.

Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh - Bài cuối: Để chấm dứt việc lạm dụng kháng sinh

Cập nhật: 17:48, 18/01/2018 (GMT+7)

Trước việc kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng, ngành y tế và ngành NN-PTNT đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm chấm dứt việc lạm dụng kháng sinh trong khám chữa bệnh và chăn nuôi. 

KIỂM SOÁT CHẶT VIỆC KÊ VÀ BÁN THUỐC THEO ĐƠN

Để phòng, chống tình trạng kháng thuốc, nhân viên y tế cần sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong điều trị.  Trong ảnh: Điều dưỡng tiêm thuốc cho trẻ điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu. 
Để phòng, chống tình trạng kháng thuốc, nhân viên y tế cần sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong điều trị. Trong ảnh: Điều dưỡng tiêm thuốc cho trẻ điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu. 

Ngày 7-9-2017, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, ngành y tế đặt mục tiêu, đến năm 2020, 100% quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Người kê đơn thuốc phải thực hiện đúng quy định về kê đơn thuốc và chịu trách nhiệm về đơn thuốc do mình kê cho người bệnh; tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong điều trị. Người bán lẻ thuốc phải tuân thủ việc thực hiện quy định về bán thuốc kê đơn, đặc biệt là bán thuốc kháng sinh. Người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Tại BR-VT, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh đã có những giải pháp cụ thể để thực hiện. Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để phòng chống kháng thuốc kháng sinh, Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án nói trên của Bộ Y tế. Theo đó, đơn thuốc phải được ghi nội dung đúng quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic), hàm lượng, cách dùng, liều dùng. Ngành y tế sẽ xử phạt nghiêm theo quy định nếu bác sĩ thực hiện sai. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế và người dân về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, nhất là kháng sinh; tổ chức truyền thông cho cộng đồng về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc, hậu quả của việc kháng thuốc. Ngành cũng tăng cường tập huấn cho người kê đơn các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc kê đơn thuốc; hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thuốc; các cơ sở y tế ngoài công lập; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm; nâng cao trách nhiệm của Phòng Y tế các huyện, thành phố trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

XÂY DỰNG VÙNG CHĂN NUÔI AN TOÀN

Trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Đình Trưởng, xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh từ năm 2015. 
Trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Đình Trưởng, xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh từ năm 2015. 

Ngành NN-PTNT cũng đã phối hợp triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020. Theo đó, ngành NN-PTNT tập trung rà soát, sửa đổi các quy định và chính sách liên quan đến kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ về sự hình thành kháng kháng sinh cho cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, nông dân và người tiêu dùng; tăng cường giám sát sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản...

Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục tổ chức nhiều buổi tư vấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi cũng như các cơ sở buôn bán thuốc thú y, thức ăn hiểu biết tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; hướng dẫn các bước thực hành tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…

Để phòng chống tình trạng kháng thuốc, nhân viên y tế cần sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong điều trị. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật mắt cho bệnh nhân.
Để phòng chống tình trạng kháng thuốc, nhân viên y tế cần sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong điều trị. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật mắt cho bệnh nhân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong chăn nuôi là do điều kiện chăn nuôi không bảo đảm, vật nuôi dễ bị bệnh. Do đó, Chi cục Thú y sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh”. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 225 trang trại đăng ký tham gia dự án này (149 trang trại heo, 76 trang trại gà), tập trung tại các huyện: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, TP.Bà Rịa... Đây là mô hình phòng chống dịch bệnh hiệu quả, giảm việc sử dụng kháng sinh trên vật nuôi. Do vậy, ngành tiếp tục duy trì, đẩy mạnh triển khai dự án trong thời gian tới. Theo kế hoạch, tỉnh đang phấn đấu đến cuối năm 2020, có 90% trang trại chăn nuôi heo và 100% trang trại chăn nuôi gà được công nhận an toàn dịch bệnh.

NHÓM PV THỜI SỰ

Các Kế hoạch hành động quốc gia nhằm phòng chống kháng thuốc đã được ban hành: 

Ngày 21-6-2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BYT về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020, với các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi. 

Ngày 24-6-2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển ở Việt Nam đã cùng ký kết Văn bản thỏa thuận đa ngành về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Ngày 7-7-2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 2803/QĐ-BNN-TY về “Kế hoạch quản lý và giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y giai đoạn 2016-2020”; Ban hành Thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 về lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng.

 
.
.
.