đến 600-700 ngàn đồng/chai.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi còn mua thuốc kháng sinh của người để chữa bệnh cho vật nuôi. Như trường hợp của bà L.T.TH (huyện Đất Đỏ) cho biết, bà nuôi khoảng 200 con gà ta thả vườn để bán vào dịp Tết. Thời điểm cuối năm gà thường dễ mắc bệnh tiêu chảy, cúm, được 1 người bạn giới thiệu, khi gà có dấu hiệu trên bà ra tiệm thuốc tây mua 1 bịch thuốc dạng viên màu vàng (không biết tên) với chức năng trị tiêu chảy cho người về pha vào nước cho gà uống, chỉ sau 1 đêm gà hạn chế tiêu chảy và không còn rủ rượi do bị cúm.
Để phòng ngừa bệnh cho vật nuôi, người dân nên tiêm phòng thay vì tiêm thuốc kháng sinh điều trị bệnh cho vật nuôi. Trong ảnh: Chuẩn bị tiêm thuốc trị bệnh cho heo tại trang trại của ông Đoàn Thanh Lâm (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: THANH TRÍ |
Theo Nghị định số 39/2017/NĐ-CP (ngày 20-5-2017) của Chính phủ về “Quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy định nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh” thì kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y. Tuy nhiên theo ghi nhận, hầu hết các hộ chăn nuôi đều tự chủ động điều trị bệnh cho đàn vật nuôi theo kinh nghiệm hoặc tìm đến các cửa hàng thuốc thú y để mua thuốc về dùng theo hướng dẫn trên bao bì của thuốc hoặc của người bán thuốc không mấy khi mời bác sĩ thú y đến khám. Hiện chỉ một số trang trại chăn nuôi lớn với số lượng từ 1.000 con trở lớn mới bố trí bác sĩ thú y và các kỹ sư chăn nuôi phụ trách. Vì vậy chiếu theo quy định này việc triển khai đến các hộ chăn nuôi rất khó thực hiện.
Ngày 21-6-2017, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định 2625/QĐ-BNN-TY về kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020. Theo đó, từ đầu năm 2018, Việt Nam sẽ dừng sử dụng các loại kháng sinh trong sản xuất thực phẩm (chăn nuôi và thủy sản), chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Trong lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. |
NHÓM PV THỜI SỰ