.

Vợ nghiện mua sắm

Cập nhật: 09:45, 27/10/2017 (GMT+7)

Kính gửi chị Hạnh Dung!

Chúng tôi mới cưới được hơn một năm nay nhưng căn hộ của vợ chồng như một cửa hàng quần áo, gia dụng. Mỗi lần đi siêu thị, thấy thứ gì ưng mắt là vợ cứ mua, không quan tâm nó có cần thiết hay không. Tủ bếp thì chật ních đĩa, nồi, chén, còn tủ quần áo thì đầy váy, áo, nhưng thực tế cô ấy chỉ mặc một số bộ yêu thích nên nhiều cái mua về để đó không đụng đến. Buồn, cô ấy đi mua sắm, vui cô ấy cũng đi mua sắm. Tôi có góp ý vài lần thì vợ ậm ừ rồi vẫn giữ thói quen khó bỏ này. Tiền lương hai vợ chồng cũng kha khá, nhưng vợ tôi cứ mua sắm kiểu này thì tiền tiết kiệm chẳng được là bao. Có “phương thuốc” nào chữa bệnh nghiện mua sắm giúp vợ tôi không? (Thanh Hải, đường 2-9, TP.Vũng Tàu)

Chào anh Thanh Hải!

“Thuốc” chữa “bệnh” mua sắm thì có, nhưng vì đây là căn bệnh thuộc loại “trầm kha”, dễ tái phát, khó chữa dứt, nên thuốc đa phần là thuốc đắng. Tôi cứ kê thử, anh áp dụng xem thế nào nhé.

Thứ nhất là tiền, anh quản chặt tiền thì cô ấy muốn mua sắm nhiều cũng không được. Anh chỉ nên đưa cho vợ những khoản tiền nhỏ mỗi lần đi chợ, đi mua sắm, hết lại đưa tiếp, không nên đưa quá nhiều một lần. Vợ mua gì thì nên công khai với chồng.

Thứ hai là dùng tình cảm để vận động, thuyết phục vợ. Thỉnh thoảng, anh mua tặng vợ một món đồ yêu thích, hãy giải thích cho cô ấy biết ai tiết kiệm, dành dụm được tiền thì mới có khả năng rộng rãi với người khác. Đôi lúc, anh hãy nhắc lại những khi túng thiếu, khó khăn của gia đình để vợ thấy cần phải tiết kiệm tiền chi tiêu. Cuối cùng, hãy cùng vợ lập một kế hoạch lớn, ví dụ sang năm có em bé, mua xe... anh và vợ sẽ cùng nhau tiết kiệm tiền để thực hiện được kế hoạch đó. Nhìn chung, phụ nữ có mục tiêu, có niềm vui thì sẽ khắc phục được “bệnh vung tay quá trán” này.

Chúc anh thành công!

HẠNH DUNG

.
.
.